Chiêm ngưỡng "quái vật đổ bộ" chở được 3 xe tăng của Thủy quân lục chiến Mỹ
Nhằm tăng cường cho khả năng đổ bộ cho lực lượng Thủy quân Lục chiến nổi tiếng của mình, quân đội Mỹ đang nghiên cứu và phát triển loại tầu đổ bộ mới nhằm thay thế cho các tầu đệm khí hiện tại
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sắp được tăng cường thêm sức mạnh khi một phương tiện mới, phục vụ cho việc đổ bộ lên bãi biển được đưa vào trang bị. Với tính năng và hình dáng đặc biệt của mình, chiếc tầu đổ bộ như con “quái vật lưỡng cư” này là sản phẩm cho sự kết hợp giữa Phòng thí nghiệm của Thủy quân Lục chiến và Phòng Nghiên cứu của Hải quân Mỹ.
Được bắt đầu thử nghiệm vào ngày 09 tháng Bẩy năm ngoái tại Hawaii sau đó tham gia vào cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC năm 2014, chiếc Ultra Heavy – Lift Amphibious Connector (UHAC) được phát triển để thay thế cho loại tầu đổ bộ bằng đệm khí LCAC hiện nay.
Được chế tạo bởi công ty Navatek, với hình dáng và kích thước của mình, chiếc UHAC này đúng là một con quái vật thực sự. Phiên bản thử nghiệm có kích thước 12,8 m (tương đương 42 feet), rộng gần 8m (tương đương 26 feet), cao 5,2m (tương đương 17 feet) và nặng 38 tấn. Tuy nhiên kích thước này mới chỉ bằng một nửa so với phiên bản chính thức, dự kiến sẽ dài khoảng 26m và cao 10m, tương đương một căn nhà 3 tầng !
Kích thước khổng lồ và hình dáng quái dị
Đây là cách mà phương tiện này chuyển động, xích của chiếc UHAC, theo mô tả từ Phòng thí nghiệm của Thủy quân lục chiến Mỹ, là “những khối xốp chứa bọt khí”, đóng vai trò như mái chèo để đẩy tầu chạy trên mặt nước.
Các tấm xốp vừa là mái chèo, vừa là bánh xích của chiếc UHAC
Khi lên đến bãi biển, các tấm xốp phẳng đóng vai trò như bánh xích của xe tăng hoặc xe ủi đất, nhưng nhẹ hơn nhiều, để giúp xe di chuyển trên mặt đất.
Chiếc UHAC này có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với chiếc tầu đệm khí LCAC hiện đang được dùng trong lực lượng TQLC Mỹ. Ở kích thước và tải trọng đầy đủ, dự kiến một chiếc UHAC có thể chở được 3 chiếc tăng Abrams M1, tải trọng có thể lên đến 190 tấn, và có thể di chuyển trong một khoảng cách lên đến 200 hải lý (tương đương 370km).
Trong khi đó, một chiếc LCAC hiện tại chỉ có thể chở tối đa một chiếc tăng M1, tải trọng 65 tấn và di chuyển trong phạm vi 86 hải lý (tương đương 159km).
Một chiếc LCAC đổ bộ lên bãi biển
Không những thế, chiếc UHAC, với lợi thế bánh xích, dự kiến có khả năng vượt qua các bức tường cao hơn 3 mét, gấp 3 lần so với một chiếc LCAC, do vậy sẽ giúp binh lính và khí tài vượt qua các chướng ngại vật khi đổ bộ dễ dàng hơn.
Phiên bản thử nghiệm chưa được trang bị giáp hay vũ khí, nhưng theo Trung sĩ Joseph Perera, sĩ quan phụ trách Vũ khí bộ binh của phòng thí nghiệm TQLC cho biết, phiên bản chính thức sẽ được trang bị thêm một lớp giáp bảo vệ và một súng máy 0,5 caliber.
Ngoài ra, thời báo Marine Corps Times cho biết, dự kiến chi phí cho một chiếc UHAC chỉ bằng một nửa so với một chiếc LCAC (vào những năm 1980, giá thành một chiếc LCAC là 22 đến 32 triệu USD, tương đương với 45 đến 75 triệu USD theo thời giá hiện tại).
Tuy nhiên, chiếc UHAC này cũng có một nhược điểm so với người tiền nhiệm. Như tốc độ di chuyển, phiên bản UHAC thử nghiệm chỉ chạy ở tốc độ 5 hải lý/giờ (tương đương 9,3km/h), dự kiến phiên bản chính thức sẽ đạt tốc độ 20 hải lý/giờ (tương đương 37 km/h), vẫn chậm hơn chiếc LCAC với tốc độ lên đến 30 hải lý/giờ (tương đương 55,5 km/h). Ngoài ra với kích thước đồ sộ của mình, một chiếc UHAC chiếm diện tích lên đến 230m2 so với chỉ 180m2 của chiếc LCAC.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định về việc bắt tay vào sản xuất phiên chính thức của chiếc UHAC.
Theo BI, CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng