52 năm trước, một kỹ sư Motorola thực hiện cuộc gọi di động đầu tiên trên thế giới - chỉ để khoe thành tựu với nhân viên công ty đối thủ
Ngày 3/4/1973, kỹ sư Martin Cooper của Motorola thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong lịch sử bằng một chiếc điện thoại di động cầm tay - ngay giữa phố New York, và gọi thẳng cho đối thủ tại Bell Labs

Ngày 3 tháng 4 năm 1973, trên một góc phố ở thành phố New York, kỹ sư Martin Cooper của Motorola cầm một thiết bị nặng hơn 1 kg, nhấn số và thực hiện cuộc gọi đầu tiên không cần dây nối. Đầu dây bên kia là Joel Engel - đối thủ của ông tại Bell Labs, công ty đang cạnh tranh với Motorola. Đó không chỉ là một cuộc gọi mang tính cạnh tranh, mà còn là khoảnh khắc mở ra kỷ nguyên truyền thông di động, đặt nền móng cho toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại di động hiện đại.
Trước đó, thế giới đã quen với điện thoại bàn cố định – kết nối bằng dây cáp, quay số và phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng mạng có dây. Các hệ thống "điện thoại di động" thời kỳ đầu chỉ tồn tại dưới dạng thiết bị đặt trên ô tô, cồng kềnh, giới hạn phạm vi và không thực sự di động. Trong bối cảnh đó, chiếc điện thoại cầm tay – dù là nguyên mẫu – là một ý tưởng mang tính cách mạng.

Kĩ sư Martin Cooper đang cầm trên tay nguyên mẫu điện thoại cầm tay đầu tiên trên thế giới, hàng chục năm sau khi ông thực hiện cuộc gọi lịch sử.
Thiết bị mà Martin Cooper sử dụng là Motorola DynaTAC, nguyên mẫu điện thoại cầm tay đầu tiên trên thế giới. Dù có ngoại hình thô kệch và nặng tới 1,1 kg, đây là một kỳ tích kỹ thuật vào thời điểm đó. Cooper kể lại trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi gọi cho Joel Engel để nói rằng: 'Joel à, tôi gọi cho anh từ một chiếc điện thoại di động thật sự. Một chiếc điện thoại cầm tay, không dây.' Và tôi chắc chắn rằng đầu dây bên kia… là một sự im lặng rất dài."
Martin Cooper thực hiện cuộc gọi từ đại lộ Sixth Avenue – gọi trực tiếp đến trụ sở của đối thủ, nơi các kỹ sư đang phát triển một hệ thống điện thoại cho ô tô. Việc gọi "cà khịa" này không chỉ là một tuyên bố công nghệ, mà còn cho thấy tinh thần cạnh tranh khốc liệt trong ngành viễn thông những năm 1970.
Dù mang tính đột phá, nguyên mẫu DynaTAC khi đó vẫn còn xa mới đến tay người tiêu dùng. Phải mất thêm một thập kỷ để Motorola thương mại hóa thiết bị – chiếc DynaTAC 8000X chỉ được bán ra vào năm 1983 với giá gần 4.000 USD. Máy chỉ có thể gọi điện trong khoảng 30 phút, mất đến 10 tiếng để sạc đầy, và không có màn hình hiển thị. Nhưng dù còn nhiều giới hạn, nó vẫn được xem là biểu tượng mở đầu cho cuộc cách mạng di động.
Ngày 3/4/1973 vì thế không chỉ là một cột mốc kỹ thuật, mà còn là bước ngoặt trong cách con người giao tiếp, kết nối và truyền thông tin. Từ một cuộc gọi thử nghiệm ngoài đường phố, thế giới đã bước vào thời kỳ của điện thoại di động, sau đó là điện thoại thông minh, và giờ đây là mạng 5G cùng các thiết bị đeo cá nhân. Hành động bấm số năm ấy – tưởng nhỏ – nhưng đã thay đổi cách con người sống, làm việc và giữ liên lạc trong hơn 50 năm qua.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
So sánh OPPO Find N5 và iPhone 16 Pro Max: "Vua điện thoại gập" đối đầu với "vua điện thoại dạng thanh"
OPPO Find N5 không chỉ là một bản trình diễn công nghệ, mà còn là một lựa chọn thực sự đáng cân nhắc cho những ai muốn thay đổi cách sử dụng smartphone mà không phải đánh đổi.
Thông số Nintendo Switch 2: Màn hình 120Hz, chip NVIDIA tùy chỉnh, bộ nhớ trong gấp 8 lần, hỗ trợ xuất hình 4K 60fps