Nhiều người lo ngại AI khiến nhiều nhân sự, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc.
ChatGPT là sản phẩm của công ty OpenAI, ra mắt công chúng vào ngày 30/11/2022. Công cụ thu hút nhiều sự chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản,... với tốc độ nhanh và độ chính xác cao.
Đánh giá về những điểm mạnh của công cụ ChatGPT với các ngành nghề hiện nay, anh Đỗ Ngọc Tú, leader nhóm lập trình viên công ty FPT Software chia sẻ: "Điểm mạnh của ChatGPT chính là chất lượng trả lời câu hỏi trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó sử dụng công nghệ học sâu và mô hình ngôn ngữ để tìm ra mô hình phù hợp. Một số ưu điểm là giao diện dễ sử dụng, câu trả lời dễ hiểu, có khả năng cung cấp các đề xuất với các cá nhân".
Bên cạnh đó, công cụ này còn có thể cung cấp thông tin đa dạng lĩnh vực khác nhau: khoa học, lịch sử, địa lý, thể thao,... giúp người dùng có thể tìm kiếm và nhận được thông tin một cách đa dạng hơn.
Do đó, kể từ khi ra mắt, công cụ ChatGPT nói riêng, công nghệ AI nói chung đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Ông Sơn Nguyễn, Phó chủ tịch Công ty công nghệ ABN Asia cho biết: "Tốc độ phát triển của ChatGPT rất lớn, chỉ sau vài ngày thôi thì có tới 10 triệu người dùng mỗi ngày. Điều này cho thấy độ hot và phổ cập của ChatGPT là rất lớn. Thực tế, AI đã phát triển từ rất lâu và tiền thân của ChatGPT là GPT nhưng thay đổi giao diện là chat, nhân viên thế hệ mới thì họ sẽ thích chat hơn các giao diện khác".
Cũng chính bởi Sự thông minh của ChatGPT và công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhiều người cho rằng, nó sẽ mang đến mối đe dọa cho nhiều ngành nghề, thậm chí có những lo ngại về một lượng lớn nhân sự sẽ bị đào thải.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên trang CBS news, Giáo sư Erik Brynjolfsson của Đại học Stanford nhấn mạnh rằng, một số công việc có thể bị ảnh hưởng bởi AI nói chung và GPT nói riêng, song khó có thể thay thế: "Phần lớn các công việc trong nền kinh tế Mỹ liên quan đến tri thức và thông tin và ai sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi điều này?
Tôi sẽ đặt những công việc như luật sư ngay đầu danh sách và cả ngững người viết quảng cáo hay biên kịch. Nhưng tôi muốn dùng từ: công việc bị ảnh hưởng, chứ không phải bị thay thế. Nói đúng hơn, AI sẽ không thay thế luật sư mà sẽ là các luật sư làm việc với AI, thay thế những người không làm việc với AI".
Bên cạnh đó, giao thêm việc cho các chatbot cũng không hẳn là tước đi cơ hội việc làm của người khác mà đơn giản chỉ là một cách vận hành tổ chức sao cho hiệu quả hơn như chia sẻ của ông Aljoscha Burchardt, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu AI của Đức: "Ví dụ như các bác sĩ trong bệnh viện, họ mất từ 40 - 60% quỹ thời gian cho việc giấy tờ, sổ sách. Nếu có thể giao đầu việc này cho chatbot AI thì họ sẽ có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân hơn".
Tuy có nhiều tiến bộ vượt bậc, ChatGPT vẫn còn nhiều điểm hạn chế như thiếu hiểu biết chuyên môn. Công cụ này được huấn luyện trên rất nhiều dữ liệu, nhưng vẫn còn không hiểu rõ về một số chuyên môn cụ thể hoặc từ mới. Ngoài ra, ChatGPT có thể gặp khó khăn trong việc xử lý ngôn ngữ với ý nghĩa đặc biệt như ẩn dụ, hoán dụ.
"Làm sao chúng ta có thể chắc chắn là công cụ này không đưa ra các thông tin sai lệch, hoặc những lời khuyên có hại? Điều tôi sợ nhất là một ngày nó sẽ đưa ra các thông tin mà không ai kiểm chứng được nguồn gốc, dẫn chứng các kiến thức không có thật".
Theo các chuyên gia, AI nói chung hay ChatGPT nói riêng có thể giúp tự động một số tác vụ, giúp tăng hiệu suất của công việc. Tuy nhiên, các tác vụ đòi hỏi một số kỹ năng cao như kỹ năng tư duy, giao tiếp, cảm xúc… AI chưa thể làm tốt hơn con người.
Với sự phát triển của AI, chúng ta cần liên tục học tập và rèn luyện để nâng cao các kỹ năng của mình. Bên cạnh đó, cần học cách tận dụng sử dụng AI hiệu quả hỗ trợ công việc của mình, giúp chúng ta rút ngắn thời gian và hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng