Bộ 3 sinh viên Đà Nẵng ăn mì tôm, dành tiền chế tạo xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời
Vượt qua mọi khó khăn, thậm chí có thời gian phải ăn mỳ tôm cả tháng để có tiền mua thiết bị, 3 sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã nghiên cứu, chế tạo thành công xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời, có tính ứng dụng cao.
Sáng chế độc đáo trên là do bạn Phạm Hồng Trường (sinh viên năm 4, khoa quản lý dự án) cùng với 2 thành viên trong nhóm là Nguyễn Thành Minh (khoa quản lý dự án) và Lê Hoàng (kho Điện), cùng học tại Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nghiên cứu.
Clip xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời của 3 bạn sinh viên Đà Nẵng.
Theo chia sẻ của Trường (trưởng nhóm), khi nghe Đoàn trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng phát động cuộc thi "Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu", cậu đã nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để vận hành xe xích lô.
"Qua tìm hiểu, bọn mình nhận thấy xích lô là một phần không thể thiếu của nét đẹp văn hóa du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, mỗi lần chứng kiến các bác, các chú lớn tuổi phải gồng mình đạp xích lô chở khách dưới thời tiết nắng nóng, trong đầu mình bỗng đặt ra câu hỏi: Tại sao mình không tận dụng nguồn ánh sáng năng lượng mặt trời dồi dào này vào việc vận hành xích lô thay cho sức người? Ở thành phố đầy nắng như Đà Nẵng sẽ không phải lo thiếu nguồn năng lượng tự nhiên này", Trường chia sẻ.
Sinh viên Nguyễn Thành Minh (khoa quản lý dự án, trường ĐHBK Đà Nẵng) đang thử nghiệm chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời.
Mang ý tưởng táo bạo đó trao đổi với 2 người bạn thân, ngay lập tức, Trường nhận được sự đồng tình của các "chiến hữu". "Đa số những chiếc xích lô đều hoạt động phần lớn thời gian dưới ánh nắng mặt trời, nhận thấy đây là nguồn năng lượng sạch, dồi dào và sẵn có nên việc tận dụng nguồn năng lượng này để vận hành xích lô là rất thuận lợi. Qua thời gian nghiên cứu, nhóm đã quyết định thu ánh sáng qua những tấm pin mặt trời đặt trên mái che để tạo ra năng lượng", Lê Hoàng hào hứng nói.
Ăn mỳ tôm, tiết kiệm tiền chế tạo xích lô
Theo Nguyễn Thành Minh, khó khăn lớn nhất trong quá trình thiết kế và chế tạo ra sản phẩm là nhóm phải tự mày mò tìm kiếm tài liệu. Do không có nhiều kiến thức về sử dụng pin năng lượng mặt trời nên cả ba phải thay phiên nhau nghiên cứu trên sách và internet.
Lúc mới cầm mô hình trên tay, 3 chàng sinh viên nghèo đã phải đau đầu suy nghĩ vì không biết lấy đâu ra kinh phí thực hiện? Cả 3 đều có hoàn cảnh khó khăn, đến tiền học phí, ăn ở còn khó huống gì bỏ ra một khoản tiền lên đến gần chục triệu đồng để mua thiết bị chế tạo sản phẩm. Nhưng rồi quyết tâm tạo nên kỳ tích, 3 chàng sinh viên nghèo chi tiêu tiết kiệm để mua từng phụ tùng cho sản phẩm. Thậm chí, có thời điểm, họ phải ăn mì tôm suốt hơn 1 tháng trời để tiết kiệm tiền đặt mua 4 tấm pin mặt trời từ Sài Gòn. Cuối cùng, sau gần 5 tháng ròng rã nghiên cứu, chế tạo, công trình xích lô chạy bằng năng lượng xanh của nhóm cũng đã hoàn thiện và thử nghiệm thành công một cách ấn tượng.
Là sinh viên nghèo, không thể xoay xở một lúc được chục triệu đồng mua thiết bị nên cả nhóm đã bàn với nhau ăn mì tôm cả tháng để tiết kiệm tiền.
Minh cho biết: "Từ ý tưởng đến chế tạo ra sản phẩm, tụi mình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí. Tụi mình không thể xoay xở một lúc được chục triệu đồng mua thiết bị nên đã bàn nhau ăn mì tôm cả tháng, tiết kiệm từng đồng mua riêng lẻ từng thiết bị, tận dụng đồ cũ có sẵn".
Nói đến đây, Minh nhìn sang chiếc xích lô, cười tếu táo: "Để tiết kiệm chi phí, mình phải cắn răng "hi sinh" chiếc xe đạp điện cho cả nhóm "mổ xẻ" lấy động cơ, bộ điều tốc, tay ga, bộ điều chuyển điện và cả cái đèn led nữa… để thiết kế bộ động cơ chạy bằng năng lượng điện chuyển hóa từ tấm pin mặt trời. Bọn mình chia nhau ra bãi phế liệu mua xích lô cũ về sơn sửa lại. Vì tận dụng toàn đồ cũ nên nhìn chiếc xe không được đẹp lắm, nếu được đầu tư thêm bọn mình sẽ thiết kế lại để chiếc xích lô trông mềm mại, thẩm mỹ hơn", Minh nói.
"Xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời" có tính ứng dụng cao
Được biết, chiếc xích lô này có thể chở được khoảng 200kg, tương đương với 3 - 4 người. Với hệ thống tích điện, xe có thể hoạt động liên tục từ 3 – 4 giờ cho một lần sạc đầy bình. Đặc biệt, lúc có nắng có thể vừa sạc vừa hoạt động liên tục. Vào mùa mưa, ít nắng, chiếc xích lô vẫn có thể hoạt động tốt bằng cách sạc điện. Vì vậy, khả năng và phạm vi hoạt động của xe rất cao. Hiện giá thành để chế tạo, nâng cấp chiếc xe này khoảng 10 - 15 triệu, chưa tính phần vỏ xe.
Sản phẩm này của ba chàng sinh viên đại học bách khoa Đà Nẵng đã nhận được giải nhì trong cuộc thi Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu"
Quy trình vận hành xích lô cũng không quá cầu kỳ. Năng lượng mặt trời được thu qua 4 tấm pin đặt ở mái che, sau khi nạp đầy năng lượng sẽ chuyển xuống bộ chuyển hóa điện năng dưới ghế ngồi và biến đổi thành dòng điện 1 chiều. Nguồn điện này tiếp tục được dẫn đến bộ điều khiển là một thiết bị có chức năng tự động điều hòa dòng điện từ pin mặt trời và dòng điện nạp cho ắc quy. Sau đó, thông qua bộ biến đổi điện vào động cơ, giúp động cơ hoạt động và làm bánh xe di chuyển. Bình ắc quy được nối với bộ điều tốc lắp ở gần tay lái giúp khởi động động cơ và báo tốc độ.
Các thành viên trong nhóm cũng cho biết thêm, khi bắt tay vào chế tạo loại xe này, bên cạnh mục đích giúp những người đạp xích lô giảm bớt mệt mỏi dưới trời nắng nóng và ô nhiễm môi trường, nhóm còn tính tới việc giúp giảm bớt gánh nặng về nhiên liệu dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, tiềm năng về năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Nói về khả năng ứng dụng của sản phẩm, Hồng Trường hào hứng chia sẻ: "Với những tiêu chí như dễ thiết kế và lắp ráp, có độ bền cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường..., nhóm mong muốn sẽ mang lại cho Đà Nẵng một mô hình dịch vụ xích lô mới lạ hoạt động bằng nguồn năng lượng sạch thay thế việc đạp xích lô truyền thống. "Xích lô chạy bằng nguồn năng lượng mặt trời" là một sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tế cao, thích hợp phục vụ du lịch ở Đà Nẵng, nơi đang xây dựng thành phố môi trường hay phố cổ Hội An (Quảng Nam), địa điểm cấm các loại xe có động cơ lưu thông trong phố vào giờ cao điểm".
Sản phẩm này nhiều khả năng sẽ được ứng dụng vào ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.
Hiện nhóm vẫn chưa thật sự hài lòng với "phiên bản chưa nâng cấp" này bởi theo họ tính thẩm mỹ của sản phẩm chưa cao. "Về cơ bản, chiếc xích lô này đã hoàn thành và được đánh giá là có khả năng ứng dụng cao. Tuy nhiên, để đưa vào sử dụng, trước mắt cần khắc phục thêm một số hạn chế. Sắp tới bọn mình tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm để hợp tác đưa sản phẩm này vào ứng dụng hỗ trợ phát triển du lịch ở Đà Nẵng", Minh cười tươi chia sẻ.
Với những tính năng ưu việt và khả thi, đề tài nghiên cứu này đã được trao giải nhì của cuộc thi "Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu" do Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với Sở KH-CN Đà Nẵng tổ chức.
Ngay sau cuộc thi, Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng đã có buổi gặp gỡ và hướng dẫn 3 bạn làm đề án trình bày ứng dụng sáng kiến "Xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời" ra thực tế. Đồng thời, Sở Khoa học công nghệ Đà Nẵng cũng đánh giá cao sáng chế này và sắp tới sản phẩm này có thể sẽ được áp dụng vào ngành du lịch Đà Nẵng.
Theo Kênh 14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một món đồ trong toilet được đấu giá 235 tỷ đồng, gây tranh cãi kịch liệt nhưng vẫn trở thành biểu tượng nghệ thuật đình đám
Dù đã qua hơn 100 năm , tác phẩm kỳ lạ của họa sĩ người Mỹ Marcel Duchamp vẫn thu hút nhiều sự quan tâm và bàn luận của công chúng cho đến hiện tại.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon