CEO Zoom chính thức lọt top 100 người giàu nhất hành tinh, ‘công đầu’ thuộc về Covid-19
Zoom đã có một năm tuyệt vời khi doanh thu tăng gấp 4 lần và lợi nhuận tăng 90 lần.
Gần 1 năm sau khi WHO phát hiện ra virus corona, đến nay vẫn có rất nhiều người trên thế giới vẫn phải ở nhà để hạn chế lây lan dịch bệnh. Hàng loạt hoạt động xã hội đã, đang và sẽ diễn ra qua các cuộc gọi video trong năm qua. Khi nhắc đến đó, không thể không nhắc tới Zoom - ứng dụng hội nghị video trở nên vô cùng phổ biến năm 2020.
Zoom được coi như một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời công nghệ dù không được bất cứ "ông lớn" nào như Facebook, Google hay Microsoft hậu thuẫn. Nhờ cung cấp dịch vụ mà hàng trăm triệu người cần dùng đến (miễn phí và trả phí) trong bối cảnh đại dịch, Zoom đã có một năm tuyệt vời khi doanh thu tăng gấp 4 lần và lợi nhuận tăng 90 lần. Cổ phiếu công ty được đánh giá là một trong những mã hoạt động tốt nhất trong năm nay, với mức tăng hơn 450%.
Trước đại dịch, nhà sáng lập và CEO của Zoom, Eric Yuan đã trở thành tỷ phú khi Zoom IPO tháng 4/2019. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ Zoom tăng vọt, Yuan đã đạt một thành tích mới: Gia nhập hàng ngũ 100 người giàu nhất hành tinh. Theo FactSet, lượng cổ phiếu mà ông sở hữu tại Zoom hiện trị giá gần 17 tỷ USD.
Zoom trở thành ứng dụng gọi video phổ biến bậc nhất năm 2020.
Sự thăng hoa của Zoom tất nhiên cũng gặp phải không ít thách thức. Tháng 4/2020, nhiều vấn đề bảo mật xảy ra đã ảnh hưởng đến uy tín của công ty, trong đó nghiêm trọng nhất là việc hacker có thể nghe trộm hoặc xuất hiện trong cuộc trò chuyện của người lạ. Hậu quả là một số công ty lớn và cơ quan chính phủ ngừng sử dụng Zoom để bảo đảm sự an toàn cho người dùng.
Thời điểm này, công ty gặp nhiều khó khăn do tin tức bất lợi nhưng Yuan đã đưa ra kế hoạch hành động đơn giản: Không giấu giếm và phản ứng nhanh. Không lâu sau, các lỗi bảo mật đã được khắc phục. Yuan nói: "Người dùng rất thông minh. Chỉ cần bạn minh bạch mọi thứ, họ sẽ nhận ra rằng đây là công ty mà họ có thể tin tưởng".
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7, Yuan yêu cầu nhân viên tập trung hoàn toàn vào các tính năng bảo mật và quyền riêng tư. Bên cạnh đó, ông còn bổ nhiệm một giám đốc an ninh thông tin, nhiều kỹ sư bảo mật mới cũng như các chuyên gia bên thứ ba để kiểm tra lỗi hổng.
Kết quả là đến tháng 5, nhiều trường học và cơ quan ở Mỹ đã sử dụng Zoom trở lại, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng người dùng. Như vậy, nhờ hành động quyết liệt, Yuan đã cứu công ty khỏi việc rơi vào khủng hoảng liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.
Ngoài ra, còn có nghi ngại về sự liên kết giữa Zoom và Trung Quốc do Yuan là người nhập cư từ Trung Quốc. Bà Nancy Pelosi, người phát biểu của Hạ viện Mỹ từng gọi Zoom là một "thực thể Trung Quốc" trên sóng truyền hình trực tiếp. Để đáp trả, Yuan đã đăng tải một bài viết trên blog của công ty: "Tôi đã sống hạnh phúc ở Mỹ từ năm 1997 và chính thức trở thành công dân Mỹ vào tháng 7/2007. Zoom là một công ty Mỹ, được thành lập và có trụ sở chính tại California, được công nhận tại Delaware và giao dịch công khai trên sàn Nasdaq".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon