Bạn là một người cực kì thích ăn chocolate (đừng ngạc nhiên rằng thực tế có nhiều người không thích ăn chocolate đâu), những báo cáo ban đầu cho thấy lợi ích của loại kẹo này đối với sức khỏe chắc hẳn sẽ làm bạn thấy thú vị. Và bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng, nghiện chocolate cũng sẽ rất có lợi.
Bạn phải biết rằng, các hãng thông tấn thường có xu hướng đơn giản hóa và thổi phồng những nghiên cứu khoa học lên, và bạn cần phải có chút nghi ngờ ở đây. Ví dụ như, cùng một người, ban đầu chỉ ra trứng sẽ làm tăng lượng cholesterol máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch - và sau đó, cũng chính họ lại nói rằng tiêu thụ một lượng trứng trung bình mỗi ngày sẽ tốt cho cơ thể người trưởng thành. Vậy sự thật là gì? Liệu chocolate có tốt cho sức khỏe không?
Câu trả lời ở đây là: có thể là có. Các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về ích lợi của chocolate, nhưng dường như vẫn chưa đủ để xếp loại nó vào nhóm những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Các nghiên cứu tập trung vào nhóm những hợp chất có tên gọi là flavonoids. Những hợp chất này xuất hiện trong rất nhiều loại cây và thức ăn có nguồn gốc thực vật, như trà hay rượu vang, chúng ta thường xuyên sử dụng chúng và cũng đã biết rằng trong các loại thực phẩm đó chứa nhiều chất chống oxy hóa. Hạt cacao có rất nhiều loại flavonoids, nhưng nhiều nhất là các loại catechins, epicatechins và flavanols. Những chất này được chứng nhận rằng chúng giúp làm giảm nguy cơ bị các bệnh như đái tháo đường, đột quỵ, cơn đau tim, ung thư cũng như cải thiện chức năng não bộ và giảm ảnh hưởng của sự lão hóa.
Nhưng nếu bạn thích chocolate sữa hay những loại có vị ngọt như kẹo chocolate, thì bạn đã làm giảm đáng kể tác dụng đó.
Hãy tìm hiểu xem, tại sao chỉ có một vài loại chocolate nhất định, mà ngay ở lượng nhỏ, đã có khả năng cải thiện sức khỏe; và tại sao chúng ta phải đặt dấu hỏi cho một vài nghiên cứu về chocolate.
Chocolate đen
Một vài thông tin không tốt nếu bạn chỉ thích ăn chocolate sữa chứ không phải là chocolate đen. Chocolate có nồng độ flavonoids cao là loại chocolate có nhiều cacao - đây cũng là yếu tố chính tạo nên màu sắc và mùi vị của chocolate - hay nói cách khác, loại chocolate có nồng độ flavonoids cao là loại chocolate “rất đen” hoặc là bột cacao.
Khi bạn mua loại chocolate đen chất lượng cao, bạn sẽ thấy trên vỏ có ghi rõ phần trăm hàm lượng cacao có trong nó: thường con số này nằm giữa 35% và 100%. Loại chocolate 100% cacao được làm chỉ từ hạt cacao, không thêm đường hay chất béo. Những người thích chocolate đen cũng rất thích hương vị đặc biệt của nó. Nhưng nếu bạn thích chocolate sữa, chocolate trắng hay các loại chocolate được chế biến cùng một số gia vị khác, chúng sẽ không đủ flavonoids cho cơ thể bạn. Chocolate trắng không chứa một chút cacao đặc nào, nó có nhiều calo và đường hơn: 1,5 ounce (43 gam) chocolate sữa chứa đến 230 calo và 25 gam đường, trong khi đó với cùng kích thước, loại chocolate đen 60% chỉ chứa 180 calo với 15 gam đường. Hơn nữa, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bơ sữa làm giảm khả năng hấp thu flavanols - một loại flavonoids đã nói ở trên - của cơ thể.
Nếu bạn muốn có được lợi ích lớn nhất, sẽ là không đủ nếu bạn chỉ ăn mỗi chocolate đen. Hàm lượng flavanols rất khác nhau trong mỗi sản phẩm, tùy thuộc vào loại hạt cacao, và khi chế biến ở nhiệt độ quá cao - cái này tùy thuộc vào các nhà sản xuất - có thể sẽ làm mất đi một lượng flavanols. Thông thường trên vỏ của thanh chocolate không có in hàm lượng flavanols, nhưng các công ty sản xuất chocolate đang liên tục tìm các cách sản xuất khác nhằm giữ lại flavanols. Thậm chí có công ty còn bán cả các thanh cacao sống!
Dù sao thì, chúng ta cũng nên cẩn trọng trước khi có những nghiên cứu kĩ hơn về lợi ích của chocolate đen. Nhiều nghiên cứu về flavanols trên các phương tiện truyền thông được tài trợ bởi Mars Incorporated – công ty đứng đằng sau các hãng chocolate nổi tiếng như Mars bars, M&Ms, Milky Way và Dove. Kỳ lạ là, công ty này tập trung vào việc chứng minh cho mọi người thấy rằng chocolate có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, Mars chỉ cung cấp cho các nhà khoa học những loại chocolate được pha trộn từ những loại cacao giàu flavanol - những loại này thường rất hiếm gặp trên thị trường.
Trái tim Chocolate đen - Heart of Darkness
Giờ bạn đã thấy tại sao câu trả lời cho câu hỏi ban đầu lại phức tạp như vậy chưa. Dù sao thì, những nghiên cứu về ích lợi của chocolate cũng rất hứa hẹn. Phần lớn các nghiên cứu này tập trung vào vai trò của chocolate trong việc chống lại những bệnh được gọi là “bốn bệnh lớn - the big four”: đái tháo đường, ung thư, đột quỵ và bệnh tim mạch. Năm 2007, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard tên Norman Hollenberg cùng với các đồng nghiệp của mình đã công bố một nghiên cứu trên International Journal of Medical Studies về một nhóm người bản xứ sống ở Panama có tên Kuna.
Hollenberg đã nghiên cứu trên những người Kuna hơn một thập kỷ, ban đầu là vì ông nhận thấy họ không bao giờ bị tăng huyết áp. Ông cũng nhận thấy tỉ lệ xuất hiện các bệnh trong nhóm các bệnh lớn trên là dưới 10%. Những người Kuna vào sống ở đất liền, huyết áp của họ và tỉ lệ mắc bệnh lại giống với những người dân vùng Panama.
Ở quê hương, người Kuna uống hơn 40 cốc cacao mỗi tuần. Hollenberg đã đặt ra giả thuyết rằng một loại flavonoids có tên epicatechin - thường bị loại bỏ trong khi sản xuất chocolate do vị đắng của nó - chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Epicatechin - thực ra là một loại flavanol - có thể cải thiện tuần hoàn và giãn các mạch máu bị co thắt bằng cách tăng nồng độ nitơ-oxid trong máu.
Nghiên cứu trên chỉ là một trong số rất nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện trong thập kỉ trước về khả năng chống lại bệnh tật của chocolate đen, đặc biệt là ảnh hưởng của chúng lên các bệnh tim mạch. Phần lớn các nghiên cứu này, đều có liên quan tới Mars Inc., nhưng không phải là tất cả.
Các bác sĩ Mary và Marguerite Engler đã nghiên cứu mối liên quan giữa sức khỏe tim mạch và chế độ dinh dưỡng trong nhiều năm, một cách riêng rẽ, và họ đã công bố các kết quả về lợi ích của chocolate. Kết quả cho thấy, một người ăn 1.6 ounce chocolate loại chứa nhiều flavanol mỗi ngày trong hai tuần liền đã cải thiện đáng kể chức năng và độ đàn hồi của mạch máu.
Tháng 4/2012, người ta đã xem lại các nghiên cứu mới nhất, và tổng kết lại rằng, việc ăn nhiều chocolate đen giúp giảm 30% thiểu nguy cơ bị đái tháo đường, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Dù sao thì, cũng còn nhiều việc phải làm; cách người ta đo lượng flavanols trong chocolate vẫn chưa thực sự chính xác. Mars nói rằng họ đã tìm ra cách để bảo toàn lượng flavanols, nhưng lại không công khai. Công ty này đã từng bán loại chocolate có hàm lượng flavanols cao có tên CocoaVia tại Mỹ nhưng đã ngừng sản xuất vào năm 2009 (hiện công ty vẫn bán loại bột cacao cùng tên). Vậy nên, cho đến thời điểm hiện tại, hãy nhớ rằng ăn chocolate đen với hàm lượng cacao cao có thể tốt cho sức khỏe, nhưng nếu ăn quá nhiều thì chưa thể chắc chắn được điều gì.