Cận cảnh "thành phố tương lai" 3 tỷ USD của Kazakhstan

    PV,  

    Một thành phố sử dụng kết hợp các hình thức năng lượng tái tạo đã được khởi công xây dựng tại thủ đô Astana của Kazakhstan để chào đón sự kiện Triển lãm Thế giới sẽ diễn ra trong năm 2017. Đây là một hội chợ triển lãm lớn có quy mô toàn cầu được tổ chức bởi Cục Triển lãm Quốc tế với chủ đề "Năng lượng tương lai".

    Theo Tech Insider, dự án thành phố tương lai ước tính sẽ tiêu tốn của Kazakhstan từ 3 tỷ USD (khoảng 67 nghìn tỷ đồng) đến 5 tỷ USD (112 nghìn tỷ đồng) và được thiết kế bởi Công ty Kiến trúc và Thiết kế Adrian Smith và Gordon Gill.

    Hãy cùng khám phá thành phố tương lai đáng mơ ước này qua những hình ảnh dưới đây:

    Thủ đô Astana được biết đến với nhiều tòa nhà "tương lai" trong đó nổi bật nhất là trung tâm mua sắm Khan Shatyr (Lều của Lãnh chúa) với thiết kế độc đáo và được mệnh danh là "chiếc lều" lớn nhất thế giới.

    Đây là thành phố lạnh thứ hai trên thế giới, với nhiệt độ có thể giảm xuống đến âm 4 độ C vào mùa đông.

    Thành phố sẽ được xây dựng trên diện tích 429 mẫu Anh với điểm nhấn chính là tòa nhà hình cầu nổi bật nằm ở vị trí trung tâm.

    Các tòa nhà sẽ sử dụng hệ thống kính hiệu suất cao để tối đa hóa việc hấp thu nhiệt năng từ mặt trời vào mùa đông và tạo ra bóng râm trong mùa hè.

    Từ tòa nhà hình cầu trung tâm, sẽ có thêm 28 tòa nhà khác mở rộng ra phía ngoài, trong đó bao gồm một trung tâm khoa học, nhà hát với sức chứa 1.000 chỗ ngồi, các khách sạn, văn phòng và khu dân cư.

    Với chủ đề đang được nhiều quốc gia quan tâm và tập trung phát triển là năng lượng tương lai, các tấm năng lượng mặt trời sẽ được tích hợp trong mỗi tòa nhà của thành phố. Bên cạnh đó, các tua bin gió cũng sẽ được lắp đặt ở một số tòa nhà cũng như công viên ngoài trời.

    Tất cả các tòa nhà được kết nối thông qua một mạng lưới thông minh để mỗi tòa nhà đều đóng vai trò nhất định trong việc cung cấp năng lượng cho toàn bộ thành phố.

    Gordon Gill, nhà thiết kế dự án chia sẻ với Tech Insider: "Xét về tổng thể, hiệu quả năng lượng tái tạo của thành phố là từ 30% đến 40%, tuy nhiên một số tòa nhà có thể đạt hiệu quả cao hơn là khoảng 75%".

    Mặc dù được xây dựng để chuẩn bị cho Triển lãm Thế giới, Công ty chịu trách nhiệm về dự án cũng thiết kế thành phố để có thể tích hợp với Astana và để mọi người có thể làm việc, sinh sống và mua sắm tại đây.

    Gill cho biết thêm: "Nhiều ngân hàng tại Astana đã chọn Kazakhstan Pavilion làm trụ sở của mình sau khi sự kiện Triển lãm Thế giới kết thúc. Vì vậy, thành phố mới sẽ có một trung tâm tài chính ở vị trí trung tâm và sẽ được bao quanh bởi những khu dân cư, khách sạn và nhiều tiện ích khác".

    Công ty này cũng có ý tưởng về những chi tiết khác giúp cho thành phố phát triển hơn sau triển lãm. Gill cho biết công ty đã đề xuất việc đưa tuyết lên các ngọn núi ở công viên địa phương để trẻ em có thể đi xe trượt tuyết và vui chơi trên đó. Sau đó tuyết sẽ tan và chảy vào ao cải tạo. Nhờ đó, nước có thể được tái sử dụng.

    Gill giải thích: "Vì vậy, thay vì lãng phí, hãy sử dụng tuyết. Khi nó tan chảy, chúng tôi sẽ xử lý và sau đó có thể tái sử dụng nước trong hệ thống công viên".

    Ngoài ra, cũng không quá khó khăn để di chuyển từ thành phố đến bệnh viện, sân bay và các trường Đại học tại Astana. Công ty kiến trúc đã lên kế hoạch cho một tuyến xe buýt để đi vào thành phố mới và họ thậm chí còn để lại nền móng để có thể xây dựng một tuyến đường sắt sau này nếu như Astana mong muốn.

    Gill chia sẻ: "Đây là một thành phố tuyệt vời với đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết. Chúng tôi rất tự hào khi đã thiết kế ra một sản phẩm có hiệu quả kinh tế, rất bền vững và sẽ có sức ảnh hưởng lâu dài đến một thành phố chứ không đơn thuần chỉ là một hội chợ triển lãm sẽ diễn ra trong vài tháng tới".

    Theo Diễn Đàn Đầu Tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày