Năm 2018 đang chứng kiến một trào lưu smartphone mới: sở hữu tính năng cao cấp với mức giá chưa tới tầm cao cấp, mà người mở đầu là Samsung.
Năm 2017 đã trở thành một năm mà các nhà sản xuất smartphone ghi dấu ấn trong lòng người dùng bằng các thiết bị phân khúc tầm trung. Với mục đích mang đến cho người dùng những trải nghiệm vừa đủ để thay thế cho các trải nghiệm tệ hại trên những chiếc smartphone phổ thông, cùng với mức giá hợp túi tiền của nhiều người, những chiếc smartphone tầm trung đã nhanh chóng được người dùng đón nhận.
Màn hình tỷ lệ 2:1 độ phân giải cao, RAM 4GB, thậm chí cả camera kép, các đặc trưng thường thấy ở những smartphone cao cấp đều đã hiện diện trên những thiết bị tầm trung với mức giá dưới 8 triệu đồng. Không những thế, để đẩy mạnh hơn nữa doanh số, các hãng đều chạy đua cắt giảm hơn nữa giá bán của mình, nhưng vẫn cố gắng giữ nguyên cấu hình hay thậm chí gia tăng thêm chút ít.
Dù giúp gia tăng đáng kể doanh số, cuộc ganh đua về giá và cấu hình thiết bị tầm trung này nhanh chóng đẩy các nhà sản xuất đến một tình thế nguy hiểm: những thiết bị tầm trung dần trở nên tương đồng hơn, ít khác biệt nhau về cấu hình, và giá bán bị cắt giảm liên tục đã làm lợi nhuận của nhà sản xuất trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Ngay cả Samsung, dù đang dẫn đầu thế giới về thị phần smartphone và doanh số dòng smartphone cao cấp Galaxy S8/S8 cũng như dòng siêu cao cấp Galaxy Note 8 rất tích cực, cũng phải thừa nhận rằng, tổng doanh thu và lợi nhuận mảng di động quý 3 năm 2017 giảm so với quý trước do “doanh thu cao hơn đến từ các model tầm trung và tầm thấp.” Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những nhà sản xuất smartphone tầm trung khác, như OPPO, Vivo, Xiaomi hay Huawei, khi các hãng này thường chỉ tiết lộ doanh số mà hiếm khi cho biết doanh thu và lợi nhuận.
Cuộc chạy đua khốc liệt về cấu hình và giá cả giữa các nhà trong phân khúc tầm trung còn cho thấy một điều: đó là phân khúc thị trường này đã nhanh chóng đạt đến điểm bão hòa và giờ các hãng gần như không còn hy vọng tìm kiếm được lợi nhuận từ phân khúc này. Điều này buộc các nhà sản xuất phải tìm cho mình một phân khúc thị trường mới, có khả năng khác biệt hóa cao hơn, để tách mình khỏi đám đông cũng như gia tăng lợi nhuận.
Trong khi đó, nhu cầu nâng cấp thiết bị của người dùng ngày một mạnh mẽ hơn. Với việc phân khúc phổ thông và tầm trung đã trở nên bão hòa, sẽ có rất ít lý do khiến người dùng móc hầu bao nhiều hơn cho một thiết bị chỉ được cải tiến chút ít về mặt cấu hình và hiệu năng. Trong khi đó, các thiết bị phân khúc cao cấp và siêu cao cấp, với những trải nghiệm được nhiều người thèm muốn nhất lại có mức giá vượt quá tầm tay của đại bộ phận người tiêu dùng.
Selfie - nhu cầu quan trọng của giới trẻ năm 2017 và được nâng lên tầm "nghệ thuật" vào năm 2018, mở đầu với Galaxy A8
Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất tìm đến phân khúc cận cao cấp, một bước tiến gần hơn nữa đến phân khúc cao nhất với mức giá dao động quanh mốc 10 triệu, cao hơn hẳn so với phân khúc phổ thông nhưng vẫn mềm hơn nhiều so với mức giá của dòng cao cấp.
Các tính năng bổ sung không chỉ là việc gia tăng thông số cấu hình như xung nhịp bộ xử lý, dung lượng RAM hay camera với nhiều chấm hơn, những công thức đã quá quen thuộc với các dòng thiết bị phổ thông hay tầm trung. Thay vào đó là những tính năng đòi hỏi công nghệ cao cấp hơn hẳn, khó có thể sao chép một cách dễ dàng.
Màn hình không chỉ độ phân giải cao mà còn dùng các tấm nền công nghệ tốt hơn, như AMOLED cùng với khả năng căn chỉnh để cho màu sắc sống động hơn, tiết kiệm pin và mỏng hơn. Camera thay vì chạy đua số chấm mà còn là các nâng cấp về khả năng xử lý như chip ISP chuyên dụng, hoặc phần mềm xử lý hình ảnh chụp từ camera kép để tạo nên các hình ảnh với các hiệu ứng đặc biệt mà camera đơn với phần mềm thông thường không làm được.
Một ví dụ điển hình cho xu hướng này như OnePlus 5T. Cho dù không có quá nhiều tính năng hay thiết kế đặc sắc nhưng công thức của OnePlus là mang lại cấu hình cao cấp nhất có thể trong tầm giá mềm hơn. Với thiết bị cận cao cấp như OnePlus 5T, nó mang trên mình màn hình AMOLED với tỷ lệ 2:1, chip Snapdragon 835 cùng với lượng RAM “khủng bố” 8GB, cũng như camera kép. Tuy nhiên, thiết bị lại chỉ có thiết kế và phần mềm khá tương đồng với những người tiền nhiệm.
Samsung Pay
Để tránh lặp lại cuộc đua về giá như đã xảy ra ở thiết bị phổ thông và tầm trung, nhiều nhà sản xuất tránh đi theo công thức của OnePlus. Thay vào đó, để có thể tạo ra thêm nhiều trải nghiệm mới cho người dùng, nhiều nhà sản xuất còn ưu ái cho dòng thiết bị này tham gia vào hệ sinh thái riêng của hãng, với những tính năng vốn trước đây chỉ xuất hiện trên các dòng thiết bị cao cấp.
Dòng Galaxy A của người khổng lồ về điện tử Hàn Quốc, Samsung, vốn từ lâu được định hướng như dòng thiết bị tập trung vào thiết kế sang trọng lịch lãm, đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này để vươn lên vị trí cao hơn. Bên cạnh cấu hình mạnh mẽ hơn, bộ đôi Galaxy A8 và A8 vừa ra mắt còn được trang bị các tính năng độc quyền của Samsung như ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay và trợ lý ảo kỹ thuật số Bixby, những tính năng vốn được nhiều người ưa chuộng nhưng mới chỉ xuất hiện trên thiết bị Galaxy dòng S và Note.
Đối thủ của Samsung tại Hàn Quốc là LG cũng đang có động thái tương tự khi tuyên bố trang bị dịch vụ thanh toán LG Pay cho chiếc smartphone sắp ra mắt K10. Cũng tương tự như Samsung Pay hay Apple Pay, LG Pay mới chỉ hỗ trợ chiếc smartphone cao cấp như LG G6, mãi giờ đây nó mới được đưa xuống dòng thiết bị thấp hơn. Tuy nhiên, LG Pay vẫn ít phổ biến và chưa được hỗ trợ thanh toán ở nhiều nơi như Samsung Pay hay Apple Pay.
Không còn nghi ngờ gì nữa, 2018 sẽ là thời điểm khởi đầu cho cuộc chiến phân khúc tầm trung giữa các nhà sản xuất smartphone. Khi nỗ lực giành giật khách hàng giờ đây ít phụ thuộc vào giá bán mà còn nhờ vào việc mang đến cho khách hàng các trải nghiệm khác biệt so với các đối thủ khác, nhất định đây sẽ là trận chiến thú vị hơn một cuộc đua giữa giá cả và cấu hình đơn thuần.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?