600 vật lạ tiết lộ hiện tượng "Mặt Trời đen" đe dọa địa cầu

    Anh Thư,  

    (NLĐO) - "Mặt Trời đen" xuất hiện vào năm 2910 trước Công nguyên và từng gây khủng hoảng cho những nền văn minh cổ xưa.

    Các nhà khoa học vừa khai quật được hơn 600 hiện vật kỳ lạ được chôn trên đảo Bornholm - Đan Mạch, một hòn đảo nhỏ giữa biển Baltic. Chúng đã giúp họ viết lại câu chuyện thú vị về "Mặt Trời đen" từng ngự trị trên bầu trời Trái Đất.

    Dựa trên phong cách đồ gốm và niên đại carbon phóng xạ từ than củi tìm thấy gần đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những hiện vật này đã được chôn trong khu vực vào khoảng năm 2900 trước Công nguyên.

    600 vật lạ tiết lộ hiện tượng "Mặt Trời đen" đe dọa địa cầu- Ảnh 1.

    Các hiện vật kỳ lạ đã tiết lộ câu chuyện "Mặt Trời đen" - Ảnh: ANTIQUITY

    Phần lớn chúng là các tấm đã phiến đen - một loại đá trầm tích sẫm màu, dễ vỡ được tìm thấy trên đảo, trong khi những tấm khác được làm từ thạch anh và đá lửa.

    Hầu hết các tấm đá cũng được trang trí bằng các họa tiết chạm khắc, bao gồm cả họa tiết Mặt Trời và thực vật.

    Người dân thời đại đồ đá mới trong khu vực dường như đã chôn những viên đá ở một thời điểm quan trọng.

    Sau thời điểm chôn những viên đá, địa điểm này cũng được xây dựng, gia cố để trở nên kiên cố hơn, cho thấy khu vực có thể được sử dụng với mục đích nghi lễ. 

    Vì vậy, các nhà khoa học Đan Mạch dự đoán rằng một thảm họa thiên nhiên hoặc sự kiện khí hậu khiến mùa màng thất bát đã khiến các viên đá được chôn ở đây trong một nghi lễ tế thần.

    Theo nhà khảo cổ Lasse Vilien Sørensen từ Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch - đồng tác giả của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Antiquity, họ đã đối chiếu phát hiện này với bằng chứng về các sự kiện khí hậu trong lịch sử.

    Cuối cùng, TS Sørensen và các cộng sự đã xác định được một vụ phun trào núi lửa thảm khốc vào năm 2910 trước Công nguyên có thể là nguyên nhân.

    Cũng giống như những "Mặt Trời đen" được mô tả bằng đá phiến đen mà họ vừa khai quật, vụ phun trào đã giải phóng một lượng lớn tro bụi vào bầu khí quyển, tạo thành những đám mây độc hại, chặn đi ánh sáng Mặt Trời trong thời gian dài.

    Lúc đó, trên hòn đảo này và nhiều nơi khác trên thế giới, nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, mà cây trồng thì cần có ánh nắng.

    Vì vậy, gần như chắc chắn hiện tượng "Mặt Trời đen" thời kỳ đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết và mùa màng trên khắp Bắc bán cầu.

    "Chúng ta đã biết từ lâu rằng Mặt Trời là điểm tập trung cho các nền văn hóa nông nghiệp ban đầu mà chúng ta biết ở Bắc Âu" - nhà khảo cổ Rune Iversen từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) giải thích.

    Do vậy, họ cho rằng nghi lễ liên quan đến các phiến đá cũng như các hành động khác đã được thực hiện nhằm "đảm bảo Mặt Trời và sự phát triển".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày