"Bộ trưởng" Elon Musk tiết lộ về kế hoạch giảm biên chế hàng loạt công chức liên bang Mỹ: Ai không đến chỗ làm thì nghỉ việc, hơn 2 triệu người 'nơm nớp' lo sợ

    An Chi,  

    Các nhà lãnh đạo của Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do Elon Musk và Vivek Ramaswamy, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch cắt giảm biên chế tại các cơ quan chính phủ.

    "Bộ trưởng" Elon Musk tiết lộ về kế hoạch giảm biên chế hàng loạt công chức liên bang Mỹ: Ai không đến chỗ làm thì nghỉ việc, hơn 2 triệu người 'nơm nớp' lo sợ- Ảnh 1.

    Trong một bài bình luận trên tờ Wall Street Journal được đăng tải hôm 20/11, Musk và Ramaswamy đã chia sẻ tầm nhìn của họ về cơ quan này. 2 nhà lãnh đạo của DOGE cho biết, cơ quan này sẽ hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách cùng các cơ quan khác, sẽ tư vấn cho ông Trump về việc bãi bỏ các quy định và cắt giảm chi phí hành chính. Điều này sẽ dẫn đến đợt sa thải trên khắp các cơ quan liên bang.

    Musk và Ramaswamy viết rằng, DOGE dự kiến sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để xác định số lượng nhân sự tối thiểu cần thiết tại một cơ quan, để bộ phận đó có thể thực hiện các chức năng được hiến pháp cho phép và theo luật định. 2 người đứng đầu bộ này nói thêm rằng, số lượng nhân sự bị cắt giảm phải tương đương với số lượng các quy định liên bang mà Trump bãi bỏ.

    Ngoài ra, những nhân sự được yêu cầu nghỉ việc phải được đối xử một cách tôn trọng và mục tiêu của DOGE là hỗ trợ quá trình chuyển đổi công việc của họ sang khu vực tư nhân. Tổng thống có thể sử dụng luật hiện hành để khuyến khích một số nhân viên liên bang nghỉ hưu sớm và thực hiện các khoản hỗ trợ thôi việc tự nguyện để tạo điều kiện cho họ.

    2 nhà lãnh đạo cũng đưa ra ý tưởng về việc yêu cầu nhân sự của các cơ quan liên bang phải đến văn phòng 5 ngày/tuần. Điều này có thể gây ra “làn sóng” kết thúc hợp đồng tự nguyện từ một số người. Theo Musk và Ramaswamy, nếu các công chức liên bang không muốn đến làm việc, thì người dân Mỹ nộp thuế không cần phải trả tiền cho họ.

    Vào tháng 10, Musk đã đề xuất rằng ông sẽ cân nhắc cấp cho những nhân sự bị sa thải “khoản trợ cấp thôi việc có thời hạn rất dài” có thể tương đương mức lương trong 2 năm. Ông cũng cho biết, mục đích không phải là “thẳng tay” sa thải hay để các nhân sự này không còn đủ khả năng chi trả.

    Số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy chính phủ nước này đã chi 6,75 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2024, trong đó Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cục An sinh Xã hội và Bộ Quốc phòng đứng đầu trong danh sách chi tiêu. Chính phủ liên bang là đơn vị sử dụng lao động lớn nhất của Mỹ, với hơn 2 triệu người. Do đó, các đề xuất cắt giảm của DOGE có thể tác động sâu rộng.

    Musk và Ramaswamy cho biết, DOGE sẽ nhắm mục tiêu vào hơn khoản chi tiêu 500 tỷ USD hàng năm của liên bang mà không được Quốc hội cho phép. Họ cho biết trong khoản trên có thể có gần 300 triệu USD được chi cho các “nhóm tiến bộ” như Planned Parenthood.

    Tuy nhiên, DOGE sẽ không có thẩm quyền độc lập đưa ra quyết định cắt giảm chi tiêu. Những thay đổi với nhiều chương trình, bao gồm các chương trình bắt buộc như An sinh xã hội và Medicare sẽ cần phải thực hiện với sự chấp thuận của Quốc hội.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ