CEO Grab Việt Nam: Khi các đối thủ đến và ra đi, chúng tôi cũng nhìn lại chính mình
“Chúng tôi tập trung vào việc trở thành một nền tảng công nghệ thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu của thị trường và người dùng, và tạo ra giá trị cho các bên không chỉ bằng khuyến mãi.” - ông Alejandro Osorio chia sẻ với truyền thông.
- Sau cuộc đua "đốt tiền" giao đồ ăn: ShopeeFood lãi 850 tỷ, doanh thu bằng cả Grab chở khách lẫn giao hàng, AhaFood tuyên bố sẽ chiếm 20% thị phần
- Nóng: Grab bị điều tra, nguy cơ bị đình chỉ dịch vụ 30 ngày tại một quốc gia Đông Nam Á
- Làm quần quật 10 tiếng/ngày nhưng thu nhập thấp hơn lương tối thiểu: Hơn 1.000 tài xế Grab và Gojek ở một nước Đông Nam Á đình công, yêu cầu có nhiều quyền mặc cả về giá cước
- Thị trường gọi xe công nghệ cạnh tranh khốc liệt: Grab lần đầu tiên báo lãi, Xanh SM non trẻ nhưng ngay lập tức chiếm lĩnh thị phần
- Khốc liệt thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam: Grab bắt đầu lãi nghìn tỷ gây áp lực lên các đối thủ, Gojek lỗ gần 6.000 tỷ trước khi “buông bỏ”
Điều khiến ông Alejandro Osorio cảm thấy “thật tuyệt vời” ở Việt Nam chính là sự khao khát và năng lượng luôn tràn đầy mà mọi người có.
“Có rất nhiều người đang nỗ lực hàng ngày để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, và đảm bảo rằng họ có thể lo cho gia đình. Tôi hiếm thấy loại năng lượng và quyết tâm này ở nơi nào khác. Cuộc sống ở đây luôn nhộn nhịp, sự nhiệt huyết để tiếp tục tiến lên, đặc biệt là sự kiên cường của người dân Việt Nam thật sự truyền cảm hứng cho tôi”- ông Alejandro Osorio nói.
Nhìn lại 10 năm Grab có mặt tại Việt Nam, ông đánh giá đâu là những thách thức lớn nhất mà Grab từng trải qua?
Mỗi ngày đều mang đến những thách thức với chúng tôi, nhưng chúng tôi luôn tìm thấy cơ hội ngay trong chính những thách thức đó. Nhưng nếu nói về khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đã đối mặt, thì việc tiên phong triển khai các dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam cách đây 10 năm là một hành trình không hề dễ dàng.
Bạn có thể hình dung, vào thời điểm đó, nhiều người dùng và các bên liên quan thậm chí còn chưa sở hữu điện thoại thông minh. Đội ngũ của chúng tôi phải có mặt tại các trạm xăng, quán nước vào lúc 3, 4 giờ sáng để thuyết phục tài xế taxi chuyển sang chạy xe trên ứng dụng Grab. Ngược lại, việc thuyết phục người tiêu dùng tin rằng đặt một chuyến xe qua ứng dụng, với tài xế cũng là người lạ, lại có thể an toàn và tiện lợi hơn, cũng là một thử thách.
Ngày nay, những dịch vụ này chẳng có gì xa lạ, nhưng vào thời điểm 10 năm trước đó, vẫn còn rất nhiều sự e ngại về việc chuyển đổi và tham gia vào các dịch vụ kỹ thuật số. Thậm chí ngay cả sau này, chúng tôi vẫn gặp phải thử thách tương tự khi mở rộng hoạt động ta một số thành thị khác.
Quả thực nếu nhìn lại, thì nền kinh tế số của Việt Nam hiện tại và 10 năm trước là vô cùng khác biệt, Grab nhìn nhận thế nào về vai trò của chính mình trong nền kinh tế số tại Việt Nam?
Chúng tôi không phải là những người tiên phong duy nhất, nhưng chúng tôi có thể tự tin rằng Grab là một trong những nhân tố quan trọng trong nền kinh tế số Việt Nam.
Cách mà Grab vận hành, thực chất làm thế nào để tất cả các bên liên quan không chỉ hưởng lợi từ nền tảng, mà còn hưởng lợi lẫn nhau và hưởng lợi từ nền kinh tế số.
Bạn có thể hình dung, khi càng có nhiều đối tác tài xế tham gia vào nền tảng Grab, chúng tôi càng có khả năng phục vụ người dùng tốt hơn và nhanh hơn, nhờ đó đối tác tài xế có thêm nhiều cuốc xe và tăng thu nhập. Với hiệu ứng này, tài xế sẽ càng hào hứng chạy thêm các dịch vụ khác như GrabFood, GrabMart… thu nhập của họ lại càng tăng và người dùng lại có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ mới.
Khi đó, cơ hội cũng sẽ được mở ra cho các đối tác nhà hàng GrabFood, đối tác cửa hàng GrabMart khi họ lại có thêm lượng khách hàng mới, thêm đơn hàng và thêm doanh thu. Grab không chỉ đơn thuần là đưa họ lên không gian online, mà còn cung cấp các công cụ số, năng lực số để hỗ trợ họ quản lý cửa hàng. Khi vòng lặp này vận hành liên tục, lợi ích thấy được là vô cùng rõ ràng: người dùng ngày càng sử dụng dịch vụ số chất lượng, an toàn đáng tin cậy; đối tác tài xế có thêm thu nhập và đối tác thương nhân có thêm nguồn doanh thu ổn định từ nền tảng số của Grab.
Nhìn về tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng lợi ích từ nền tảng số của mình đến với nhiều khu vực địa lý hơn, tiếp cập đến nhiều nhóm khách hàng hơn, để ngày càng nhiều người dân Việt Nam có thể tương tác với nền tảng số và dịch vụ số theo những cách mà trước đây họ chưa từng làm được. Điều này sẽ mở ra cơ hội tham gia vào nền kinh tế số cho nhiều người hơn, khoảng cách số cũng được thu hẹp, và công nghệ sẽ trở nên bình đẳng hơn cho tất cả.
Nếu nhìn từ góc độ cạnh tranh, ông nhìn nhận ra sao với sự xuất hiện, và cả sự rời đi của nhiều đối thủ tại thị trường Việt Nam? Thị trường có quá khắc nghiệt hay không?
Quả là chúng tôi đã chứng kiến nhiều đối thủ xuất hiện, và rời đi trong suốt 10 năm qua, không chỉ ở Việt Nam đâu, mà trên tất cả thị trường mà Grab hoạt động. Có thể nói, chúng tôi rất quen thuộc với cạnh tranh. Và trên thực tế, cạnh tranh là một điều tích cực, vì nó thúc đẩy tất cả doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn để cung cấp giá trị và dịch vụ tốt nhất cho người dùng. Chúng tôi cũng học hỏi từ nhau để có thể cải thiện dịch vụ và nền tảng của mình.
Về việc liệu thị trường có khắc nghiệt quá hay không, thì tôi không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Việt Nam là một thị trường có yêu cầu cao, và mỗi địa phương lại có những nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn, khi so sánh hai thị trường như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi vận hành hoạt động của Grab tại hai thành phố này khá khác biệt, bởi vì nhu cầu, thói quen và hành vi của người dùng ở đó rất khác nhau
Khi các đối thủ của chúng tôi đã đến và ra đi, chúng tôi cũng nhìn lại chính mình.
Chúng tôi tập trung vào việc trở thành một nền tảng thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu của thị trường và người dùng, từ đó tạo ra giá trị cho các bên không chỉ bằng cách khuyến mãi, hay đổ thật nhiều tiền để giải quyết vấn đề. Grab giải quyết những vấn đề thực tiễn hàng ngày thông qua các giải pháp công nghệ phù hợp. Năng lực đổi mới, cung cấp các dịch vụ số cho người Việt của Grab không chỉ đến từ sức mạnh nền tảng mà còn từ việc chúng tôi gắn kết sâu sắc với cộng đồng, để đánh giá và hiểu rõ những vấn đề mà chúng tôi có thể giải quyết, dù là cho người tiêu dùng, hay cho các đối tác tài xế hay đối tác thương nhân.
Luôn gắn với thực tế cũng là điều quan trọng. Từ ngày đầu, chúng tôi đã không thể có những đối tác tài xế, những người dùng đầu tiên nếu không có những nhân viên sẵn sàng dậy lúc 3 giờ sáng để gặp gỡ các tài xế taxi và cố gắng trò chuyện với họ, giới thiệu về lợi ích của dịch vụ Grab. Tinh thần đó vẫn tồn tại đến ngày nay và giúp chúng tôi luôn nắm bắt được “sự thật", kể cả những lời phàn nàn hay khó khăn mà người dùng và đối tác chúng tôi đang gặp phải. Nhờ hiểu được những điều đang thực sự diễn ra, những tính năng, sáng kiến mà Grab mang đến thị trường không chỉ kịp thời, mà còn phù hợp. Và nhờ đó, mỗi khi chúng tôi ra mắt một dịch vụ mới, đó luôn là bước tiếp theo, được tính toán hợp lý dựa trên những nền tảng cốt lõi mà chúng tôi đã xây dựng.
Nếu bạn tìm được công thức đúng, bạn có thể thành công ở Việt Nam, và tôi nghĩ Grab là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Vậy điều gì khiến ông tự hào nhất, về những gì Grab đã làm được tại Việt Nam?
Tôi rất tự hào khi nhìn lại những gì chúng tôi đã đã đạt được trong 10 năm qua. Vài tuần trước, chúng tôi đã có một buổi gặp gỡ thân mật cùng các đội trưởng tài xế Grab tại TP. Hồ Chí Minh, và đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc đối với tôi.
Dù tôi không phải là người hay xúc động, nhưng khoảnh khắc một trong những anh đội trưởng đã rơi nước mắt khi kể lại những gì Grab mang lại cho mình đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Anh ấy cảm ơn Grab vì đã tạo ra công việc, không chỉ cho anh mà còn cho tất cả các tài xế trong đội của anh. Anh ấy đã sửa nhà và cho con trai học trường Y chính nhờ vào các cuốc xe Grab. Các tài xế cũng hưởng lợi từ các sản phẩm khác mà Grab hợp tác với một số đối tác, ví dụ như chương trình vay vốn ngân hàng, hay các khóa học trực tuyến trên GrabAcademy.
Chính những câu chuyện như thế đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua rất nhiều thách thức để tiếp tục phát triển.
Nhìn về tương lai 10 năm tới, ông thấy gì về cơ hội ở thị trường Việt Nam?
Việt Nam có dân số trẻ. Đặc biệt, điện thoại thông minh đã rất phổ biến, tạo ra cơ hội lớn cho những nền tảng số, trong đó có Grab.
Hơn nữa, người dân Việt Nam cũng có một tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Tôi thấy điều này mỗi ngày trên đường phố. Một ví dụ điển hình mà tôi đã quan sát và chia sẻ với đồng nghiệp của mình đó là “chiếc ghế nhựa” của các tiểu thương nhỏ tại Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc ghế nhựa ở các hàng quán khắp nơi trong thành phố. Và bất kỳ vỉa hè nào bạn đi qua, bất kỳ đường phố nào, bạn cũng có thể tìm thấy món ăn ngon gần gũi với bạn. Vô số cửa hàng nhỏ lẻ, những doanh nghiệp siêu nhỏ như thế này chính là thách thức và cũng là cơ hội cho một doanh nghiệp như Grab. Một khi chúng tôi có thể chào đón họ tham gia vào nền tảng Grab, chúng tôi có thể giúp họ tiếp cận với những lợi ích của nền kinh tế số, đồng thời còn mang đến thêm nhiều lựa chọn và tiện ích cho người dùng và đối tác tài xế Grab.
Khi nhìn về tương lai, tôi nghĩ rằng công thức thành công, sức mạnh nền tảng, công nghệ, nhân sự và rất nhiều yếu tố khác nữa đều đã có. Grab sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng vững chắc đã thiết lập được trong 10 năm qua. Sẽ có những thách thức nhưng cũng sẽ có nhiều không gian để phát triển. Tất cả những điều này mang đến cho chúng tôi một tầm nhìn rất thú vị về tiềm năng tăng trưởng trong 10 năm tới và xa hơn nữa.
Cảm ơn ông!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hãng Trung Quốc xác nhận ra mắt smartphone tầm trung với pin 7.000mAh nhưng mỏng ngang iPhone 16 Pro Max và Galaxy S24 Ultra: Sử dụng công nghệ pin của đối tác VinFast
Mẫu máy này cũng sẽ hỗ trợ công nghệ sạc nhanh với công suất lên tới 80W.
Không phải iPhone 16 Pro Max hay Galaxy S24 Ultra, reviewer công nghệ nổi tiếng đánh giá mẫu smartphone Trung Quốc này là "tốt nhất 2024"