Đánh giá nhanh Gigabyte X870 AORUS Elite WiFi7: sẵn sàng đi tắt đón đầu về công nghệ
Tập trung vào hiệu năng, Gigabyte X870 AORUS Elite Wifi7 hướng tới người dùng quan tâm đến hiệu năng hơn là các tính năng màu mè “gimmick”.
- Intel giờ mới 'học theo' công nghệ đang giúp AMD thống trị mảng CPU chơi game, nhưng người dùng phổ thông vẫn phải chờ dài cổ
- AMD thống trị top 10 CPU bán chạy nhất trên Amazon, Intel ngậm ngùi đứng hạng 11 với một con chip 'cũ' đã 2 năm tuổi
- Trên tay Lexar ARES RGB DDR5 và Lexar NM790: Cặp đôi vừa túi tiền cho người dùng Intel Core Ultra series 2
Hàng năm, bất kể AMD hay Intel có ra mắt dòng CPU mới cho máy tính để bàn hay không, các nhà sản xuất mainboard vẫn liên tục cải tiến cũng như ra mắt các sản phẩm mới để phủ khắp các phân khúc khách hàng. Năm nay, với sự ra mắt của chipset AMD X870E và X870 vào ngày 30/9, Gigabyte với vị thế là một trong những nhà sản xuất mainboard hàng đầu thế giới, đã đồng thời giới thiệu dải sản phẩm mainboard mới cho CPU AMD Ryzen 9000 series.
Bên cạnh các sản phẩm mainboard cao cấp được trang bị chipset X870E cao cấp, Gigabyte cũng trình làng các mainboard X870 là phiên bản dễ tiếp cận hơn. Thực tế, chipset AMD X870 có thông số khá tương đồng với B650E trừ việc được trang bị thêm cổng USB 4. Thuộc dải sản phẩm có giá thành dễ tiếp cận, Gigabyte X870 AORUS Elite WiFi7 được nhắm tới những người dùng đề cao hiệu năng trên giá thành khi xây dựng cấu hình máy.
X870 AORUS Elite WiFi7 có thể được coi là sản phẩm "entry-level" của các mainboard AORUS cao cấp của Gigabyte. Do đó, hộp của sản phẩm cũng không được làm quá cầu kỳ với thiết kế với tông đen làm chủ đạo, điểm thêm font chữ màu cam truyền thống của AORUS. Mặt trước của chiếc mainboard được thiết kế khá truyền thống theo kiểu của thương hiệu AORUS với logo thương hiệu, tên sản phẩm, tên socket và chipset. Phần còn lại là hình đồ họa của thương hiệu cùng khẩu hiệu "Team up, fight on".
Mặt sau của hộp X870 AORUS Elite WiFi7 mới là nơi đặt hình ảnh sản phẩm cũng như một số tính năng nổi bật của sản phẩm và thông số kỹ thuật chi tiết. Là dòng sản phẩm tối ưu chi phí nên chiếc mainboard này cũng không được trang bị kèm quá nhiều phụ kiện, nổi bật là chiếc antenna WiFi7 có chân kết nối EZ-Plug độc quyền của Gigabyte.
Thiết kế tổng thể của X870 AORUS Elite WiFi7 lấy màu đen làm chủ đạo với các phần họa tiết in màu trắng và xám, không quá nổi bật. Với kích thước ATX phổ thông, chiếc mainboard này có khá dư dả diện tích để được trang bị thêm nhiều tính năng nhằm nâng tầm hiệu năng.
Mặt sau của X870 AORUS Elite WiFi7 được thiết kế nhiều hình hoạt họa của logo AORUS tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng. Tuy nhiên, mặt sau của chiếc mainboard này không có gì đáng chú ý ngoài phần giáp gia cố cho chân PCIe 5.0 x16 với tên gọi Ultra Durable PCIe Armor.
Dù là sản phẩm có mức giá cạnh tranh, X870 AORUS Elite WiFi7 vẫn thuộc dòng sản phẩm cao cấp AORUS của Gigabyte nên được trang bị rất nhiều tính năng cao cấp tương ứng. Thiết kế VRM kép kỹ thuật số và thiết lập 16+2+2 giúp chiếc mainboard này dễ dàng ghép cặp với các CPU socket AM5 cao cấp nhất đến từ AMD như Ryzen 9 9950X hay 7950X. Với 2 chân nguồn CPU EPS 8-pin, người dùng có thể yên tâm về khả năng cấp điện của X870 AORUS Elite WiFi7, kể cả khi ép xung.
Góc phải phía trên của X870 AORUS Elite WiFi7 là nơi tập trung các tính năng "DIY" hỗ trợ người dùng trong quá trình lắp đặt linh kiện. Ngoài các chân cắm cho quạt tản nhiệt CPU và chân LED RGB, Gigabyte còn trang bị cho chiếc mainboard này các tính năng thường thấy ở các sản phẩm cao cấp như nút nguồn ngay trên mainboard hay đèn Debug LED giúp nhanh chóng phát hiện lỗi cơ bản hay màn hình hiển thị lỗi chi tiết khi máy chạy POST trước khi vào hệ điều hành. Bên trái của chân nguồn 24-pin là chân HDMI được thiết kế chuyên biệt để xuất hình ra các màn hình nhỏ hiển thị các thông số cảm biến (nhiệt độ, xung nhịp CPU,...)
Nửa dưới là nơi tập trung các kết nối của X870 AORUS Elite WiFi7 như cổng PCIe 5.0 x16 và tới 3 chân M.2 để người dùng gắn các thiết bị lưu trữ tốc độ cao. Phần tản nhiệt cho cổng PCie 5.0 x4 M.2 sát CPU được gắn bằng một tấm tản nhiệt nhôm lớn, có đường chéo từ phần tản VRM tới tản chipset. Phần tản nhiệt của 2 chân M.2 PCIe 5.0 và 1 chân M.2 PCIe 4.0 còn lại được đặt dưới tấm tản nhiệt cỡ lớn với hình logo AORUS nổi bật. Tất cả các khe gắn M.2 này đều được gắn bằng ngàm M.2 EZ-Latch Plus, giúp người dùng dễ dàng thay thế ổ M.2 mà không cần tới cả tô vít.
Phần chân PCIe 5.0 x16 để gắn card đồ họa trên X870 AORUS Elite WiFi7 được gia cố bằng giáp với tên gọi Ultra Durable PCIe Armor, giúp người dùng tự tin sử dụng tới cả những chiếc card đồ họa nặng như RTX 4090. Không những thế, chân cắm này còn được trang bị nút bấm PCIe EZ-Latch Plus để dễ dàng tháo lắm card đồ họa chỉ với một nút bấm.
Góc phải phía dưới của X870 AORUS Elite WiFi7 là nơi bố trí các cổng SATA hay cổng USB 3 cho front panel. Do không trang bị nút Reset CMOS chuyên biệt nên pin CMOS của chiếc mainboard này được đưa ra phía ngoài, không bị che bởi phần giáp tản nhiệt.
Tương tự như các bo mạch chủ được trang bị chip âm thanh cao cấp, chip Realtek ALC1220 trên X870 AORUS Elite WiFi7 cũng được thiết kế tách khỏi phần bo mạch chính ở đường chỉ màu vàng để hạn chế tín hiệu nhiễu.
Tuy được gọi là phiên bản giá mềm của X870E, chipset AMD X870 trên X870 AORUS Elite WiFi7 vẫn đảm bảo cho người dùng đầy đủ các cổng kết nối cần thiết. Ngoài cổng LAN 2.5G, jack tiếng và mic 3.5mm hay cổng quang S/PDIF thông dụng, chiếc mainboard này còn được trang bị thêm nút Q-Flash Plus hỗ trợ người dùng nâng cấp BIOS mà không cần cắm CPU. Bên cạnh đó là 1 cổng HDMI, chân cắm antenna EZ-Plug, 2 cổng USB4 chuẩn Type-C (có khả năng xuất hình qua giao thức DisplayPort), 2 cổng USB 3.2 Gen 2 Type-A, 4 cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A và tới 4 cổng USB 2.0/1.1.
Do tập trung vào hiệu năng, X870 AORUS Elite WiFi7 không được trang bị LED RGB trên bo mạch mà chỉ hỗ trợ việc đồng bộ đèn của các thiết bị khách thông qua các chân cắm RGB hay ARGB.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 9 9900X
- Mainboard: Gigabyte X870 AORUS Elite WiFi7
- GPU: Radeon RX 7600 XT GAMING OC 16G
- RAM: AORUS Memory DDR5 32GB (2x16GB) 5200MT/s
- SSD: AORUS Gen4 SSD 500GB
Trong quá trình viết bài, Gigabyte đã phát hành BIOS mới cho các sản phẩm bo mạch chủ X870 và X870E có thêm tính năng X3D Turbo Mode, được quảng cáo là có thể cải thiện hiệu năng chơi game của CPU lên tới 2-30%. Để tìm hiểu cách thức hoạt động của tính năng này, chúng ta sẽ thử nghiệm với CPU AMD Ryzen 9 9900X, một CPU non-X3D. Tính năng độc quyền này của Gigabyte có thể được kích hoạt chỉ với một vài cú click chuột trong giao diện UEFI vốn nổi tiếng về độ trực quan của hãng.
Hình ảnh bên trái là khi không bật chế độ X3D Turbo còn hình bên phải là có bật. Ở bài thử CineBench 2024, có thể thấy khi bật chế độ này, hệ thống chỉ ghi nhận CPU có 6 nhân. Do đặc thù mỗi chiplet/ CCD (Core Complex Die) của Ryzen 9 9900X chỉ có 6 nhân, ta có thể cho rằng chế độ này đã tạm thời vô hiệu hóa một chiplet để tối ưu nhiệt độ và qua đó là hiệu năng của CPU. Có thể thấy điểm CPU đơn nhân cải thiện khoảng 7% nhưng hiệu năng tổng thể bị ảnh hưởng khá nhiều.
Tương tự với bài thử 3DMark TimeSpy, với việc bị vô hiệu hóa một nửa CPU và các tính năng đa luồng, điểm CPU đã bị ảnh hưởng khá nhiều khi bật X3D Turbo Mode.
Thử nghiệm bất kỳ với công cụ benchmark của game Tomb Raider 2018, AMD Ryzen 9 9900X trên X870 AORUS Elite WiFi7 khi bật X3D Turbo Mode cho mức FPS nhỉnh hơn đôi chút nhưng có thể coi là không đáng kể. Nếu thử nghiệm ở các game sử dụng nhiều nhân CPU cũng trên các CPU có bộ nhớ đệm X3D và nhiều hơn 8 nhân xử lý, mức hiệu năng chênh lệch sẽ lớn hơn và lợi thế cũng sẽ nghiêng về việc có bật chế độ X3D Turbo.
Nhìn chung, X870 AORUS Elite WiFi7 là một chiếc mainboard có đầy đủ các tính năng mà một người dùng quan tâm đến hiệu năng cần hơn là những tính năng trang trí như đèn hoặc màn hình LED trên bo mạch. Với các tính năng đi tắt đón đầu như X3D Turbo Mode hay WiFi7, chiếc mainboard này sẽ sẵn sàng làm nền tảng cho cấu hình máy AMD Ryzen series 7000 trở lên trong vài năm tới. Không những thế, đây còn là một khoản đầu tư hợp lý khi người dùng được trải nghiệm hầu hết các tính năng cao cấp của dòng AORUS ở mức giá nhình hơn đôi chút so với các mainboard tầm trung của Gigabyte.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đều thuê ngoài sản xuất chip, điều gì làm nên khác biệt hiệu năng trong bộ xử lý M4 so với các đối thủ khác: Giám đốc Apple tiết lộ "vũ khí bí mật" của công ty
Không phải tiến trình sản xuất chip hay công nghệ thiết kế chip, theo các giám đốc Apple, đây mới là vũ khí bí mật làm nên sức mạnh cho bộ xử lý của công ty.
Người Trung Quốc xếp hàng dài đặt cọc điện thoại chưa ra mắt của Huawei