Apple đã quay lưng lại với khách hàng và các nhân viên của mình sau cái chết của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Steve Jobs - một kỹ sư đã bị Apple sa thải khẳng định trong đơn kiện của anh.
"Không hề có thứ gọi là trách nhiệm công ty tồn tại ở Apple kể từ sau cái chết của Ngài Jobs" - Darren Eastman cáo buộc trong đơn kiện Apple liên quan việc anh bị sa thải và các bằng sáng chế liên quan tới công việc của anh tại trụ sở gã khổng lồ công nghệ Cupertino.
Apple từ chối bình luận về những khẳng định của Eastman.
Cựu kỹ sư Apple, người tự đại diện chính mình tại toà, đã bắt đầu công việc kỹ sư tại Apple vào năm 2006, chủ yếu bởi Steve Jobs có hứng thú với ý tưởng của anh về một chiếc máy Mac giá rẻ dành cho giáo dục, và muốn công ty thuê anh ngay sau khi tốt nghiệp - theo lời Eastman. Anh khẳng định mình là người đã phát minh ra chức năng "Find my iPhone".
Eastman nói trong đơn kiện hôm thứ Năm rằng, khi Steve Jobs còn điều hành Apple, ông đã nói với Eastman là phải thông báo với ông bất kỳ vấn đề nào chưa giải quyết được với các sản phẩm của công ty, và các nhân viên nói chung đều nên có sự quan tâm đến công việc chung như vậy.
Thế nhưng mọi thứ đều thay đổi sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011.
"Nhiều nhân viên tài năng cống hiến cuộc đời họ cho Apple nay thường xuyên bị kỷ luật và đuổi việc vì báo cáo các vấn đề họ thường báo cáo dưới thời Ngày Jobs"
"Chủ nghĩa thân hữu và nỗ lực ngó lơ mọi vấn đề về chất lượng trong các sản phẩm hiện tại và tương lai đã trở thành những việc quan trọng nhất phải làm để duy trì mục tiêu né tránh luật pháp và giảm thiểu thuế".
"Tuân thủ pháp luật và trả các khoản tiền được yêu cầu là điều cấm kỵ tại Apple, và nỗi thất vọng lớn nhất của các lãnh đạo Apple chính là các sắc lệnh của toà án và việc phải trả bất kỳ loại tiền thuế nào khác".
Dưới sự lãnh đạo của CEO Mới là Tim Cook, phản ứng đối với những công nhân đang bày tỏ mối quan ngại của họ khác đáng kể so với những gì diễn ra dưới thời Jobs, Eastman nói.
"Thông báo với ông Cook về các vấn đề (mà trước đây được Ngài Jobs chào đón) chẳng mang lại phản hồi nào, hoặc sẽ nhận về một lời đe doạ từ quản lý trực tiếp của bạn sau đó"
"Không có thứ gọi là trách nhiệm, mọi nỗ lực để làm điều đúng đắn sẽ nhanh chóng bị trả đũa".
Theo lời Eastman thì vào năm 2014, một quản lý đã bị sa thải sau khi "đề xuất trong một cuộc họp lớn rằng một dự án đã được khởi xướng sẽ khiến công ty tiêu tốn hàng triệu USD và hàng trăm ngàn giờ lao động mà không mang lại thành công nào".
Cô con gái của nhà quản lý bị sa thải đó, một nhân viên Apple, cũng bị đuổi việc sau đó không lâu vì báo cáo có nấm mốc độc hại trong khuôn viên toà nhà nơi cô làm việc.
"Dù các nhà thầu đã xác nhận toà nhà sẽ không bao giờ hết mốc, Apple đã ký hợp đồng cho thuê nhiều năm liền và khuyến khích nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc sau khi sơn lại các vết mốc" - anh nói tiếp.
Đối với việc sa thải công nhân, Apple tính toán thời gian rất kỹ. Kỹ sư này khẳng định công ty tìm cách sa thải bất hợp pháp các nhân viên ngay trước khi kết thúc một năm tài khoá.
"ĐIều đó có nghĩa là khoản tiền thưởng cho công việc của năm hiện tại (bao gồm phần cổ phiếu mà phải mất nhiều năm mới được trao) sẽ không được chi trả". Bản thân Eastman bị sa thải vào năm 2014.
"Phần cổ phiếu đó sau này sẽ được chuyển sang cho các nhân viên khác và trở thành phần tiền thưởng phụ thêm cho các quản lý nhằm khuyến khích họ sa thải các nhân viên có kinh nghiệm - việc này giúp giảm thiểu tiền lương và chi phí thuế phải trả".
Các kỹ sư "bắt đầu biến mất một cách đột ngột" khi các phần cổ phiếu của họ đến hạn phải trả hay khi một đợt đánh giá hiệu suất công việc được cho là sẽ mang lại cho họ những khoản tiền thưởng lớn hoặc được tăng lương, Eastman nói.
"Apple đã biến đổi từ một công ty thật thà thành một kẻ hung hăng thường xuyên tìm cách phá vỡ các bản hợp đồng, phân biệt giới tính và luật lao động, chưa kể họ còn thường hành động không có thiện chí trong các thoả thuận kinh doanh".
Eastman cho biết anh đã bị buộc phải đại diện cho chính mình trong vụ kiện bởi Apple đã tìm cách khiến anh cạn kiệt mọi nguồn tài chính để thuê đại diện pháp luật.
"Ngay cả khi Apple bị buộc phải ra toà, họ cũng thực hiện những động thái kỳ quặc nhằm thách thức luật pháp và không tôn trọng cả thẩm phán lẫn quá trình xét xử".
Với việc hệ thống quản lý của Apple tập trung vào "loại bỏ quy trình đảm bảo chất lượng và các vị trí liên quan kỹ thuật", các nhân viên đã phải đứng mũi chịu sào trước các vụ kiện tụng, "thường xuất phát từ những lý do đáng hổ thẹn và đơn giản mà trước đây chưa bao giờ xảy ra tại Apple".
"Các bản cập nhật cho mọi sản phẩm thường không được thử nghiệm trước, gây ra nhiều vấn đề đáng chú ý hơn những thứ đã được giải quyết - đôi lúc quá trình render các ứng dụng hay các chức năng cơ bản hoàn toàn không sử dụng được cho đến khi có một bản cập nhật khác khắc phục lỗi".
Theo Eastman thì anh thường được giao việc giúp đỡ các khách hàng từng viết thư cho các lãnh đạo công ty sau khi bị ngó lơ bởi Apple. Anh sẽ chuẩn đoán vấn đề và đưa ra giải pháp, nhưng các bản vá của anh không bao giờ được đưa vào các bản cập nhật. Các khách hàng anh từng làm việc cuối cùng lại đi kiện Apple.
"Trọng tâm chính của ban lãnh đạo là tìm cách xoá bỏ mọi nghĩa vụ nộp thuế và những tin tức PR nói xấu Apple".
Eastman hiện đề nghị toà cho anh được lấy lại 735 cổ phiếu công khai của Apple (trị giá khoảng 165.000 USD tính đến ngày 28/9), được bồi thường thiệt hại 326.400 USD cộng với tiền lãi 32.640 USD, và giải quyết các vấn đề liên quan quyền sở hữu bằng sáng chế.
Tham khảo: MercuryNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng