Các nhà khoa học vô tình phát hiện quần thể siêu kiến trúc của người ngoài hành tinh?
Sau khi lướt qua hàng loạt các giả thuyết, Jason Wright cho biết anh khá hứng thú với ý tưởng vật thể này là một quần thể siêu kiến trúc cực kỳ hiện đại của người ngoài hành tinh.
Ngôi sao có ký hiệu KIC 8462852, một cái tên xa lạ và vô nghĩa với rất nhiều người bỗng trở nên thành chủ đề bàn tán của không ít nhà khoa học tại NASA trong những ngày gần đây. Tất cả bắt đầu với việc kính thiên văn Kepler vô tình phát hiện một "vật thể lạ" bao quanh ngôi sao này đã làm thay đổi lượng ánh sáng mà Kepler thu được mỗi khi nó đi ngang qua KIC 8462852 trước mặt kính thiên văn này.
KIC 8462852 được cho là bị "che mờ" bởi một vật thể không phải hành tinh - Ảnh minh họa.
Cụ thể, vật thể này đã che mất khoảng 15 đến 22% lượng ánh sáng của KIC 8462852 so với mức ánh sáng bình thường kính thiên văn Kepler có thể ghi nhận được, thời gian xảy ra hiện tượng này không có chu kỳ cụ thể mà nó xuất hiện ngẫu nhiên trong khoảng thời gian từ 5 đến 80 ngày. Người phát hiện ra điều này là nhà du hành vũ trụ làm việc tại đại học liên bang Pennsylvania, Jason Wright.
Ngay lập tức, Jason Wright đã liên hệ với nhà thiên văn học Phil Plait, người từng công tác trong dự án kính thiên văn vũ trụ Hubble của NASA, để tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này. Sau khi nghiên cứu, cả hai người đã kết luận: "Ngay lập tức, chúng tôi biết đây không phải là một hiện tượng do một hành tình thông thường tạo nên. Ngay cả hành tinh có kích cỡ như Sao Mộc chỉ đủ khả năng chặn được 1 phần trăm lượng ánh sáng của ngôi sao này, trừ khi nó là một hành tinh cực kỳ ngoài cỡ. Nó cũng không thể là một ngôi sao khác vì nếu có chúng ta đã bắt được ánh sáng của chính nó. Dù là vật thể gì thì nó cũng phải to bằng một nửa KIC 8462852 nếu tính theo chiều rộng."
Liệu kính thiên văn Kepler có tìm ra một phát hiện mới?
Sau khi lướt qua hàng loạt các giả thuyết, Jason Wright cho biết anh khá hứng thú với ý tưởng vật thể này là một quần thể siêu kiến trúc cực kỳ hiện đại của người ngoài hành tinh. Jason cho biết về lý thuyết điều này là hoàn toàn có khả năng xảy ra, anh thừa nhận lúc đầu anh và Phil Plait nhận định đây có thể chỉ là một vành đai tiểu hành tinh nhỏ xung quanh KIC 8462852 và vành đai này có thể thay đổi dưới nhiều tác động bên ngoài khác nhau nhưng lý thuyết này chỉ phù hợp với những ngôi sao trẻ trong khi đó KIC 8462852 lại là một ngôi sao trưởng thành vì không có sự xuất hiện quá nhiều của ánh sáng hồng ngoại - điều thường thấy ở những ngôi sao trẻ.
Ý tưởng về sự xuất hiện của người ngoài hành có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này của Jason Wright đã nhận được không ít sự đồng tình từ phía các đồng nghiệp, ví dụ như nhà nghiên cứu Tabetha Boyajian từ đại học Yale cho biết trường hợp này khiến cô nghĩ đến đến giả thuyết Quả cầu Dyson về những biểu hiện của các nền văn minh ngoài Trái Đất. Ngoài ra, nhà thiên văn học David Grinspoon cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ Jason Wright nhưng ông vẫn nhấn mạnh giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết cho đến khi con người tìm thấy những bằng chứng xác thực hơn.
Mô phỏng giả thuyết quả cầu Dyson.
KIC 8462852 là một ngôi sao dãy chính loại F, có khối lượng tương đương từ 1 đến 1,4 lần khối lượng Mặt Trời với nhiệt độ bề mặt rơi vào khoảng 6000 đến 7600 độ K. Nó thuộc hệ thống chòm sao Cygnus, cách Trái Đất khoảng 1481 năm ánh sáng. KIC 8462852 nằm trong số 13,2 triệu đối tượng theo dõi của kính thiên văn không gian Kepler kể từ khi được phóng lên vũ trụ vào năm 2009 với nhiệm vụ phát hiện các hành tinh kiểu Trái Đất quay xung quanh các ngôi sao khác.
Quả cầu Dyson là giả thuyết về một siêu kiến trúc được Freeman Dyson khởi xướng. "Quả cầu" này bao gồm một hệ thống các vệ tinh năng lượng mặt trời bao bọc hoàn toàn một ngôi sao và hấp thu phần lớn năng lượng phát ra. Dyson suy đoán rằng một kiến trúc như vậy là cần thiết để thỏa mãn nhu cầu năng lượng leo thang trong quá trình phát triển của một nền văn minh công nghệ, và đề nghị việc xác thực tồn tại một kiến trúc như vậy có thể dẫn đến sự phát hiện sự sống thông minh ngoài Trái Đất.
Tham khảo ScienceAlert, PopularScience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon