Sân chơi thực tế ảo tăng cường ngày càng có đông công ty công nghệ tham gia vào, hứa hẹn cho một thị trường mới đầy tiềm năng với những dự báo khổng lồ về doanh thu và thay đổi hình thái của nhiều ngành công nghiệp. Các thay đổi tiềm năng đó kéo theo vô vàn những cơ hội mới.
Khi nghe nói về thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), chúng ta thường nghĩ đến tương tác giữa các lớp đồ họa chồng lên nhau, âm thanh, dữ liệu GPS và các thiết bị cảm biến tăng cường khác, tất cả được hội tụ và hiển thị theo thời gian thực trong một môi trường thực tế. Tiềm năng ứng dụng đa dạng của công nghệ này đã thu hút sự chú ý của không chỉ những người khổng lồ về công nghệ mà còn nhiều startup tham gia vào.
Bằng chứng là việc Apple thâu tóm hai startup về công nghệ AR Metaio và FaceShift, Google đầu tư hơn 500 triệu USD vào một startup khác về AR là Magic Leap, Amazon gần đây đã đăng ký hai bằng sáng chế về công nghệ này của riêng mình, trong khi đó bản thân Microsoft đã giới thiệu một thiết bị cách mạng về hình ảnh ảo, Hololens vào đầu năm nay.
Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn cũng đã ứng dụng công nghệ này cho riêng mình. Fashion3D, một website mang lại những trải nghiệm thú vị về hình ảnh và thời trang. Hay ứng dụng SnapShop cho phép khách hàng hình dung đồ nội thất có thể đặt ở đâu trong phòng, bằng cách đặt các hình ảnh của món đồ bạn định mua vào trong khung cảnh căn phòng thông qua camera của iPhone hay iPad. Ngoài ra còn có ứng dụng ModiFace cho phép khách hàng thử mầu sắc các loại mỹ phẩm trên ảnh đại diện của mình trước khi mua.
Tuy nhiên, những trải nghiệm mà các ứng dụng này mang lại vẫn còn đơn giản, cho thấy công nghệ AR này vẫn còn ở giai đoạn đầu. Dự báo trong tương lai, có những lĩnh vực mang lại tiềm năng lớn nhất trên thị trường khi công nghệ AR này phát triển.
Tạo ra các ngành kinh doanh mới
Thay đổi rõ rệt nhất mà công nghệ này mang đến là cách chúng ta tiến hành kinh doanh và kết nối với người tiêu dùng, cũng như tác động đến thị trường việc làm. Hãng tư vấn công nghệ Digi-Capital dự báo “Công nghệ AR và VR (thực tế ảo) sẽ mang lại doanh thu 150 tỷ USD vào năm 2020, trong đó công nghệ AR sẽ chiếm phần lớn thị phần với khoảng 120 tỷ USD doanh thu và VR sẽ là khoảng 30 tỷ USD.”
Với công nghệ AR trên các thiết bị di động như smartphone, tablet, dự báo sẽ có hàng trăm triệu thiết bị được tiêu thụ, giúp thúc đẩy doanh thu của các nhà sản xuất thiết bị. Điều đó sẽ kéo theo sự phát triển tương đương của thị trường phần mềm và dịch vụ, cũng như các mạng di động và ngành kinh doanh dữ liệu. Tất cả sẽ kéo theo sự thay đổi trong lực lượng lao động và tạo ra các loại công việc mới.
Để có thể được sử dụng, hệ thống AR cần nhận biết được vật thể trong thế giới thực, bao gồm việc mô tả vật thể là gì, vị trí và hình dạng của vật thể trong không gian ba chiều theo thời gian thực, một cách chính xác. Để có được các thông tin này, cần có người scan lại vật thể và gắn nhãn cho vật thể đó (hãy gọi họ là tagger – người gắn nhãn). Các dữ liệu này cũng cần thiết cho các nhà thiết kế đồ họa 3D chạy 3D photoshop.
Họ không chỉ scan mà còn cần chỉnh sửa các bản scan này để xóa đi những chỗ thừa hay thay đổi để in ra những bản sao ba chiều theo ý muốn. Và thậm chí, những tagger này có thể bị thay thế bằng người máy hay các hệ thống giám sát trong nhà với các phần mềm scan để chỉnh sửa và theo dõi sức khỏe tự động.
AR giúp tăng khả năng bán hàng
Cũng tương tự như các ví dụ về ModiFace hay SnapShop, chúng ta sắp được chứng kiến sự bùng nổ về việc sử dụng công nghệ AR để tăng doanh thu và thị phần thông qua các trải nghiệm nhập vai của khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ kết nối với người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau – như dùng thử và trải nghiệm sản phẩm, bằng cách trình diễn hình ảnh động 3D của sản phẩm trong một môi trường cụ thể, ví dụ như nhà hay văn phòng.
Bằng cách mang các trải nghiệm mua sắm đến thị giác nhiều hơn, công nghệ AR sẽ giúp mang lại niềm tin của khách hàng, tăng khả năng mua sản phẩm. Nhưng để áp dụng công nghệ hình ảnh này, doanh nghiệp phải đối đầu với nhiều thách thức. Ví dụ như điện thoại của khách hàng không được trang bị đầy đủ cảm biến và chip, chi phí do việc lắp đặt hệ thống hiển thị cao hơn hay thách thức của việc đưa công nghệ AR vào công việc kinh doanh hiện tại.
Tuy nhiên, với thời gian, khi phần cứng, phần mềm và sự chấp nhận của người dùng trở nên ổn định hơn, chi phí để áp dụng công nghệ này sẽ giảm.
Tái hiện trải nghiệm trong cửa hàng
Thay vì dựa vào phòng trưng bày sản phẩm như truyền thống, ngày càng nhiều nhà bán lẻ để khách hàng kiểm tra giá, xem hình ảnh 3D của sản phẩm hay thử quần áo bằng kỹ thuật số, sau đó nếu ưng ý khách hàng có thể đặt hàng. Một ví dụ cho tiềm năng này là PrestaShop, website bán đồ thời trang sử dụng phần mềm để tương tác với webcam của người mua, để họ có thể “soi gương” và thử đồ trực tuyến, làm cho trải nghiệm mua hàng trở nên thú vị hơn.
Ngay cả các cửa hàng truyền thống cũng có thể sử dụng công nghệ AR để bố trí lại sản phẩm trong cửa hàng. Các hình ảnh ảo của sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ này sẽ vừa mang lại những trải nghiệm về sản phẩm cho khách hàng, vừa giúp cửa hàng tiết kiệm chi phí hàng tồn kho cũng như không gian trong cửa hàng.
Thay đổi phương pháp đào tạo
Hiện giờ phần lớn các hướng dẫn sử dụng là vô dụng. Phần lớn nội dung chỉ là các đoạn văn bản nghèo nàn, biểu đồ khó hiểu và kiến thức lỗi thời. Nhưng với công nghệ AR, thay vì phải xem từng trang sách hướng dẫn, bạn có thể xem cách thiết bị hoạt động một cách trực quan và cụ thể. Lúc này các chuyển động phức tạp của thiết bị có thể được biểu diễn trực tiếp ngay trên thiết bị mà họ đang sử dụng.
Không chỉ giới hạn trong việc thay thế sách hướng dẫn sử dụng, khả năng thương mại hóa của phương pháp và công nghệ này trong việc đào tạo giảng dạy là rất lớn.
Ví dụ trong ngành công nghiệp dầu khí: công ty FuelFX đang cung cấp các thiết bị mô phỏng, hình ảnh động và đồ họa 3D để từng bước hướng dẫn các học viên sử dụng thiết bị mới. Không chỉ đào tạo các học viên, hệ thống của FuelFX còn cho phép các giáo viên hướng dẫn học viên của mình khảo sát một cơ sở ảo, chỉ ra các điểm an toàn cần lưu ý, hiển thị mô hình các nhà máy lọc dầu với các thông số áp suất và nhiệt độ theo thời gian thực. Phương pháp đào tạo này đã được chứng minh tính hiệu quả tại các công ty khai thác dầu lớn, như BP, do có thể nhanh chóng đào tạo học viên một cách cụ thể mà không có rủi ro khi sử dụng thiết bị thật.
Không chỉ ngành dầu khí, ngành chăm sóc sức khỏe cũng hưởng lợi từ công nghệ AR này. Trước đây, các bác sĩ thường khó mô tả cho bệnh nhân hay người nhà thấy ảnh hưởng của các bệnh liên quan đến mắt (ví dụ như đục thủy tinh thể, các bệnh liên quan đến tuổi tác). Với công nghệ AR của ứng dụng EyeDecide, môi trường xung quanh trong mắt người bệnh sẽ được mô phỏng bằng hình ảnh, để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể cùng chứng kiến.
EyeDecide - cho phép bệnh nhân và người nhà thấy tác động của các bệnh liên quan đến mắt
Rõ ràng, bằng việc truyền tải thông tin qua nhiều giác quan khác nhau, phương pháp đào tạo bằng công nghệ AR sẽ được áp dụng cho lao động trong hàng loạt các ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt các ngành cần đến sự chính xác và an toàn. Do đó, sẽ giúp thay đổi hình thái của các ngành công nghiệp như y tế hay chăm sóc sức khỏe.
Từng phần của hệ sinh thái của công nghệ AR đang phát triển nhanh chóng, giúp thúc đẩy tiềm năng của các ứng dụng thiết thực. Cho dù, hiện tại vẫn còn các thách thức về kỹ thuật nhưng công nghệ này đã cho thấy sự hấp dẫn và tiềm năng của mình để phát triển. Những trải nghiệm về hình ảnh thực tế ảo tăng cường trên điện thoại hay tablet sẽ nâng cao giới hạn về hiển thị trên máy tính, và thay đổi cách chúng ta giải trí, mua sắm, học tập và làm việc.
Theo techcrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng