Đi vệ sinh trên máy bay, chúng ta đôi lúc sẽ tự hỏi rằng không biết khi xả nước rồi, "sản phẩm" của mình sẽ đi đâu về đâu?
Đi máy bay, không thể tránh khỏi những trường hợp khi bụng dạ biểu tình đòi quyền làm chủ. Và tới lúc ấy, người ta buộc phải nghe theo tiếng vẫy gọi của tự nhiên mà tiến vào buồng vệ sinh để "giải quyết".
Nếu có dịp đi vệ sinh trên máy bay, bạn sẽ thấy rằng cấu tạo bồn cầu của máy bay thật là kỳ lạ. Như ở nhà, chúng ta sử dụng bồn cầu nước, sử dụng sức ép từ dòng nước để đẩy các loại chất thải xuống ông cống. Tuy nhiên trên máy bay thì không có hệ thống ống cống hay bể phốt, thế thì các thứ "sản phẩm" mà con người để lại trong buồng vệ sinh rốt cục sẽ trôi đi đâu? Chẳng nhẽ là xuống khoang hàng!?
Đầu tiên, hãy để ý rằng, bồn cầu trên máy bay không hề ngập nước như các loại bồn cầu thông dụng mà chúng ta đang dùng hiện nay. Một khi bạn "xong việc" và bấm xả, hệ thống sẽ kích hoạt chức năng hút "sản phẩm" để làm sạch bồn cầu.
Đáng nói là lực hút của hệ thống này cực mạnh. Bởi vậy người ta khuyến cáo rằng hành khách nên đậy nắp bồn cầu trước khi giật nước để tránh trường hợp các đồ vật khác vướng víu bị bồn cầu hút vào.
"Sản phẩm" của chúng ta khi đi vệ sinh trên máy bay sẽ đi đâu về đâu?
Mặt khác, quý vị sẽ tiếp tục hỏi rằng, nếu chỉ hút không như vậy thì bồn cầu có sạch sẽ hay không, hay còn vương lại chút "dư vị" của con người. Xin thưa là bên trong bồn cầu đã được tráng trước nhựa Teflon, một loại nhựa thường được dùng để tráng chảo chống dính trong bếp nhà bạn. Bởi thế, một khi giật nước xong, mọi thứ sẽ lại tươm tất gọn gàng.
Quay trở lại với quy trình hút chất thải. Sau khi bị hút với vận tốc còn nhanh hơn cả đua xe F-1, các thứ chất thải của người sẽ được chuyển vào thùng lớn, đặt đâu đó khu gầm máy bay.
Khi hạ cánh, đã đến lúc người ta làm sạch cái đống kinh khủng được trữ trên máy bay suốt chặng bay vừa rồi. Có một phương tiện chuyên dụng để đảm đương nhiệm vụ này, đó chính là xe tải mang tên "honey truck", cái tên quá mĩ miều cho công việc nhuốm mùi xú uế ấy.
Chiếc xe tải làm nhiệm vụ hút chất thải trên máy bay "honey truck".
Từ chiếc xe tải này, người ta sẽ nối ống bơm vào phần thùng chứa chất thải bên trong để tiếp tục hút hết phần "nội dung" bên trong những chiếc thùng ấy. Hút xong xuôi, kỹ thuật viên tiếp tục nối một ống nữa vào thùng chứa của máy bay để làm sạch, khử trùng chúng.
Mỗi lần hút như vậy, nhân viên làm vệ sinh "thu hoạch" được hàng trăm đến hàng nghìn lít chất thải trước khi máy bay tiếp tục sẵn sàng để cất cánh cho chặng bay tiếp theo.
Nhân viên làm sạch thùng chứa chất thải của máy bay.
Và đây, nếu bạn còn đang ấm ức với công việc hiện tại của mình. Hãy nhớ rằng đâu đó trên thế giới, vẫn còn những con người phải làm công việc hút "sản phẩm" của thiên hạ như thế này. Thế nhé!
Lương Hồng Phúc/Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng