76 tỷ USD 1 ngày: Hành trình Binance trở thành sàn tiền số lớn nhất thế giới
Sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới không có trụ sở, văn phòng hay giấy phép chính thức. Nhưng giờ đây chính phủ nhiều nước đang muốn kiểm soát Binance.
Sàn giao dịch tài chính tăng trưởng nhanh nhất thế giới không hề có trụ sở chính hay địa chỉ chính thức, thiếu giấy phép hoạt động ở nhiều quốc gia. Dù ra đời cách đây chỉ 4 năm, đến nay Binance đã trở thành gã khổng lồ trong thế giới tiền số, 1 phiên bản tương đương với các sàn chứng khoán London, New York và Hong Kong cộng lại. Theo dữ liệu từ CryptoCompare, tổng giá trị các giao dịch mua bán những đồng tiền số như Bitcoin và Ether mà Binance xử lý mỗi ngày lên tới 76 tỷ USD, cao hơn cả 4 đối thủ lớn nhất cộng lại.
Tuy nhiên, có lẽ những năm tháng tự do tăng trưởng của Binance nói riêng và cả ngành tiền số nói chung sắp đi đến hồi kết, theo nhận định của tờ Wall Street Journal.
Các nhà quản lý trên toàn thế giới đang ngày càng lo ngại rằng các tài sản kỹ thuật số đang tăng trưởng quá nhanh, đến nỗi trở nên quan trọng đối với cả hệ thống tài chính. Trong 1 bài phát biểu hồi tháng 10, Jon Cunliffe, 1 quan chức của NHTW Anh đã ví tiền số với những khoản nợ dưới chuẩn đã thổi bùng khủng hoảng tài chính 2008. "Khi trong hệ thống xuất hiện thứ gì đó tăng trưởng rất nhanh và lại không được kiểm soát, các cơ quan có nhiệm vụ giữ vững sự ổn định cần phải đặc biệt chú ý".
Hiện Binance đang thu hút nhiều sự chú ý nhất. Vài tháng gần đây giới chức ở hơn chục quốc gia đã cảnh báo người dùng rằng Binance hoàn toàn chưa đăng ký hoạt động hoặc chưa được cấp phép cung cấp nhiều dịch vụ.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đang điều tra các hành vi của Binance ở Mỹ, nơi Binance được nhiều bang cấp phép hoạt động. Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra liệu Binance có chấp hành tốt luật phòng chống rửa tiền hay không. Có thể nói thị trường Mỹ chính là 1 bài kiểm tra lớn đối với Binance. Công ty dự định sẽ IPO mảng kinh doanh tại Mỹ trong một vài năm tới.
Một số người lo ngại Binance có thể gặp phải vấn đề tương tự như TikTok. Chính quyền cựu Tổng thống Trump từng nỗ lực cấm TikTok và gây sức ép buộc công ty mẹ Bytedance phải bán mảng kinh doanh ở Mỹ, viện dẫn lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể nắm trong tay các dữ liệu về người dùng Mỹ thông qua TikTok. Trong 1 cuộc phỏng vấn, nhà sáng lập của Binance – Changpeng Zhao – từng nói rằng Binance sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của cơ quan quản lý.
"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi hoàn toàn chính đáng, chúng tôi tăng trưởng nhanh đến vậy là nhờ sự tin tưởng của người dùng", Zhao nói. Tuy nhiên "hiện có lẽ chưa đến 2% dân số toàn cầu tiếp nhận tiền điện tử, để thu hút 98% còn lại, chúng tôi cần phải được quản lý".
Zhao cho biết Binance đang thiết lập trụ sở chính và các văn phòng đại diện ở một số địa phương – bước đi mà trước đó nhà sáng lập Binance cho là đã lỗi thời nhưng đó vẫn là điều cơ quan quản lý muốn. Hồi tháng 8, trên website Binance cho biết kiểm tra danh tính của người dùng đã trở thành điều bắt buộc, nhằm ngăn chặn việc sàn tiền số lớn nhất thế giới bị lợi dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Việc Binance không có trụ sở khiến các nhà quản lý cảm thấy bối rối bởi vì họ không biết ai là người đứng ra chịu trách nhiệm. Công ty mẹ Binance Holdings đăng ký kinh doanh ở quần đảo Cayman, nhưng không đăng ký hoặc được cấp phép vận hành 1 sàn tiền số.
Lưu lượng truy cập vào Binance.com phân bổ theo từng khu vực địa lý (triệu click)
Binance có khoảng 3.000 nhân viên trên toàn cầu. Dựa trên khối lượng giao dịch và mức phí giao dịch, những người trong nội bộ công ty ước tính nếu như trở thành công ty đại chúng, Binance có thể có giá trị lên tới 300 tỷ USD. Với tư cách là cổ đông lớn nhất, Zhao sẽ trở nên rất giàu có.
Là "ngôi sao" trong thế giới tiền số Zhao hiện có 3,9 triệu người theo dõi trên Twitter – nơi anh được biết đến với biệt danh CZ. Theo người phát ngôn của Binance, trước đây Zhao sẽ từ chối trả lời các câu hỏi về nơi mình đang sinh sống và cũng yêu cầu các lãnh đạo cấp cao của Binance làm như vậy. Tuy nhiên gần đây anh đã cởi mở hơn về vấn đề này. 2 năm qua Zhao sinh sống ở Singapore. Một nguồn tin thân cận cho biết anh đi xe scooter điện tới các cuộc họp.
Zhao năm nay 44 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc và cùng gia đình chuyển tới Canada từ năm 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, anh làm việc cho các công ty tài chính ở Tokyo và New York, từng có thời gian làm kỹ sư phần mềm ở Bloomberg.
Zhao lần đầu nghe về bitcoin vào năm 2013, trong 1 dịp chơi bài poker ở Thượng Hải. Khi đó các đồng tiền kỹ thuật số đã xuất hiện được vài năm, mặc dù thiếu đi tính hợp pháp như các đồng tiền pháp định do các NHTW phát hành nhưng được nhiều người trong giới nghiền công nghệ hâm mộ, trong đó có không ít người cảm thấy thất vọng với hệ thống tài chính sau khủng hoảng 2008.
Nhưng ở thời điểm đó rất khó để giao dịch tiền số. Không có nhiều nền tảng giao dịch và giá biến động rất mạnh. Những vụ hack sàn tiền số liên tiếp xảy ra, điển hình là vụ Mt. Gox khiến niềm tin vào tiền số bị xói mòn.
Zhao say mê với ý tưởng về 1 đồng tiền phi tập trung có thể được sử dụng ở bất cứ nơi đâu mà không cần đến hệ thống ngân hàng. "Chúng ta có thể sử dụng công nghệ để tăng tính tự do về tiền bạc cho mọi người dân trên khắp thế giới", Zhao nói.
Zhao bán căn hộ ở Thượng Hải (giao dịch được thực hiện bằng bitcoin) và làm việc cho một vài startup về tiền số. Anh cùng với một nhóm các lập trình viên thành lập Binance năm 2017.
Nhà sáng lập CZ của Binance. Ảnh: Wall Street Journal.
Ban đầu, Binance tập trung vào giao dịch bitcoin và rất nhiều đồng tiền số khác nhưng không cho phép người dùng đổi tiền số sang các đồng tiền chính thống. Ở thời điểm khởi đầu, Binance không cần đến tài khoản ngân hàng và không cần văn phòng, trụ sở, Zhao chia sẻ. Trên website được bổ sung thêm 9 ngôn ngữ khác để cạnh tranh với những đối thủ chỉ sử dụng tiếng Anh. Nền tảng mà Binance phát triển được các trader nhận xét là dễ sử dụng.
Tháng 7/2017, Binance huy động được 15 triệu USD sau khi phát hành đồng tiền số BNB. Hầu hết các nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc.
Binance nhanh chóng thu hút được rất nhiều người dùng trên khắp thế giới, từ cả những quốc gia như Nam Phi, Nga và Ấn Độ. Chỉ trong 6 tháng Binance đã trở thành sàn tiền số lớn nhất thế giới và cũng nhanh chóng gặp rắc rối với các cơ quan quản lý. 2 tháng sau khi Binance bắt đầu hoạt động bên ngoài Thượng Hải, vào mùa hè năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các sàn tiền số do lo ngại chúng sẽ trở thành kênh bất hợp pháp để chuyển tiền ra nước ngoài.
Cả công ty gồm hơn 30 người đã chuyển sang Nhật Bản. Năm 2018, Binance bị giới chức Nhật Bản "tuýt còi" vì chưa được cấp phép thực hiện các giao dịch cho công dân Nhật Bản. Từ thời điểm đó Binance ngừng công bố địa điểm. Zhao cho biết nhân viên Binance làm việc từ xa và ở khắp nơi trên thế giới.
Binance đem đến nhiều lựa chọn hơn các sàn giao dịch khác, bao gồm cả những thứ rất mới mẻ như fan token cho các câu lạc bộ bóng đá châu Âu (tiền điện tử cho phép chủ sở hữu – là những người hâm mộ - có được những đặc quyền nhất định) hay các meme coin như dogecoin. Không giống như các sàn giao dịch chứng khoán phải có nhiều giấy phép phức tạp mới được phép hoạt động, Binance mở rộng chỉ từ 1 nền tảng giao dịch Binance.com.
BInance cũng cung cấp các sản phẩm phái sinh liên quan đến tiền số. Với chỉ 80 cent ký quỹ, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tiền số lên tới 100 USD.
Năm 2019, Binance bắt đầu kết nối với hệ thống ngân hàng, cho phép khách hàng đổi tiền số sang những đồng tiền pháp định như USD. Công ty trả tiền cho các KOL trên YouTube để quảng bá hình ảnh, liên hệ với các day trader đang điều hành các nhóm nhỏ trên Facebook và mạng xã hội khác ở những thị trường xa xôi như Trung Đông và châu Phi.
Tham khảo Wall Street Journal
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon