Chuyên gia ‘hiến kế’ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên lĩnh vực nghìn tỷ USD được cả thế giới quan tâm
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), quy mô thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 và tăng trưởng với tỷ lệ 6,69% CAGR từ năm 2023 đến 2028.
Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của công nghệ hiện đại và đang trải qua một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện nay, chip bán dẫn được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống và có tác động đến hàng loạt ngành sản xuất. Ngành này đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi, thậm chí đưa vào chiến lược phát triển hàng đầu.
Các quốc gia mới nổi như Việt Nam đang xuất hiện cùng khát vọng tạo ra một chỗ đứng riêng trong lĩnh vực phức tạp và quan trọng này. Các nghiên cứu dự báo gần đây cho thấy, doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 là xấp xỉ 600 tỷ USD và dự đoán đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), quy mô thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 và tăng trưởng với tỷ lệ 6,69% CAGR từ năm 2023 đến 2028.
Việt Nam hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu và đã thiết lập mình trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như: Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
“Với nguồn nhân lực dồi dào cùng với lợi thế về địa lý trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam đang có một hệ sinh thái bán dẫn vô cùng tốt và đây cũng là một trong những cơ hội để các doanh nghiệp trên thế giới tìm đến Việt Nam”, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại một Talkshow do Báo Đầu tư tổ chức gần đây.
Để có thể nắm bắt được có thể nâng tầm trên bản đồ bán dẫn toàn cầu, theo lãnh đạo NIC, có 3 vấn đề Việt Nam cần lưu tâm. Đầu tiên là nguồn nhân lực, đặc biệt là việc thu hút những chuyên gia người Việt ở nước ngoài.
Thứ hai là tập trung xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nòng cốt là sự hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, từ đó, tạo ra sự kết nối thuận lợi thông qua các chương trình triển lãm về bán dẫn, các chương trình kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và nhà trường…
Cuối cùng là tăng cường tính hợp tác quốc tế trong ngành bán dẫn. Ông Hoài cho hay, Việt Nam không thể tự phát triển ngành bán dẫn mà chỉ tham gia một phần trong chuỗi giá trị của ngành. Chính vì vậy, nếu muốn phát triển ngành, Việt Nam cần phải đồng hành với các quốc gia khác.
Hiện thực hóa khát vọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Đứng trước cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng trở thành một nhân tố chính trong cuộc chơi bán dẫn toàn cầu. Ngày 9/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050”, phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó công bố mục tiêu đến năm 2030, đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Với mục tiêu phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trong 2 ngày 7-8/11/2024 tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.
Dù lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, SEMIExpo Viet Nam 2024 đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới và Việt Nam như: Global Foundries, Amkor, AMD, Lam Research, Coherent, Cadence, KLA, Synopsys, Intel, Marvell, Onsemi Qorvo, FPT…, dự kiến thu hút khoảng 5000 đại biểu tham dự và là sự kiện ngành có quy lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, SEMIExpo Viet Nam 2024 còn là sự kiện quan trọng, khai phá cơ hội cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bán dẫn, từ lắp ráp và thử nghiệm, đến thiết kế, chế tạo vi mạch.
Tham dự SEMIExpo Viet Nam 2024, các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội cập nhật các xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, ứng dụng AI trong thiết kế vi mạch. Đồng thời, quảng bá môi trường kinh doanh, cơ hội đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; kết nối đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ được tham gia đối thoại với Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng Ban thường trực cùng các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn đồng thời phát triển và nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ngành.Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho biết, SEMIExpo Vietnam 2024 là một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam vì đây là quốc gia mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và tập trung phát triển hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam sẵn sàng đóng góp đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Sự kiện này đóng vai trò là nền tảng cho sự hợp tác, đổi mới và quan hệ đối tác chiến lược và SEMI hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo cho ngành bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn”, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á khẳng định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ: "Kìm hãm Trung Quốc sản xuất chip là điều vô ích"
Thay vào đó, Mỹ đang tập trung vào việc đổi mới và thu hút nguồn đầu tư.
Gần một nửa cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công mạng trong năm 2024