AMD đổi ý, tiếp tục hỗ trợ CPU Ryzen 4000 trên bo mạch chủ B450 và X470
Người hưởng lợi nhất vẫn là người dùng khi Ryzen 1 dòng bo mạch chủ có thể hỗ trợ tới 4 thế hệ CPU, chẳng như ai kia
Trong một động thái đầy bất ngờ, AMD cách đây hai hôm đã thông báo rằng dòng CPU Ryzen 4000 sắp ra mắt tới đây dựa trên kiến trúc Zen 3 sẽ có thể chạy cả trên các bo mạch chủ 400 series như B450 và X470. Đây được giới chuyên môn đánh giá là một động thái "hứa trước đã rồi tính tiếp" nhưng vẫn là một thông tin đáng mừng với người dùng AMD.
Hai tuần trước, khi AMD ra mắt bộ đôi CPU giá rẻ Ryzen 3 3300X và 3100, đội đỏ cũng đồng thời hé lộ thông tin về chipset B550, vốn được kì vọng phải ra mắt đồng thời với X570 cách đây 1 năm. Biểu đồ dưới đây sẽ cho cái nhìn rõ ràng nhất về quyết định của AMD.
Ngay sau đó, AMD đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía người dùng bởi trước đây họ đã từng hứa hẹn rằng socket AM4 của mình sẽ được hỗ trợ từ 2016 tới tận 2020. Vậy mà giờ đây họ định lật kèo với việc ra mắt Ryzen 4000 chỉ hỗ trợ bo mạch chủ 500 series trở lên. Việc một socket/chipset chỉ hỗ trợ có 3 thế hệ CPU khiến người dùng cảm thấy AMD đang đi vào vết xe đổ của Intel, vào con đường "vắt sữa". Theo lý giải của AMD thì vấn đề nằm ở dung lượng của BIOS. Mỗi thế hệ CPU sẽ cần một phần dung lượng BIOS để chứa các dòng code đảm bảo tính tương thích. BIOS hiện đại giờ đã chuyển sang UEFI với giao diện thân thiện hơn cho người dùng nhưng cũng sẽ chiếm kha khá dung lượng BIOS.
Phần lớn bo mạch chủ AMD chỉ được trang bị chip BIOS có dung lượng 16MB. AMD và các nhà sản xuất bo mạch chủ có thể dễ dàng đặt những con chip BIOS có dung lượng cao hơn rất nhiều nhưng do vấn đề về thiết kế, các dòng CPU Ryzen đời đầu chỉ có thể đọc được dữ liệu ở 16 MB đầu tiên trên chip BIOS. Bởi vậy, do giới hạn dung lượng, việc hỗ trợ tất cả các CPU socket AM4 trên một dòng chipset là gần như không thể.
Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 84 CPU sử dụng socket AM4, bao gồm cả các dòng Ryzen Pro. Đi kèm đó là hàng loạt các vi kiến trúc như Zen, Zen , Zen2,… với mỗi dòng CPU lại có nền tảng AGESA riêng. Và tất nhiên các tập lệnh AGESA này sẽ lại được nhồi nhét vào một con chip BIOS có dung lượng chỉ 16MB. Bởi vậy nên ban đầu AMD chỉ định cho các bo mạch chủ B450 và X470 hỗ trợ Ryzen 1000, Ryzen 2000 và Ryzen 3000. Dòng B550 và X570 sẽ được coi là bệ phóng cho các thế hệ CPU Ryzen sau này.
Tuy nhiên, do phản ứng tiêu cực từ cộng đồng, AMD đã phải thay đổi quyết định của mình 180 độ. Để các CPU Ryzen 4000 hay còn gọi là Zen 3 chạy được trên các bo mạch chủ đời cũ hơn, AMD và các đối tác sản xuất bo mạch chủ sẽ có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là khi thời điểm ra mắt của thế hệ CPU mới ngày càng gần hơn. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được thì giải pháp được đưa ra là các bo mạch chủ 400 series sẽ có 2 dòng BIOS được phát triển song song. Một bản được coi là mặc định, chỉ hỗ trợ đến các CPU Ryzen 3000 và có thể được dễ dàng cài đặt bằng các trình cập nhật BIOS của bo mạch chủ. Một bản còn lại sẽ được gọi là Beta BIOS, hỗ trợ các CPU từ Ryzen 2000 đến Ryzen 4000 và sẽ cần người dùng phải tự cài đặt. Không những thế, khi đã cài đặt Beta BIOS, người dùng sẽ không thể quay lại dòng BIOS mặc định. Thực tế đây sẽ không quá là một vấn đề bởi đại bộ phận người dùng sẽ ít có nhu cầu quay lại Ryzen đời đầu khi đã nâng cấp lên tới Ryzen 3000 hay 4000.
Có một vấn đề duy nhất là AMD sẽ trao quyền cho các đối tác của họ như ASUS, Gigabtye, MSI, ASRock,… để họ có thể chọn việc phát triển 2 hệ BIOS hay không. Bởi vậy, nếu đang sở hữu một bo mạch chủ 400 seris và có ý định nâng cấp lên Ryzen 4000, hãy hi vọng là hãng bo mạch chủ bạn đang dùng sẽ chiều chuộng người dùng theo quyết định của AMD.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?