Chạy đua chất lượng, phải chăng các hãng đã để kích thước cụm camera vượt quá tầm kiểm soát?
Kích thước cụm camera trên smartphone ngày càng tăng lên và không có dấu hiệu giảm lại.
Bên cạnh hình dạng gập, smartphone gần như không phát triển nhiều ngoài thiết kế cốt lõi "hình chữ nhật bằng kính" phổ biến trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, nhưng chính thiết kế này lại có một sự thay đổi "lớn" theo đúng nghĩa đen.
Vài năm qua, thiết kế camera smartphone gần như đã vượt quá tầm kiểm soát trong cuộc chiến giành danh hiệu điện thoại chụp ảnh tốt nhất. Chúng ta không nói về khả năng của camera hay độ phân giải hàng trăm megapixel, mà nói về thực tế là bản thân các camera này đã quá lớn và có vẻ như sự tăng trưởng đó sẽ không sớm chậm lại.
Camera trên điện thoại ngày càng "phát tướng"
Có rất nhiều lý do khiến camera điện thoại phát triển về kích thước đến mức chúng trở nên quá nổi bật. Một trong những thách thức là giữ kích thước camera nhỏ trong khi vẫn phải chạy đua nâng cấp chất lượng và tính năng, đặc biệt là để có được những bức ảnh chất lượng cao.
Các công ty sẽ không thể sản xuất được những chiếc điện thoại có camera tốt nhất trừ khi sẵn sàng trang bị phần cứng phù hợp. Và phần cứng đó cần không gian.
Hai trong số những yếu tố lớn nhất ở đây là xu hướng phát triển của cảm biến hình ảnh lớn hơn và khả năng zoom quang học tốt hơn. Cảm biến lớn hơn nghĩa là có thể thu được nhiều ánh sáng hơn, điều này có tác động tích cực đến chất lượng ảnh — đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.
Đối với zoom quang học, không có cách nào khác để đạt con số cao hơn mà không chiếm nhiều không gian hơn. Đó là lý do tại sao camera của các tay săn ảnh lại có ống kính cực lớn như vậy.
Bạn có nhớ những chiếc smartphone có camera phẳng với mặt lưng từ nhiều năm trước không? Mặc dù tiện lợi, nhưng chất lượng ảnh chụp có thể khá tệ, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu. Và cuộc đua độ mỏng smartphone ngày xưa cũng cản đường phát triển của camera. Không gian bên trong smartphone là một thứ rất xa xỉ, các hãng tận dụng mọi khoảng trống có thể để bố trí linh kiện. Đây cũng chính là lý do Apple loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone.
Jack cắm này chiếm không gian mà có thể dành cho các thành phần cần thiết hơn để phát triển điện thoại và việc tăng độ dày không phải là một lựa chọn thích hợp. Dù tăng độ dày là giải pháp dễ dàng để lắp đặt các bộ phận mới, nhưng ý tưởng này dường như là điều cấm kỵ đối với hầu hết các nhà sản xuất điện thoại cao cấp.
Tuy nhiên, việc cân bằng độ dày của thiết bị với nhu cầu ngày càng tăng về phần cứng camera chất lượng cao đã góp phần tạo ra những cụm camera to dày quá khổ như ngày nay.
Khi iPhone 6 ra mắt và có camera bắt đầu nhô ra khỏi thân máy, mọi người đã cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí có người còn ghét nó đến mức đã "cào phẳng" phần lồi của camera bằng máy mài. Có thể thấy lúc đó việc một chiếc điện thoại không thể để bằng phẳng trên bàn đã khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng tua nhanh đến 9 năm sau, gần như mọi smartphone đều có camera lồi lên khỏi thân máy, và đó chỉ là những mẫu máy bình thường, nhìn qua smartphone cao cấp, không khó để bạn thấy các cụm camera khổng lồ.
Điển hình như Xiaomi 13 Ultra, một trong những chiếc smartphone có khả năng chụp ảnh đáng gờm nhất hiện nay khi hợp tác cùng Leica, với 2 camera tele, một zoom quang 5x và một zoom quang 3.2x, cảm biến của camera chính có kích thước lên đến 1 inch và máy còn có thêm camera góc siêu rộng, tổng cộng có đến 4 camera 50MP và thêm cảm biến TOF 3D.
Đánh đổi cho trang bị cực tốt này, cụm camera trên Xiaomi 13 Ultra có kích thước to khủng khiếp và còn nhô lên rất cao.
Một sản phẩm khác là chiếc smartphone màn hình gập OPPO Find N3 (và cả OnePlus Open) cũng có hệ thống camera đỉnh cao nhưng đồng thời cũng rất to lớn. Ngay cả Google cũng không tránh khỏi xu hướng này khi camera của Pixel series nhô cao và tạo thành một dải dài hết chiều ngang của máy.
Có thể những hãng sản xuất sẽ tận dụng cụm camera to lớn đó để quảng cáo như điểm nhấn thiết kế, nhưng ngoài dày cộm chiếm không gian, chúng còn có thể gây cản trở cho một số phụ kiện, ví dụ như tay cầm chơi game cho smartphone.
Nói đến đây, chúng ta phải nhìn lại Apple. Dù là một trong những hãng "tiên phong" mang đến camera lồi trên iPhone 6, nhưng giờ đây, Apple cũng là một trong những cái tên đi đầu trong công nghệ giảm độ dày của camera.
Dù có camera được nâng cấp nhưng kích thước và độ lồi của các ống kính trên iPhone 15 Pro Max lại không có sự thay đổi so với đời trước. Khá khen cho Apple khi trang bị công nghệ camera tetraprism cho phép ống kính có tiêu cự dài hơn, nhưng lại không hề khiến camera trở nên lồi lên giống như các hãng Android hiện vẫn làm với công nghệ camera tiềm vọng periscope.
Tetraprism là một thủ thuật mang lại sự gọn gàng, có hiệu suất ánh sáng tốt hơn kính tiềm vọng. Nhưng không phải flagship Android nào cũng có cụm camera to bự, Samsung đã giải quyết vấn đề khá tốt trên S23 Ultra, khi chiếc smartphone này vừa có camera tiềm vọng, nhưng cũng vừa có thiết kế cụm camera khá tinh tế và gọn gàng.
Camera lồi đã xuất hiện được một thời gian và có lẽ sẽ không sớm biến mất. Không phải trong thời điểm mà các công ty đang cố gắng đẩy
giới hạn những gì camera smartphone có thể làm được. Nhưng nếu chúng ta vẫn phải đối mặt với camera lồi trong tương lai gần, thì sẽ tuyệt hơn nếu các hãng có thể cố gắng giữ kích thước cụm camera gọn gàng nhất có thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng