Bấm bụng rút ví cho sổ liên lạc điện tử

    PV,  

    Việc triển khai Sổ liên lạc điện tử hiện nay đã trở nên phổ biến trong các trường học ở nhiều địa phương trên cả nước. Phụ huynh học sinh đón nhận sổ liên lạc điện tử với nhiều thái độ khác nhau. Trong số người ủng hộ vẫn còn tồn tại những sóng ngầm bức xúc.

    Tin nhắn "nhân bản"

    Chị Quỳnh có con học ở một trường tiểu học ở Hà Nội bức xúc: Đầu năm học, thấy cô giáo “hứa hẹn” sổ liên lạc điện tử sẽ là cầu nối thông tin giữa cô giáo và phụ huynh, mọi hoạt động của con ở lớp sẽ được cô thông báo cặn kẽ đến phụ huynh thông qua tin nhắn điện tử.

    Tôi và nhiều phụ huynh đã không ngần ngại đăng ký sử dụng dịch vụ.

    sổ liên lạc điện tử, rập khuôn, nhân bản tin nhắn, không cần thiết, phụ huynh, cô giáo

    Ảnh có tính chất minh họa

    Hơn một tháng con đi học, hàng ngày chị đều nhận được tin nhắn với nội dung y chang: "Phụ huynh cho con học bài …, hoàn thành bài tập Tiếng Việt…, Toán… " hoặc thêm nữa là "Phụ huynh cho con mặc đồng phục", "Phụ huynh cho con đi học đúng giờ", "Phụ huynh soạn sách vở theo thời khóa biểu…"

    Với những tin nhắn đó - theo chị là có cũng được, không có cũng chẳng sao. Những thông tin chị muốn biết như con ăn cơm ở lớp thế nào? con viết chữ, học toán ra sao? thái độ học tập ở lớp thế nào?… thì sổ liên lạc điện tử không đề cập.

    Còn anh Hùng lại cho rằng việc sinh ra sổ liên lạc điện tử chỉ để cô giáo nhắc phụ huynh cho con làm bài tập là không cần thiết. Điều này vô hình chung đã làm thui chột tính tự giác và khả năng trao đổi thông tin của học sinh với cha mẹ.

    "Nếu cô giáo dặn học sinh về nhà làm bài tập hay ôn bài thế nào thì nên dặn dò các con lúc cuối giờ học để các con thông báo lại với bố mẹ. Như vậy con vừa rèn luyện được tính tự giác, vừa có ý thức hơn với việc học của mình..." - anh Hùng nhìn nhận.

    Mỗi trường một phí

    Chị Mai ở Thanh Xuân - Hà Nội cho biết, trường của con chị thu 20.000/ tháng. Theo chị với mức đóng góp này là hợp lý và cũng chỉ cần cô giáo thông báo những tin quan trọng, thật sự cần thiết.

    Ở một số trường khác mức phí cho sổ liên lạc điện tử thường là 50.000 đồng/tháng, cũng có trường thu đến 55.000 đồng/tháng. Nếu làm một phép tính đơn giản thì mỗi ngày phụ huynh phải mất hơn 2 ngàn đồng cho một tin nhắn.

    Mối liên hệ giữa phụ huynh và cô giáo qua tin nhắn điện tử cũng làm cho sự liên kết giữa gia đình và nhà trường không “chặt chẽ” như kỳ vọng mà có nguy cơ ngày càng lỏng lẻo hơn khi cả giáo viên và phụ huynh đều phụ thuộc vào tin nhắn mà tin nhắn thì phần nhiều là “nhân bản”.

    Nhiều phụ huynh cho rằng khoản thu phí sổ liên lạc điện tử chẳng khác gì “móc túi” phụ huynh. Tiếng là tự nguyện, ai có nhu cầu thì đăng ký nhưng hầu hết phụ huynh đều bấm bụng rút ví vì không đóng thì lại sợ con sẽ bị “có vấn đề” hay bỏ sót những thông tin quan trọng.

    Không thu quá 40.000 đồng/ tháng

    Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường, nếu thực hiện dịch vụ này phải bảo đảm mức thu không quá 40.000 đồng/học sinh/tháng với từng gói dịch vụ.

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, việc thu phí sổ liên lạc điện tử qua hình thức tin nhắn SMS thực hiện theo hình thức thỏa thuận, tự nguyện giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp.

    "Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường, nếu thực hiện dịch vụ này phải bảo đảm mức thu không quá 40.000 đồng/học sinh/tháng với từng gói dịch vụ" - lời bà Nga.

    Chiều 14/10, trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Hà Nội) Nguyễn Trọng Cường cho biết: “Trong tuần tới, sở sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể việc thu dịch vụ sổ liên lạc điện tử trong nhà trường. Theo đó, nếu cơ sở giáo dục nào thu cao hơn mức trần tối đa 40.000 đồng phải trả lại cho phụ huynh”.

    Mức phí tối đa 40.000 đồng/HS/tháng theo ông Cường “đã tính toán đến việc học sinh mỗi ngày nhận được ít nhất 1 tin nhắn và hỗ trợ thêm nhà trường. Thực tế nhiều trường chỉ thu 20.000 đồng/HS/tháng với tần suất tin 1-2 tin nhắn/tuần”.

    Theo Đỗ Quyên - Phong Đăng
    Vietnamnet.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày