Sau khi rời ghế CEO Microsoft, tỷ phú Steve Ballmer dành nhiều thời gian hơn cho đội bóng rổ của mình và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, công ích.
Trong số những lãnh đạo Microsoft, Steve Ballmer được biết đến như một tín đồ cuồng nhiệt thể thao, nhất là sau khi rời công ty năm 2014. Ông mua lại đội bóng rổ nhà nghề LA Clippers NBA với giá 2 tỷ USD.
Nhưng hơn hết, cựu thuyền trưởng Microsoft cùng vợ Connie đã rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Cả hai góp phần xây dựng các chương trình cải thiện kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên toàn nước Mỹ thông qua Ballmer Group với số tiền lên đến 60 triệu USD.
Steve Ballmer hiện đang sở hữu LA Clippers NBA
Hôm 1/5, tại Hội nghị Toàn cầu Miken do Viện nghiên cứu kinh tế độc lập Milken Institute tổ chức ở Beverly Hills, tỷ phú Steve Ballmer đã có cuộc trò chuyện thoải mái với người đứng đầu Viện này là Michael Milken.
“Tôi yêu thích công việc điều hành tại Microsoft, nhưng bóng rổ lại là khái niệm hoàn toàn khác. Cảm xúc bùng nổ bạn có được thật khác biệt. Bật tung người lên. Cứ 24 giây một lần. Chúng tôi lại ghi bàn. Có phải chúng tôi sẽ thắng? Thể thao là thứ văn hóa đòi hỏi tính trách nhiệm cao. Trong quản lý phần mềm, bạn chỉ định một người nào đó khắc phục sự cố. Với việc kinh doanh, chúng ta có thể nói sẽ thắng lớn vào ngày mai. Nhưng trong thể thao, đơn giản là nó đã kết thúc”, Ballmer bộc bạch với Michael Milken.
Ballmer chẳng dễ dàng gì khi điều hành Clippers. Đây không phải câu lạc bộ luôn biết cách tìm đến chiến thắng. Chưa kể, họ còn phải sống dưới cái bóng quá lớn của “gã hàng xóm” Lakers Los Angeles. Vì thế, tỷ phú 62 tuổi muốn xây dựng sân bóng riêng để khỏi dùng chung Staples Center với Lakers.
“Chúng tôi muốn có ngôi nhà riêng. Staples Center được xây dựng từ năm 1999. Những khu thể thao hiện đại không còn xây dựng theo cách đó nữa. Vì thế, chúng tôi có thể kiếm tiền để xây sân thi đấu mới”, Ballmer nói.
Trong hoạt động từ thiện, Ballmer vẫn là một thành viên rất tích cực giống như khi còn ở Microsoft. Năm ngoái, ông đã giúp chính phủ xây dựng một tài liệu dạng 10-K để giúp mọi người thấy rõ những thứ như thâm hụt liên bang và dòng chảy của những đồng đô la.
“Chúng tôi tập trung vào các sự kiện. Nó giống như nhìn vào một bản báo cáo doanh nghiệp dạng 10-K. Nếu muốn đưa ra quyết định về thứ gì đó, bạn cần có những con số. Bạn không thể chỉ đơn giản nói ‘chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục’ là sẽ làm được”.
Cựu CEO Microsoft nhận thấy mối liên kết giữa đội bóng của ông và các chương trình xóa đói giảm nghèo. Bởi thực tế là các vận động viên thường lớn lên trong các khu ổ chuột tồi tàn, chính niềm đam mê bóng rổ đã giúp họ vươn lên.
Michael Milken và Steve Ballmer tại cuộc nói chuyện hôm 1/5
Phát biểu trong chương trình StriveTogether dành cho trẻ em, mà ông chính là nhà sáng lập, Ballmer chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội để thay đổi điều kiện sống”.
Với hệ thống giáo dục, Ballmer cố gắng tìm hiểu các con số và xem xét nhiều yếu tố như chất lượng giáo viên, tính ổn định hệ thống, thực phẩm, an toàn khu dân cư, điều kiện nhà ở và nhiều hơn thế. Theo số liệu của Milken Institute, tỷ lệ Tốt nghiệp Trung học ở Mỹ đã tăng từ mức 71% năm 1998 lên thành 82% năm 2013, nhưng tỷ lệ đọc hiểu và làm toán của học sinh lại gần như không thay đổi. Trước thông tin đó, Ballmer cho biết ông hy vọng sẽ tạo ra tác động tích cực trong hệ thống giáo dục mầm non, nhưng trước hết ông muốn nhìn thấy tính hiệu quả ở bậc trung học và đại học.
Nói về công nghệ tại cuộc trò chuyện với Michael Milken, Ballmer tỏ ra lạc quan về xu hướng tự động hóa. Ông cho rằng mọi người cần vượt qua nỗi sợ hãi trước AI và nhìn nhận nó theo hướng tích cực.
“Các bài báo thường nói về nguy cơ tự động hóa sẽ cướp mất việc làm. Với việc đảm bảo tính riêng tư phù hợp, bạn có thể giúp đỡ nhiều cho một đứa trẻ từ khi còn lọt lòng tới lúc đi làm, cả trong việc sử dụng dữ liệu và tác động tới giáo dục, bạn sẽ có kết quả tốt hơn. Công nghệ có sẵn. Bài toán đặt ra là làm thế nào để bạn áp dụng tốt nhất vào cuộc sống mà thôi?”, Ballmer chia sẻ.
“Tôi thấy công nghệ có tác động lớn tới mọi thứ theo hướng rất tích cực. Mọi người nói về AI. Chúng ta đã đề cập tới vấn đề này trong nhiều năm qua. Công nghệ có thể nâng tầm sáng tạo và tăng năng suất lao động. Và còn có nhiều điều thú vị với những thế hệ trò chơi thực tế ảo tiếp theo. Chúng tôi cũng đang xem xét điều này tại Clippers để giúp mọi người trải nghiệm cảm giác trở thành một vận động viên thực thụ ngay ở giữa sân bóng”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng