Chàng trai mới 16 tuổi này đã trở thành một doanh nhân đích thực nhờ game như thế nào?
Ở độ tuổi 16, đa số học sinh trung học ở Việt Nam vẫn sống dưới sự bao bọc, che chở của cha mẹ. Còn đối với cậu học trò David Eisman, game mới là nhà.
David Eisman, cậu học trò mới 16 tuổi, hiện vừa là học sinh trung học vừa là CEO sáng lập của công ty game Pixelman Productions mới thành lập hồi tháng 1 năm nay.
Cậu không phải là một trong những lập trình viên trẻ tuổi tài ba. Thậm chí, cậu gần như không biết gì về lập trình ngoài chút kiến thức ít ỏi về ngôn ngữ lập trình C#. Nếu phải dùng một từ chỉ nghề nghiệp để nói về công việc hiện tại thì cậu sẽ nói: “Tôi là một doanh nhân.”
Không biết gì về lập trình không phải là điểm yếu khiến cậu lùi bước trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Đó là làm việc trong ngành game.
David Eisman - Nhà sáng lập Pixelman Productions
Eisman chia sẻ: “Bấy lâu nay, tôi luôn ước ao được thực tập trong một công ty chuyên về game, nhưng không ai muốn thuê một học sinh trung học như tôi. Họ nói, nếu muốn được vào làm việc, tôi phải có kinh nghiệm chuyên ngành và phải từng thiết kế một trò chơi điện tử. Vì vậy, từ bỏ ý muốn vào làm việc trong một công ty, tôi quyết định đi một con đường khác. Tôi sẽ thành lập một công ty của riêng mình.”
Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ Eisman là một cậu học trò nghèo vượt khó. Vậy thì bạn đã nhầm to rồi. Bởi cậu có một người bố rất nổi tiếng, Steve Eisman. Ông hiện là quản lý quỹ đầu tư FrontPoint Partners, vẫn thu về hàng trăm triệu USD ngay trong khủng hoảng tài chính năm 2007. Bạn có còn nhớ bộ phim “The Big Short”, một trong những bộ phim tái hiện lại cuộc khủng hoảng trên phố Wall? Một trong bốn nhân vật chính do Steve Carell thể hiện chính là doanh nhân Steve Eisman.
Nhờ ông bố giàu có, Eisman luôn nhận được những lời khuyên bổ ích và hoàn toàn miễn phí về cách làm việc và quản lý nhân lực hiệu quả. Nhưng than ôi, cậu không được nhận một đồng xu nào từ bố cả. Về phần Steve Eisman, chắc chắn ông sẽ không đầu tư vào dự án khởi nghiệp của cậu.
Không có tiền không có nghĩa là không làm được
Cậu học trò nhà Eisman cho biết: “Sau khi quyết tâm mở công ty riêng, tôi tìm đến sự trợ giúp của internet. Tôi bắt đầu đăng thông báo tuyển dụng trên các trang web và diễn đàn phổ biến của dân game. Lương sẽ tính theo hình thức chia doanh thu.”
David Eisman tại nơi làm việc
Thông báo tuyển dụng trên mạng có cái hay cũng có cái dở. Rất nhiều người nói cậu bị điên. Nhưng cũng có nhiều người cảm thấy hứng thú. Và trong 30 ứng viên, Eisman đã chọn được 12 người. Trong số họ có hai lập trình viên, vài họa sĩ, một nhà văn, một đội tiếp thị sản phẩm đến từ Ba Lan và hai nhạc sĩ. Nhân viên trẻ nhất năm nay mới bước sang tuổi 18 và người già nhất 35 tuổi đến từ Pakistan.
Cậu vui mừng kể: “Đội của tôi gồm những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. Bạn sẽ không thể ngờ rằng có nhiều người sẵn sàng làm việc không công cho một dự án game đến thế? Và bố sẽ giúp tôi trong khoản ký hợp đồng.”
Một trò chơi hoàn toàn mới lạ sẽ sớm ra đời
Không thể phủ nhận, con đường làm CEO của Eisman không bình thường chút nào, và game do công ty cậu chế tác chắc chắn cũng sẽ không tầm thường.
Dự án game đầu tiên do Pixelman Productions thiết kế và lập trình có tên “Mirka”. Đây là game mô phỏng hoạt động đi bộ, một người chơi và có giao diện tương đối mới lạ. Nhân vật chính trong trò chơi là nữ. Trong game, bạn sẽ phải điều khiển nhân vật đi bộ vòng quanh thế giới và chỉ được sử dụng các manh mối mà bạn nghe hoặc nhìn thấy (manh mối có thể liên quan đến sức mạnh siêu nhiên của nhân vật) để giải quyết các câu đố và vụ án.
Theo Eisman, tên game “Mirka” có nghĩa là “Người hoang dã”.
Đây là một game hoàn toàn mới bởi Eisman cho biết cậu đã chơi nhiều và cũng đã xem nhiều về game nhưng chưa từng thấy nhân vật nữ chính trong game mô phỏng đi bộ bao giờ.
Thông điệp mà trò chơi này muốn truyền tải không phải là giải cứu thế giới hay giết địch mà là về tình bạn.
Chuyện kể về Liza, trên đường đi tìm người bạn của mình ở một nơi hoang dã bị bỏ quên, cô gặp một tộc người bản địa. Một thời gian dài sau đó, cô gắn bó với họ và khi bộ tộc lâm nguy, cô ấy phải tìm cách cứu họ.
Eisman chia sẻ: “Mirka sẽ là một hành trình tự khám phá và giải mã các bí ẩn. Trong game, mọi thứ như vây quanh bạn và cho bạn những cảm xúc mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ game nào khác. Đó là nỗi buồn, cô đơn, sợ hãi và cả tình bạn nữa.”
Những kế hoạch lớn đang chờ họ ở phía trước.
Vài tháng sau khi bắt đầu chế tác Mirka, đến nay, nhóm đã hoàn thành một bản chơi thử và một bản trailer.
Đây hứa hẹn sẽ là một game chơi trên PC hoặc Macbook và PlayStation (PS)
Hiện tại, Eisman đã và đang mời vài người thử nghiệm game mới này với kính thực tế ảo Oculus Rift nhưng đến nay họ vẫn chưa gọi lại xác nhận.
Trong giai đoạn tiếp theo, cả nhóm hy vọng sẽ thu hút được vốn đầu tư để đưa Mirka gia nhập thị trường. Theo đó, họ đã lên kế hoạch phát động một chiến dịch Kickstarter vào tháng tới.
Eisman nói, cho dù số người yêu thích trò chơi này có đủ để đưa nó tiến vào thị trường game hay không thì Mirka cũng không phải là đích đến cuối cùng. Đó mới chỉ là một “bước đệm” giúp cậu vươn đến những ước mơ lớn lao hơn.
Cậu chia sẻ về dự định của công ty trong tương lai: “Tôi thực sự rất thất vọng về cách hoạt động của hệ thống giáo dục đương thời và tôi cho rằng game có thể giúp ích một phần nào đó. Tôi muốn kết hợp giữa game và giáo dục, đồng thời thương lượng với các trường đại học về việc ứng dụng nguyên tắc tâm lý của phương pháp tự học theo sở thích để giúp sinh viên học tập tốt hơn.”
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?