Đàn ông và những ngộ nhận về "muốn" và "thích"

    Long.J,  

    "Có hai bi kịch trong cuộc đời này. Một là không đạt được điều mình muốn, hai là đạt được nó." - Oscar Wilde.

    Bất kể là đàn ông hay phụ nữ, con người thường khao khát rất nhiều điều. Nhưng đôi khi, có được nó rồi, những gì còn lại chỉ là cảm giác thất vọng.

    Nhảy việc, lương cao hơn sẽ làm mình hạnh phúc hơn, nhưng không hề.

    Chuyển tới sinh sống ở thành phố lớn, lại tiếc nuối sự yên bình ở vùng quê.

    Tại sao luôn có sự sai lệch giữa suy nghĩ, cảm giác và thực tế?

    Sự sai lệch này thường là kết quả của việc nhầm lẫn giữa mong muốn và cảm giác thích thú (wants and likes) - một sự pha trộn thường gặp khi đưa ra những lựa chọn đúng đắn và cảm thấy hài lòng.

    Wants vs Likes

    Mặc dù ta thường dùng hai từ "muốn" và "thích" để thay thế cho nhau, nhưng trong lĩnh vực tâm lý học, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.

    - Muốn đơn giản là việc ta sẽ thích thứ gì đó khi sở hữu hoặc trải nghiệm nó (Muốn dựa trên những phỏng đoán).

    - Thích là cảm giác vui vẻ (niềm vui và thỏa mãn) ta có được khi làm hoặc sở hữu thứ gì đó (Thích dựa trên trải nghiệm ban đầu).

    Nếu cảm thấy chưa rõ ràng, lấy ngay ví dụ:

    "Tôi muốn dành nhiều thời gian ở bên ngoài", hoàn toàn khác với "Tôi thích dành nhiều thời gian ở bên ngoài."

    Nếu ta muốn thứ gì đó, ta biết mình phải thích nó - nếu không thì ngay từ đầu ta đã chẳng muốn nó.

    Tuy nhiên, thích và muốn không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau: Ta thường muốn những thứ mà ta không thật sự thích. Đây được gọi là ngộ nhận mong muốn (miswanting).

    Điều gì gây những ngộ nhận này?

    Tại sao ta lại muốn thứ mình không thích? Chẳng lẽ ta không hiểu bản thân đủ rõ?

    Nhà tâm lý học Daniel Gilbert và cộng sự của ông, Timothy Wilson, đã làm sáng tỏ nhiều nguyên nhân khiến thíchmuốn bị nhầm lẫn.

    1. Dự đoán không chính xác

    Đôi khi những gì ta tưởng tượng khi bắt đầu có khao khát mạnh mẽ về thứ gì đó không khớp với những gì ta thực sự trải nghiệm. Khi đó dự đoán không mang tính chính xác.

     The Great Gatsby là bi kịch điển hình cho ngộ nhận mong muốn. Gatsby dành cả đời mình để trở thành người đàn ông mà Daisy mong muốn nhưng đến cuối cùng anh mới hiểu ra rằng mình đã ngộ nhận

    The Great Gatsby là bi kịch điển hình cho ngộ nhận mong muốn. Gatsby dành cả đời mình để trở thành người đàn ông mà Daisy mong muốn nhưng đến cuối cùng anh mới hiểu ra rằng mình đã ngộ nhận

    Daniel Gilbert kể lại: Khi mới kết hôn, ông và vợ quyết định làm một chuyến đi đến nước Ý. Cả hai người đều yêu thích lịch sử và những thứ cổ kính, vì thế họ nghĩ rằng sẽ vô cùng thích thú khi khám phá thành Rome.

    Daniel và vợ tưởng tượng sẽ như hai kẻ tự do lang thang qua những bậc thang đẹp mắt của những di tích cổ xưa. Tuy vậy, thực tế thì chuyến đi chủ yếu liên quan tới việc đóng gói những thứ như cá mòi, xếp hàng chờ đợi trong mệt mỏi vì quá đông người. Nhà tâm lý học nhận ra mình muốn đi xem các địa danh lớn, nhưng không hề thích phải đi nghỉ ở những nơi đông đúc.

    Ta cũng thường lẫn lộn giữa muốn và thích với những quyết định lớn hơn. Một số người có ý tưởng trong đầu về thứ tạo nên một công việc mơ ước. Họ nghĩ nó sẽ làm họ hạnh phúc và thỏa mãn hơn công việc hiện tại. Bằng một vài sự bứt phá, họ thoát khỏi công việc cũ và bắt đầu dấn thân vào niềm đam mê của mình.

    Ban đầu, mọi thứ thật hoàn hảo. Sự hào hứng tự nhiên ùa đến và những điều mới mẻ làm họ cảm thấy như mình đã đưa ra lựa chọn đúng đắn.

    Tuy nhiên, chỉ sau một vài tuần, họ bắt đầu nhận thấy những điều khó chịu mà họ đã không tưởng tượng ra trước khi theo đuổi đam mê. Họ không lường trước được những đêm thức trắng, phải lo lắng về sổ sách hay những khách hàng khó chịu, đòi hỏi cao mà họ phải làm việc cùng. Chẳng bao lâu, những người này bắt đầu tự chỉ trích quyết định của mình. Hóa ra, ta chưa chắc đã thích thứ mình từng muốn làm.

    2. Chưa hiểu bản thân

    Giờ thì hãy cứ cho rằng bạn hoàn toàn hiểu rõ về những gì bạn muốn. Liệu sự sai lệch giữa tưởng tượng ban đầu và thực tế có còn tồn tại?

    Đáng tiếc là có.

    Dù cho ta có biết chính xác điều mình muốn, đôi lúc ta vẫn có những nhận định không đúng về sự thích thú của bản thân.

    Thực tế này đã được chứng minh qua một nghiên cứu đơn giản về các món ăn vặt. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia lên thực đơn các món họ sẽ ăn vào ba ngày thứ Hai liên tiếp. Những người này biết chính xác món họ sẽ ăn; nhưng khi đến ngày diễn ra thí nghiệm, họ cảm thấy thất vọng và gần như không nuốt nổi đồ ăn của tuần tiếp theo.

    Vấn đề là những người tham gia có xu hướng nghĩ rằng việc lựa chọn đa dạng các món ăn sẽ làm họ thỏa mãn nhất. Vì thế, thay vì yêu cầu một món mà họ thích nhất cho cả 3 ngày, họ quyết định chọn mỗi ngày một món khác nhau.

    Rất khó để thoát khỏi suy nghĩ thông thường và nhận ra mình không phải lúc nào cũng thích thứ mà mình muốn.

    3. Sự lây truyền cảm xúc

     Cho dù ta biết chính xác thứ mình muốn, chắc chắn mình thích nó, thì ta vẫn dễ bị ngộ nhận mong muốn vì cảm xúc

    Cho dù ta biết chính xác thứ mình muốn, chắc chắn mình thích nó, thì ta vẫn dễ bị ngộ nhận mong muốn vì cảm xúc

    Ví dụ, bạn đang đi nghỉ ở một nơi xa lạ, và bạn cảm thấy cực kỳ thư giãn và vui vẻ. Bạn tự nhủ, "Mình thích nơi này! Mình phải chuyển đến đây ở luôn mới được." Nghe có vẻ như nơi đó làm bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng đó có thể chỉ đơn giản là vì bạn đang trong kỳ nghỉ và không phải làm việc. Hầu hết chúng ta đều hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ dù ta đang ở đâu.

    Lan truyền cảm xúc cũng thường xảy ra với các mối quan hệ. Bạn hẹn hò với ai đó, ban đầu bạn nghĩ cô ấy thật tuyệt; song cảm xúc này có thể chỉ là vì bạn phấn khích khi đang ở trong một mối quan hệ mà thôi. Hoặc bạn vui vì mình đã chấm dứt quãng thời gian cô đơn, hoặc vì có một cô gái thích mình, chứ không phải vì bạn thích cô ấy.

    Lây lan cảm xúc cũng có thể xảy ra với những cảm giác tiêu cực. Ví dụ, bạn cảm thấy thất vọng vì không được tăng lương. Bạn bè gọi đến rủ bạn đi chơi thể thao, nhưng vì đang có cảm xúc tiêu cực nên bạn chẳng buồn ra ngoài nữa.

    Vậy làm sao để chắc chắn ta đang theo đuổi thứ mình thực sự thích?

    Mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn sự ngộ nhận mong muốn khỏi cuộc sống, ta có thể áp dụng các biện pháp nhằm giảm tần suất và mức độ của nó, đặc biệt với những ước muốn có thể gây hậu quả lớn trong đời sống như thay đổi công việc hoặc chuyển nhà.

    1. Đừng ngại chọn thứ bạn thực sự thích, cho dù nó đi ngược lại kỳ vọng của gia đình và xã hội

    Khi còn học đại học, có thể bạn nhận ra mình thích nghề giáo nhất. Nhưng con đường này dường như không đem lại danh tiếng và sự ổn định mà gia đình kỳ vọng, vì thế bạn tự thuyết phục bản thân rằng mình thích làm luật sư hoặc doanh nhân. Đến khi đang học ở trường luật, bạn mới vỡ mộng.

    Đừng lựa chọn những con đường mà người khác tô vẽ sẵn, hãy chọn con đường mà bạn thực sự muốn.

    2. Thử trước khi quyết định

    Cứ cho rằng bạn muốn một công việc mới. Bạn ghét công việc hiện tại và cảm thấy không thỏa mãn. Thay vì từ bỏ ngay công việc hiện tại và tìm một công việc mới mà đến cuối cùng vẫn khiến bạn bất mãn, hãy thử làm nó trước đã.

    Một cách khác để thử làm công việc khác với lĩnh vực hiện tại là làm ngoài giờ, coi nó như một nghề tay trái.

    3. Ghi chép hoặc viết nhật ký

    Ghi chép có thể giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về cái bạn thật sự thích, đối lập với cái mà bạn nghĩ là mình thích. Những ký ức của ta trở nên mờ nhạt và không rõ ràng theo thời gian nên việc ghi chép để khẳng định lại là việc cần thiết.

    4. Hiểu rằng cuối cùng bạn có thể sẽ thích thứ mà bạn không nghĩ là mình muốn

    Đôi khi ta không chỉ ghét những thứ mà ta tưởng mình muốn, ngược lại, ta còn thích những thứ mà ta không biết là mình muốn nó.

    Bạn nghĩ mình không thích một món ăn nào đó cho đến khi nếm thử nó; bạn nghĩ sẽ mãi độc thân cho đến khi có bạn gái. Hãy luôn cởi mở và đừng ngại thử những điều mới, bạn không bao giờ biết khi nào mình sẽ thích một thứ mà mình chưa từng muốn.

    Theo Artofmanliness

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày