Chuyện trốn - tìm trong ngành trốn kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc

    PV,  

    Việc kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc đã khiến gần 200 công ty được thành lập ở nước ngoài chỉ để phục vụ nhu cầu truy cập Facebook, Twitter hay những thông tin bị chặn bởi Tường lửa tại nhiều nước.

    Vào tháng 4/2015, cảnh sát Trung Quốc đã đến tận căn hộ của ông Li Gang, một lập trình viên phát triển ứng dụng giúp người Trung Quốc có thể vượt qua hệ thống kiểm duyệt, hay còn gọi là “Tường lửa” để có thể tự do dùng Internet mà không bị chính phủ kiểm soát.

    Ông Li chỉ là một trong số nhiều người hoạt động kinh doanh trong ngành chống kiểm duyệt tại Trung Quốc. Mặc dù nghề này khá nguy hiểm, nhưng rất nhiều lập trình viên và tổ chức vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp cảnh cáo từ chính quyền Bắc Kinh.

    Mặc dù mở cửa và có những cải cách mạnh mẽ thời gian gần đây, nhưng hệ thống thương mại điện tử và Internet vẫn được chính quyền Bắc Kinh bảo hộ rất chặt chẽ. Tất cả những thông tin Internet đều bị kiểm duyệt qua hệ thống Tường lửa và những người phát triển ứng dụng vượt rào “tường lửa” đều bị an ninh Trung Quốc lưu ý.

    Những website nào không tuân theo quy định của chính phủ sẽ bị dỡ bỏ hoặc bị chặn.

    Bảo mật thông tin hay bảo hộ kinh doanh?

    Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thực kiện việc kiểm duyệt Internet vào giữa thập niên 90, một cuộc chiến giữa những cơ quan kiểm duyệt và những người phát triển ứng dụng vượt qua Tường lửa để tiếp cận thông tin bên ngoài đã thực sự bắt đầu.

    Tuy nhiên, có một thực tế khá khôi hài là dù chính phủ Trung Quốc tốn rất nhiều tiền của và công sức cho việc kiểm duyệt trên nhưng tỷ lệ người vượt rào Tường lửa thường xuyên để tiếp cận thông tin bên ngoài chỉ chiếm 1-3% tổng số người dùng Internet tại đất nước này.

    Vào đầu năm 2015, Quốc hội Trung Quốc đã đưa ra một bản dự thảo về an ninh mạng, qua đó kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng Internet cũng như các hoạt động thương mại trực tuyến. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn đang được xem xét và chưa được thông qua.

    Thông tin chính thống tuyên truyền rằng dự thảo luật này sẽ bảo đảm an ninh mạng cũng như tính bảo mật cho người dùng.
    Thông tin chính thống tuyên truyền rằng dự thảo luật này sẽ bảo đảm an ninh mạng cũng như tính bảo mật cho người dùng.

    Bên cạnh mục đích kiểm duyệt thông tin, việc xây dựng các hàng rào thương mại điện tử giúp ngành công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Thay vì có Google, Facebook, Messenger, những người dân Trung Quốc dùng Baidu, Weibo hay Wechat.

    Sự tăng trưởng của hàng loạt các tập đoàn thương mại điện tử như Alibaba, Xiaomi ra thị trường quốc tế cho thấy chính sách bảo hộ của Trung Quốc đang tạo nên những con “quái vật” ngành công nghệ. Rõ ràng, bảo mật thông tin không chỉ là lý do tồn tại duy nhất của những hệ thống như “Tường lửa”.

    Đối thủ cùng tiến

    Hiện các chuyên gia vẫn chưa thể ước tính được quy mô của hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc khi phần lớn trong số chúng được tiến hành bí mật. Tuy nhiên theo hãng tin CNN, ít nhất đã có khoảng hơn 2 triệu nhân viên được tuyển dụng nhằm phục vụ quá trình kiểm duyệt thông tin trên Internet .

    Đi cùng với đó là một nền tảng công nghệ tinh vi có thể phân tích lưu lượng thông tin trên Internet cũng như sử dụng ứng dụng nhằm ngăn chặn hoặc dỡ bỏ các thông tin nhạy cảm.

    Dẫu vậy, công việc kiểm duyệt không hề dễ dàng khi hầu như mọi thứ đều phải được bảo mật.

    Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và việc người dùng Internet Trung Quốc liên tục tìm được cách mới vượt Tường lửa đã khiến những nhân viên kiểm duyệt này phải liên tục cập nhật cũng như lưu ý để khắc phục các lỗ hổng an ninh.

    Ông Charlie Smith, đồng dáng lập viên của tổ chức GreatFire.org nhận định người dùng Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ khi chịu sự kiểm duyệt Internet. Những nhân viên an ninh cố gắng bịt lỗ hổng còn người dùng tìm cách phá chúng hay tìm ra sơ hở.

    Ngành công nghiệp trốn kiểm duyệt

    Hiện chưa có cuộc khảo sát nào có thể đánh giá hoàn toàn liệu bao nhiêu người Trung Quốc muốn dỡ bỏ kiểm duyệt và tiếp xúc với thông tin tự do trên Internet. Tuy nhiên, với 649 triệu người dùng Internet vào năm 2014 thì chỉ 1-3% người muốn vượt rào tường lửa thôi cũng đã tương đương hàng triệu khách hàng cho các công ty công nghệ.

    Phương pháp đơn giản nhất và những lập trình viên hay công ty kinh doanh trong ngành chống kiểm duyệt hay sử dụng là dùng một hệ thống mạng ảo (VPN), qua đó tạo một kết nối mật đến máy chủ bên ngoài Trung Quốc.

    Nhờ đó, người dùng Internet có thể truy cập mà không chịu sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng.

    Anh Erik Crounch, một người Mỹ sống tại Thượng Hải cho biết mình trả 120 USD/tháng để có thể sử dụng dịch vụ vượt rào này.

    “Tôi không bao giờ tắt dịch vụ này. Nếu không có chúng, tôi sẽ bị chia tách khỏi cái mà thế giới bên ngoài Trung Quốc gọi là Internet”, anh Crounch nói.

    Ngành công nghiệp vượt rào kiểm duyệt đã mọc lên như nấm khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

    Việc mở cửa thị trường, giao thương với nước ngoài khiến nhu cầu tiếp cận thông tin quốc tế ngày càng tăng. Bên cạnh với đó là nhu cầu tự do hóa thương mại điện tử của các công ty.

    Những yếu tố này đã khiến gần 200 công ty, theo như tính toán của hãng tin CNN, được thành lập ngoài Trung Quốc chỉ để phục vụ nhu cầu truy cập Facebook, Twitter hay những thông tin bị chặn bởi Tường lửa tại nước này.

    Cuộc chiến leo thang

    Tất nhiên, các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc cũng không ngồi không khi nâng cấp quyền không gian mạng của Tường lửa nhằm thu hẹp hoạt động của các VPN.

    Động thái này của chính quyền Bắc Kinh khiến những công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ vượt rào Tường lửa gặp khó.

    Nguyên nhân không phải vì vấn đề kỹ thuật hay công nghệ mà là chi phí. Những công ty này cung cấp chế độ vượt rào kiểm duyệt không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho nhiều nước có hệ thống kiểm soát Internet.

    Tuy nhiên, hệ thống Tường lửa của Trung Quốc lại khiến chi phí bình quân cho mỗi khách hàng sử dụng Internet không kiểm duyệt lên mức cao nhất so với mọi quốc gia khác.

    Những khó khăn này có thể sẽ làm các công ty có trụ sở tại nước ngoài lo ngại và trùn chân.

    Ông Robert Knapp, đồng sáng lập và là CEO của GhostCyber VPN, một công ty cung cấp dịch vụ vượt rào có trụ sở tại Romania nhận định chính quyền Bắc Kinh có nguồn lực rộng rãi để phát triển hệ thống kiểm duyệt và họ ngày càng hoàn thiện hơn.

    Đến một lúc nào đó, các công ty trong ngành này sẽ phải bỏ cuộc và để lại cuộc chiến Internet cho những nhà hoạt động xã hội hay những lập trình viên đơn lẻ.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày