Đây chính là công nghệ đã giúp Samsung tăng cường gấp đôi khả năng bảo mật thiết bị của mình.
Hẳn bạn còn nhớ đầu năm nay, những người sử dụng iPhone đã được một phen xôn xao khi Vkansee, một công ty bảo mật đã sử dụng đất sét để vượt qua lớp bảo mật vân tay của thiết bị này như thế nào. Điều này cho thấy một điểm yếu trong công nghệ bảo mật vân tay nói chung, đó là khả năng dễ làm giả.
Đó là lý do vì sao trong buổi ra mắt chiếc Galaxy Note 7 hôm qua, công nghệ bảo mật mống mắt đã được Samsung nhấn mạnh như một lớp bảo mật vững chắc hơn, đáng tin cậy hơn hẳn so với bảo mật vân tay thường thấy. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cũng tương tự như vân tay, mống mắt của mỗi người là khác biệt và đặc thù, không những thế nó hầu như không thay đổi theo thời gian, và rõ ràng là khó làm giả hơn nhiều so với vân tay.
Nhưng công nghệ bảo mật này hoạt động thế nào trên Galaxy Note 7?
Trang Patent Mobile đã phát hiện ra một bằng sáng chế của Samsung, trong đó mô tả rõ cách thức hoạt động của công nghệ bảo mật này, và những thiết bị nào có thể sử dụng nó. Danh sách các thiết bị tương thích với nó dài một cách đáng ngạc nhiên, nếu so với kích thước và chi phí của một máy quét mống mắt thông thường.
Theo bằng sáng chế này, “hệ thống nhận diện mống mắt sẽ sử dụng ba ống kính để ghi lại tín hiệu hình ảnh, và sau đó kiểm tra với dữ liệu về mống mắt của người dùng dựa trên kỹ thuật tái tạo hình ảnh cũng như các thông tin khác.” Thông tin khác ở đây cũng bao gồm cả hình ảnh khuôn mặt người dùng nhằm bổ sung dữ liệu đối chiếu.
Trong hình vẽ mô tả sáng chế của Samsung, phía dưới ba ống kính này là một thiết bị chiếu sáng, sẽ chiếu trực tiếp một chùm ánh sáng hồng ngoại vào mống mắt để chụp lại hình ảnh. Dưới đây là phần mô tả về cách làm thế nào để cả hệ thống này có thể quét và xác định được mống mắt của người dùng và các tính năng khác:
“Ống kính đầu tiên sẽ bao gồm hai ống kính góc hẹp có góc nhìn hẹp nhưng mở rộng sang hai bên và chụp lại hình ảnh về các vùng trên mắt của người dùng. Ống kính thứ hai sẽ bao gồm một ống kính góc rộng, có góc nhìn rộng để chụp lại hình ảnh toàn bộ khuôn mặt người dùng. Ống kính thứ nhất có thể là một ống kính tiêu cự điều chỉnh, trong khi ống kính thứ hai có thể là một ống kính tiêu cự ngắn.”
Khác biệt với Lumia của Microsoft
Tuy nhiên, Galaxy Note 7 không phải thiết bị đầu tiên được trang bị công nghệ bảo mật này. Năm 2015, hai chiếc điện thoại cao cấp của Microsoft, Lumia 950 và Lumia 950 XL cũng trình làng với tính năng bảo mật này. Mặc dù cùng sử dụng camera để chụp lại hình ảnh của mống mắt, vẫn có một số điểm khác biệt giữa các hệ thống máy quét mống mắt trên Galaxy Note 7 của Samsung và dòng điện thoại Lumia của Microsoft.
Hệ thống quét mống mắt trên dòng Lumia với đèn hồng ngoại để rọi sáng mống mắt.
Trong khi hệ thống quét mống mắt trên Lumia chiếu một chùm tia hồng ngoại đỏ (chùm sáng nhìn thấy) để rọi sáng mống mắt của người dùng giúp camera nhận diện và chụp ảnh dễ dàng hơn, đèn hồng ngoại trên Galaxy Note 7 sử dụng chùm ánh sáng hồng ngoại gần vùng nhìn thấy (do vậy bạn sẽ khó nhận ra chùm tia hồng ngoại trong điều kiện ánh sáng thông thường). Loại ánh sáng này sẽ hiệu quả hơn ánh sáng nhìn thấy do nó cho thấy mô hình của mống mắt rõ ràng, camera sẽ nhận biết dễ dàng hơn, chính xác hơn.
Hơn nữa, một khác biệt khác giữa hệ thống quét của hai dòng thiết bị này là trong khi camera của Lumia chỉ chụp ảnh mống mắt của người dùng và so sánh với dữ liệu đã lưu của mình, dường như Galaxy Note 7 còn có khả năng chụp lại ảnh mống mắt và khuôn mặt người dùng, sau đó kết hợp cả hai dữ liệu này trong quá trình đối chiếu và so sánh. Điều này sẽ làm cho việc xác định danh tính người dùng trở nên chính xác hơn và khó làm giả hơn.
Một trong những rào cản chính để công nghệ quét mống mắt xuất hiện phổ biến trên các thiết bị công nghệ tiêu dùng là do độ trễ trong việc xác định người dùng và chi phí triển khai. Trong các cơ sở cần độ an toàn cao, thời gian và chi phí là không đáng để cân nhắc so với tính bảo mật của công nghệ này.
Tuy nhiên, với việc xuất hiện trên các dòng điện thoại nổi tiếng như Lumia và Galaxy Note, công nghệ này cho thấy nó đang dần trở nên phổ biến hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn. Cũng có những tin đồn về việc Apple đang nghiên cứu áp dụng công nghệ này cho dòng iPhone của mình, nhưng dường như nó khó có thể xuất hiện trước năm 2018.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon