Nguyên nhân bất ngờ khiến não bộ chúng ta phát triển lớn như bây giờ

    zknight,  

    Tiến hóa có xu thế ủng hộ những sự giúp đỡ "cùng đẳng cấp".

    Đã từ lâu, có một câu hỏi mà nhiều nhà khoa học vẫn thắc mắc. Đó là tại sao con người lại có những hành động cho đi mà không cần nhận lại. Hoặc tại sao mà chúng ta sẵn sàng giúp đỡ cả những người xa lạ, chẳng liên quan đến mình?

    Hóa ra khuynh hướng sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện lại có thể liên quan đến bản tính hay đánh giá người khác của con người. Thêm vào đó, các nhà khoa học tại Đại học Cardiff còn phát hiện ra rằng việc liên tục so sánh mình với người khác quyết định sự phát triển của kích thước não, sự tiến hóa và sống còn của con người.

     Con người có não lớn bởi vì chúng ta rất giỏi đánh giá người khác

    Con người có não lớn bởi vì chúng ta rất giỏi đánh giá người khác

    Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ trên tạp chí Scientific Reports, trình bày kết quả của hàng trăm ngàn mô phỏng máy tính. Trong đó, họ đã tạo ra một “xã hội ảo” thu nhỏ, cấu thành từ những “con người ảo được giản thể hóa”. Mỗi người ảo được gán một chỉ số “danh vọng” nhất định.

    Bên trong xã hội này, các nhà nghiên cứu thiết lập nên một trò chơi. Luật chơi là một người ảo sẽ xem xét danh vọng của một người ảo khác, để quyết định xem anh ta có thực hiện hành động cho đi với anh này hay không.

    Nếu người chơi chọn phương án cho đi, anh ta sẽ phát sinh một chi phí, người nhận thì nhận được một lợi ích. Danh vọng của mỗi người được cập nhật bằng cách đánh giá hành động của họ. Sau đó thì các vòng chơi khác tiếp tục”, các nhà nghiên cứu viết.

    Kết quả chỉ ra rằng khi danh vọng của người nhận tương đương với mức danh vọng của người cho đi, những sự cho đi một chiều nhiều khả năng sẽ xuất hiện, đặc biệt là trong trường hợp không có một lợi ích nào được chỉ ra để làm vậy. Nếu một người ở trong trạng thái sẵn sàng cho đi, anh ta cũng nhiều khả năng sẽ được nhận lại.

    Kết quả của chúng tôi gọi ý một điều rằng sự tiến hóa của văn hóa hợp tác, chìa khóa của một xã hội thịnh vượng, bản chất có liên kết với ý tưởng so đo trong xã hội – liên tục đánh giá lẫn nhau và đưa ra quyết định xem liệu chúng ta có giúp đỡ người khác hay không”, Roger Whitaker, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. “Chúng tôi chỉ ra rằng theo thời gian, tiến hóa sẽ ủng hộ xu hướng giúp đỡ những người cùng đẳng cấp thành công với mình”.

     Kích thước não bộ vượt trội của con người có nguồn gốc từ sự tương tác xã hội phức tạp

    Kích thước não bộ vượt trội của con người có nguồn gốc từ sự tương tác xã hội phức tạp

    Giáo sư Robin Dunbar, một nhà tâm lý học đến từ Đại học Oxford, người cũng tham gia nghiên cứu này cho rằng việc đánh giá người khác có thể đã ảnh hưởng đến kích thước não bộ của chúng ta. Các chuyên gia tin rằng kích thước não bộ vượt trội của con người, so với họ hàng gần là loài tinh tinh, có nguồn gốc từ sự tương tác phức tạp trong xã hội loài người.

    Dunbar là nhà khoa học đã đề xuất giả thuyết “não bộ xã hội”. Trong đó nói rằng não bộ chúng ta phát triển không chỉ dành cho nhu cầu tồn tại hay để giải quyết vấn đề cho riêng mình. Nó còn giúp chúng ta thành lập nên các nhóm xã hội rộng lớn và phức tạp.

    Năm 2009, ông viết từ những kết quả nghiên cứu: “Ở các loài linh trưởng, có một mối quan hệ tuyến tính giữa kích thước não bộ và kích thước nhóm xã hội… có lẽ vì những đòi hỏi nhận thức về xã hội đặt ra một rào cản hạn chế số lượng cá thể có thể được gắn kết chặt chẽ lại thành nhóm”.

     Tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng tiến hóa có xu thế ủng hộ những sự giúp đỡ cùng đẳng cấp

    Tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng tiến hóa có xu thế ủng hộ những sự giúp đỡ "cùng đẳng cấp"

    Cũng phải lưu ý rằng kết luận mà nghiên cứu chỉ ra sẽ không đồng nhất trên toàn bộ xã hội. Có nhiều hiện tượng xảy ra gợi ý rằng sự cho đi diễn ra ngoài phạm vi trong so sánh đẳng cấp người cho và người nhận là tương đương. Chẳng hạn như khi một người giàu cho một người ăn xin một số tiền lớn, hay trường hợp mà quan điểm “trả ơn gián tiếp” (nhận ân huệ của người này nhưng lại giúp đỡ người khác thay vì trả ơn) trở nên phổ biến.

    Tuy nhiên, khả năng cao việc không ngừng đánh giá, xếp hạng chính mình và người khác của con người đã giúp não bộ chúng ta phát triển lớn hơn, tăng kích thước vỏ não và khiến con người trở thành con người bây giờ.

    Bởi vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng trong tương lai, nếu muốn những cỗ máy đạt được đến trình độ của con người, chúng cũng phải học được cách quyết định cho đi theo kiểu của con người, ví dụ trong trường hợp những chiếc xe tự lái ra quyết định trên đường.

    Đó sẽ là một thách thức và tương lai mới cho kỹ thuật thông minh trong tương lai. “Những công nghệ tự trị mới, chẳng hạn như những mạng phân phối không dây hoặc xe không người lái, một mặt vẫn cần phải quản lý được hành vi của chính mình. Nhưng đồng thời, chúng cũng phải biết hợp tác với những cá thể khác trong môi trường của chúng”, tác giả Whitaker nói trong phần kết luận.

    Theo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày