Apple bỏ 1 tỷ USD mua mảng 5G của Intel, liệu Qualcomm có sợ không?
Ngay cả iPhone XS cũng là minh chứng cho thấy Apple vẫn còn rất cần ông vua chip nhà Android...
Trong một bước đi có lẽ không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai, Apple đã mua lại mảng phát triển modem 5G của Intel với giá 1 tỷ USD. Hơn 2000 nhân viên Intel sẽ trở thành người nhà Táo, và 17.000 bằng sáng chế cũng sẽ được Intel "sang tên" cho Apple trong thương vụ này.
Nếu tính theo trị giá giao dịch, đây sẽ là thương vụ đắt giá thứ 2 của Apple sau Beats (3 tỷ USD). Liệu Qualcomm có cần lo lắng? Câu trả lời là có, nhưng chưa phải bây giờ.
Không thể thiếu Quality Communications
Mặc dù là đại diện cho sức mạnh xử lý trên Android và thậm chí còn đang nuôi mộng chiếm ngôi Intel (bằng dòng 8cx) trên PC, vị thế của Qualcomm ngày nay không đến từ sức mạnh chip. Tên gọi "Qualcomm" là viết tắt của "Quality Communications" – "Viễn thông chất lượng"), và quả thật, trong nhiều năm qua, kết nối di động mới là lý do giúp cho Qualcomm trở thành khuôn mặt đại diện của Android.
Chỉ bằng modem mà Qualcomm đã đánh bại bao nhiêu ông lớn lừng lẫy chứ đâu riêng gì Apple?
Minh chứng rõ rệt nhất là các đối thủ đã bị Qualcomm đánh gục trong suốt 12 năm lịch sử Android. Khoảng 2012, NVIDIA nổi lên với vai trò là một lựa chọn thay thế đáng kể tên khi thu hút được gần như tất cả các tên tuổi lớn lúc bấy giờ, từ Samsung, LG, Sony cho đến cả Google (Nexus 7). Cũng trong khoảng thời gian này, những con chip Atom từ PC Windows ồ ạt đổ bộ lên Android trên điện thoại của Lenovo, lúc đó vẫn thuộc top 5 thế giới. Asus gây dựng tiếng vang cho Zenfone đầu tiên cũng từ chip Atom, chưa kể đây cũng là con chip từng được Samsung lựa chọn cho tablet Galaxy.
Chip Tegra của NVIDIA vượt trội về chất lượng đồ họa, còn Atom thì hứa hẹn tiềm năng tương thích với kho ứng dụng x86 khổng lồ từ Windows. Nhưng tất cả những lợi thế ấy đều không thể giúp các ông lớn ngành silicon phải từ bỏ cuộc chơi smartphone. Chip Snapdragon vẫn thống trị thế giới, đến mức ngay cả Samsung hay Huawei (vốn đã có chip riêng) vẫn phải dùng Snapdragon trên nhiều sản phẩm.
Ngoại lệ Táo Cắn Dở
Khác với các nhà sản xuất Android, Apple tự tùy biến ARM ở mức độ rất sâu và tạo ra những con chip có thể đè bẹp Snapdragon về hiệu năng. Điều đó không có nghĩa rằng Apple có thể thoát khỏi cái bóng của "Quality Communications": từ iPhone 4 đến iPhone X, Apple đều sử dụng modem từ Qualcomm.
Apple nghỉ chơi với Qualcomm, iPhone XS "lãnh đủ".
Mâu thuẫn bùng nổ vào năm 2018 khi Apple ngưng trả tiền cho Qualcomm, hai bên đưa nhau ra tòa. Lựa chọn lúc này của Apple là chuyển sang sử dụng chip Intel. Nhưng một lần nữa, cái bóng "Quality Communications" là rất lớn: theo thống kê của Ookla, tốc độ mạng trên smartphone dùng chip (và modem) Qualcomm cao hơn iPhone XS từ 11% đến 192%. Một khảo sát khác cho thấy trong các tình huống tín hiệu yếu, tốc độ tải dữ liệu của smartphone Snapdragon vượt mặt iPhone tới 101%.
Ngay sau khi Apple và Qualcomm tuyên bố làm hòa, Intel đã ngay lập tức tuyên bố ngừng nghiên cứu phát triển 5G cho smartphone. Dù có thâu tóm lại mảng kinh doanh này, Apple chắc chắn cũng chẳng thể theo giấc mộng đánh bại Qualcomm được.
Vũ khí cho tương lai
Vậy thì, Apple mua mảng 5G của Intel để làm gì?
Lý do đầu tiên mà ai cũng có thể nghĩ đến là để "dằn mặt" Qualcomm. Khi hai bên bắt tay, cổ phiếu Apple thì đứng yên còn cổ phiếu Qualcomm tăng vọt, cho thấy tầm quan trọng của iPhone đối với Qualcomm chứ không phải là chiều ngược lại. Dù chắc chắn sẽ cần tới Qualcomm để bắt kịp trào lưu 5G, thương vụ tỷ đô này của Apple cũng là một lời cảnh cáo: Apple vẫn không cần Qualcomm, và nếu nhà Snapdragon muốn tiếp tục được bán modem cho iPhone thì cần phải "biết điều".
Thứ Apple vừa mua về từ Intel là một thanh gươm cùn cần được mài dũa...
Tiếp theo nhưng không kém phần quan trọng là 17.000 bằng sáng chế. Với thông điệp "dằn mặt", Apple chắc chắn không bỏ ngỏ khả năng tiếp tục lôi Qualcomm ra toà. Đến năm nay và cả những năm sau nữa, kho bằng sáng chế từ Intel có thể được Apple dùng làm vũ khí để chống lại Qualcomm trên tòa án. Thực chất, đây cũng chính là chiêu bài từng được Google áp dụng khi mua đắt Motorola rồi bán rẻ cho Lenovo nhiều năm trước: thứ Google cần không phải là mảng sản xuất điện thoại, mà là kho bằng sáng chế vốn có thể sử dụng để kiện cáo đòi cấm bán, hay đơn giản chỉ là ép các đối tác giảm giá.
Sẽ có ngày hất cẳng
Hiển nhiên, modem Intel dù kém cỏi hơn modem Qualcomm nhưng vẫn sẽ có ích với Apple. Dựa theo các tin đồn gần đây, Apple đang rục rịch hồi sinh iPhone SE trong dáng hình của iPhone 8. Nếu thông tin này là chính xác, Apple hoàn toàn có thể sử dụng mẫu iPhone "hạng hai" này để làm đất diễn cho các mẫu modem tự phát triển. Khi đã đủ trưởng thành, và khi công nghệ 5G đã "chín", chắc chắn Apple sẽ tìm cách hất cẳng Qualcomm ra khỏi chiếc điện thoại con cưng.
Trước mắt, Apple cần phải gấp rút chạy theo cuộc đua 5G. Apple cần Qualcomm.
Qualcomm cần phải bắt đầu lo lắng về điều đó từ ngay bây giờ. Intel có thể đã thất bại, nhưng Apple thì có lợi nhuận cao gấp 4 lần Intel (và gấp… 20 lần Qualcomm). Apple có đủ khả năng để đi nốt hành trình dang dở của Intel. Khi điều đó xảy ra, Qualcomm có thể một lần nữa mất đi khách hàng "sộp" nhất của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon