5 món hàng được người Việt ưa thích sẽ có giá thành ra sao nếu sản xuất ngay trên đất Mỹ?

    PV,  

    Mặc dù người dân ủng hộ ý định mang công ăn việc làm về nước Mỹ, nhưng hàng hóa sản xuất nội địa chắc chắn sẽ đắt hơn so với hàng hóa được sản xuất ở những nước có lao động rẻ như Trung Quốc, Việt Nam và Mexico.

    Trong bài diễn văn đầu tiên, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã đề cập ngay đến vấn đề thương mại. Theo đó, ông dự định sẽ "thông báo ý định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)".

    Dưới đây là 5 sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng và mức giá dự tính nếu được sản xuất ngay trên nước Mỹ.

    Điện thoại iPhone

    Một bản đánh giá của Marketplace đã thử ước tính mức giá lý thuyết của một chiếc iPhone sản xuất ở Mỹ. Nếu mọi bộ phận được sản xuất nội địa, theo họ, chi phí sẽ tăng lên đến 600 USD, nghĩa là mức giá bán lẻ của một chiếc iPhone có thể lên đến 2.000 USD.

    Theo một phân tích khác đăng trên tập san MIT Technology Review, nếu thực hiện lắp ráp iPhone ở Mỹ và nhập linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, chi phí sản xuất (hiện được cho là ở mức 230 USD) sẽ tăng lên khoảng 5%.

    Dan Panzica, trưởng bộ phận phân tích tại IHS Markit Technology cho biết, những ước tính này đã bỏ qua một vấn đề thậm chí còn lớn hơn, đó là nhân công.

    Panzica, đã từng làm việc tại Foxconn, dự tính lượng nhân công người Trung Quốc cần có để chế tạo các linh kiện và lắp ráp iPhone có thể lên tới hơn 150.000 người.

    "Nếu cộng lại tất cả nhân công của General Electric, General Motor và Ford thì vẫn ít hơn 20% so với lực lượng lao động ở các nhà máy của Foxconn", ông cho biết. "Liệu thành phố nào có thể đủ sức hỗ trợ một nhà máy với 60.000 nhân lực?".

    Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho loại hình sản xuất thiết bị điện tử này chưa từng tồn tại ở Mỹ. Mạng lưới sản xuất này đã được gây dựng trong hàng thập niên ở châu Á, vì vậy để xây dựng một cơ sở hạ tầng tương tự như thế ở Mỹ sẽ cực kỳ khó.

    Quần Jeans

    Panzica cho biết, chi phí sản xuất quần áo có thể còn tăng cao hơn các mặt hàng điện tử nếu chúng được sản xuất ở Mỹ.

    "Nếu so sánh với mức giá lao động ở một số khu vực như Việt Nam (2,5 USD/giờ), Bangladesh (1,8 USD/giờ), thì chi phí lao động ở Mỹ là một con số khổng lồ", ông cho biết.

    Các nhà phân tích ở HIS ước tính giá lao động ở Mỹ hiện đang là 25-30 USD/giờ. Nghĩa là giả sử nếu một chiếc áo sơ mi chỉ mất 1 giờ lao động để làm ra, thì chi phí của nó sẽ tăng lên đến 25 USD nếu được sản xuất ở Mỹ.

    Điều này được phản ánh rất rõ trong mức giá của các sản phẩm "Sản xuất ở Mỹ" (Made in the USA) hiện đang được các công ty thời trang ở Mỹ bày bán.

    Chi phí cho chiếc quần jeans "Original fit selvedge" của Levi’s khoảng 128 USD. Nếu cũng mẫu quần này nhưng lại nằm trong bộ sưu tập "Made in the USA" của hãng, vốn sử dụng vải cao cấp từ nhà máy Cone Mills ở North Carolina, thì giá của nó là 348 USD.

    Ti vi

    Trong bài diễn văn tranh cử của mình, Donald Trump nói rằng nước Mỹ đã không còn sản xuất TV nữa. Và sự thật đúng là như vậy. Thậm chí mọi thiết bị điện tử bên trong TV đều đến từ châu Á.

    Tuy nhiên, cũng có một số công ty lắp ráp các linh kiện trên đất Mỹ. Công ty lớn nhất và được biết đến nhiều nhất là Element Electronics (EE), có sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng của Walmart và Target.

    TV của hãng này nằm trong số những mẫu rẻ nhất thị trường, nhưng vẫn không là gì so với các đối thủ cạnh tranh. Một TV 32 inch của EE có giá 179 USD, trong khi mức giá của Smart TV Roku 32 inch mang nhãn hiệu TCL (Trung Quốc) là 169 USD.

    Giày đế mềm (Sneaker)

    Theo thống kê, khoảng 97 đến 99% giày dép thể thao bán ở thị trường Hoa Kỳ được sản xuất ở các nước khác.

    Hiệp định TPP có thể giảm hoặc xóa bỏ các hàng rào thuế quan cho giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và một vài nước khác, nhờ thế có thể giảm giá sneaker ở Mỹ. Những công ty như Adidas và Nike, vốn có đến 26 nhà máy giày ở Việt Nam, đều ủng hộ hiệp định này.

    Tuy nhiên, New Balance lại phản đối TPP. Trên trang web của mình, công ty này khoe khoang rằng mỗi năm sản xuất đến 4 triệu đôi giày thể thao tại Mỹ.

    Giày của New Balance có giá từ 65 USD đến 399 USD, nhưng những đôi sản xuất tại Mỹ lại có mức giá từ 165 USD trở lên. Điều này có nghĩa là những mẫu giày rẻ nhất không hề được sản xuất tại Mỹ.

    Điều tương tự cũng diễn ra với Reebok. Công ty này cho ra đời dòng Postal Express, được sản xuất nội địa và thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của các nhân viên bưu điện. Nhưng chúng có giá từ 167-230 USD, trong khi các loại giày thể thao phổ biến của Reebok chỉ nằm trong mức từ 80 đến 165 USD.

    Tấm thu năng lượng mặt trời

    Các nhà phân tích cho rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến năng lượng tái tạo trở nên dễ tiếp cận hơn. Trong trường hợp là các tấm pin mặt trời, rõ ràng sản phẩm được sản xuất nội địa có giá đắt hơn so với hàng nhập khẩu.

    Một tấm đơn 330 watt từ Canadian Solar (chủ yếu đặt các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam) có chi phí 0,69 USD/watt. SolarWorld, một trong những nhà sản xuất pin mặt trời nội địa lớn nhất, bán một tấm pin 300 watt với giá 0,85 USD/watt.

    Một gia đình bình thường phải sử dụng đến 7.000 watt năng lượng mặt trời, nghĩa là mức giá chênh lệch có thể lên đến 1.120 USD.

    Nhiều chuyên gia cho rằng các thỏa thuận thương mại trong tương lai có thể giảm hàng rào thuế quan áp dụng với các loại hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, do đó thậm chí còn tạo nền tảng để đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày