13 suy nghĩ tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng tai hại khi mua PC Gaming

    NPQM,  

    Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định sắm một bộ PC chơi game thỏa thích nhé.

    Chắc hẳn đây là vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều lần, nhưng thật sự vẫn còn khá nhiều người đang lúng túng không biết làm sao để chọn cho mình một sản phẩm phù hợp nhất. Có rất nhiều thứ bạn cần nắm vững trước khi bắt tay vào mang về cho mình một chiếc máy tính, cũng như nguy cơ sai lầm khi chọn lựa không hợp lý là rất cao vậy, đặc biệt là với phân khúc dành cho gaming. Khi ấy, một chiếc card đồ họa mạnh mẽ và tối ưu sẽ là ưu tiên trên hết được nghĩ tới khi bạn có ý định chinh phục một tựa game mơ ước nào đó.

    Tất nhiên, nếu nắm trong tay ngân quỹ rộng rãi, thoải mái, bạn đơn giản chỉ cần nhìn vào yêu cầu khuyến nghị cho hệ thống và mang danh sách đó đi tìm mua, lắp đặt. Nhưng hầu hết chúng ta đều không dư dả đến mức đó, hoặc cũng không muốn quá hoang phí cho một nhu cầu giải trí trong cuộc sống, hãy săn đón những linh kiện đảm bảo cân bằng giữa cả 2 yếu tố giá cả và hiệu suất một cách khoa học. Và để làm được điều đó, đừng cứng nhắc suy nghĩ theo 13 hướng sau đây, chắc chắn sẽ khiến bạn hối hận đó:


    1. Mua vì… ngoại hình đẹp

    Quan điểm này cũng khá giống với cách suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng cứ to hơn là tốt hơn. Thực chất, một dàn máy tính có vẻ ngoài bắt mắt cùng hệ thống đèn led hấp dẫn, khó cưỡng lại thường nằm ở phân khúc cao cấp nhất, chuyên “chiến” những game nặng ký và cho trải nghiệm chân thực. Tuy nhiên, sức mạnh đó được cấu thành từ những thành phần bên trong chứ không phải vỏ ngoài đẹp. Do đó, một chiếc case có vỏ đen đơn điệu hoàn toàn có thể sở hữu hiệu năng vượt trội so với nhiều sản phẩm sáng sủa khác nếu biết cách tìm mua linh kiện.

    Dù sao thì điều này cũng không có nghĩa bạn nên quay lưng với những vỏ case khoa trương như vậy, bởi vì có trong tay một chút gì đó độc đáo mang nét đặc trưng của riêng mình cũng là một phần làm nên trải nghiệm Gaming tuyệt vời hơn.

    Lưu ý: Vỏ case MSI Aegis phía trên sẽ phù hợp với những ai tự tin và nắm khá rõ về cấu trúc, chất lượng so với nhu cầu của mình, nhưng so với một bộ phận lớn khách hàng thì điều này cũng đánh đổi lấy một khoản tiền đáng kể để mang về thiết kế hấp dẫn như vậy.


    2. Không nắm rõ dung lượng bộ nhớ lưu trữ mà game cần

    Khi tiến đến chọn lựa một chiếc máy tính, đặc biệt là ổ cứng để lắp đặt bên trong, hãy luôn nhớ một điều rằng các game cao cấp hiện giờ luôn chiếm dung lượng rất lớn. Một số game hạng AAA “bom tấn” có thể vượt qua ngưỡng 30GB là chuyện bình thường. Nguyên nhân là do độ chân thực và sắc nét của đồ họa game ngày càng được cải thiện, phát triển, kéo theo dung lượng bộ nhớ cần để tải sẽ lớn hơn. Ngoài ra, còn nhiều khả năng chúng sẽ nhận được những bản nâng cấp mở rộng hơn so với phiên bản gốc.

    Nếu chỉ gắn bó với 1 tựa game 1 lần, hoàn thành xong rồi xóa và tìm kiếm game mới thì bạn không phải lo lắng nhiều quá đến vấn đề này. Nhưng tâm lý chung của game thủ luôn là sở hữu hàng tá game trong máy sẵn sàng chinh chiến bất cứ lúc nào, thay đổi đa dạng. Vì vậy, hãy lựa chọn một bộ nhớ lớn và bộ case sở hữu nhiều đầu cáp SATA và khe lắp ổ cứng. Tốt nhất là hãy tin tưởng vào một chiếc SSD hoặc ổ đĩa quay HDD 7.200 RPM có giao thức kết nối với bo mạch chủ qua cáp SATA III 6.0 Gbps (nếu chưa quen với thông số này, hãy đảm bảo rằng trên chi tiết sản phẩm có ghi giống như vậy hoặc hỏi người có kinh nghiệm đi cùng).

    Lưu ý: Đừng thờ ơ mà lấy về một chiếc SSD 256GB do chỉ quan tâm tới tốc độ xử lý, rồi lại nuối tiếc khi nhận ra nó chỉ chứa được một vài game ít hơn mong muốn.


    3. Không đầu tư về lâu về dài

    Trò chơi máy tính đang phát triển với tốc độ rất nhanh trên nhiều mặt. Đó là lý do tại sao dung lượng file luôn lớn hơn để thể hiện đủ dữ liệu cần truyền tải. Tất nhiên, đi kèm với sự hoàn thiện đó là yêu cầu về mặt cấu hình phần cứng đi kèm. Chu kỳ nâng cấp của một dàn PC Gaming có thể nhanh hơn nhiều so với những sản phẩm máy chơi game như Xbox và PlayStation. Do vậy, nếu chần chừ và không lựa chọn đúng đắn, rất có thể chỉ sau một thời gian chiếc máy tính của bạn sẽ không còn khả năng chạy những game đời mới nữa.

    Hãy xác định sẵn tư tưởng rằng nếu chẳng may phải nâng cấp nó, thì toàn bộ hoặc một phần linh kiện trước đó sẽ phải thay mới hoàn toàn. Một ngày nào đó mọi máy tính dù cao cấp đến đâu ở thời điểm hiện tại cũng sẽ trở nên lỗi thời, nhưng chúng ta có thể tìm ra cách kéo dài khoảng thời gian đó. Trước hết, hãy đảm bảo case máy tính có nhiều cổng cắm ổ cứng để trang bị thêm dung lượng khi cần. Bí quyết tiếp theo ở đây là hãy chọn bo mạch chủ có tiềm năng đa dạng và không bị lỗi thời, vì nếu giao thức và tốc độ kết nối của nó không tương thích với những bộ vi xử lý cao cấp của Intel hoặc AMD, bạn hẳn sẽ đi vào ngõ cụt và cách duy nhất là thay mới toàn bộ dàn máy vào một ngày không xa.

    Lưu ý: Đừng dại dột mua bo mạch chủ LGA 1150 trong khi thế hệ kế nhiệm LGA 1151 đã ra mắt; hoặc không để ý rằng nó chỉ hỗ trợ ổ cứng SATA II, trong khi SATA III đang là xu hướng và chạy mượt mà hơn nhiều.


    4. Nguồn cấp điện cũng rất quan trọng

    Có một vài lý do chính yếu khiến cho việc tìm kiếm nguồn cấp điện trở nên cần thiết hơn rất nhiều. Thứ nhất, chắc chắn bạn không bao giờ muốn bộ máy tính mơ ước của mình là chạy trên một nguồn điện không ổn định và chất lượng thấp cả. Đây là ngọn nguồn cơ bản nhất giúp cho toàn thể cỗ máy hoạt động, vì vậy nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, nguy cơ bị giảm hiệu suất so với mong muốn ban đầu là khó tránh khỏi, thậm chí có thể khiến hư hại linh kiện hoặc cháy nổ. Đó là còn chưa kể đến việc công suất tiêu thụ điện thực tế bị tăng cao gây lãng phí năng lượng trong khi hiệu quả và trải nghiệm vẫn chẳng có dấu hiệu tích cực nào.

    Thiếu là một vấn đề, thừa còn là vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy đảm bảo công suất để chạy nguồn điện của bạn là vừa đủ cho dàn máy. CPU và GPU càng cao cấp thì càng cần nhiều điện năng. Hãy tham khảo thông tin trên những website như PCPartPicker.com để chọn ra những hướng đi đúng đắn nhất. Còn trong trường hợp muốn nâng cấp thêm về sau, hãy tính trước điều này và mang về một nguồn điện chất lượng tốt, độ tương thích cao, tốt nhất là thừa ra 50-100W so với nhu cầu ban đầu là hơn cả.

    Lưu ý: Nếu có ý định lắp đặt case cao cấp cỡ gồm 2 chiếc GTX 1080, 3 ổ cứng, chip xử lý i7 lõi tứ… thì 400W sẽ là con số đáng cân nhắc.


    5. Đừng phí công vào quá nhiều chi tiết thừa

    Hãy làm một tính toán nho nhỏ, tưởng tượng bạn đang tìm mua một bộ PC dành hầu hết cho việc chơi game, còn không thì cũng chỉ có vài ngoại lệ không đáng kể. Khi ấy, điều sáng suốt nhất là không phí thêm tiền cho những tính năng và chi tiết không cần thiết, mà hãy để dành đó cho việc nâng cấp hoặc dự phòng cho các trường hợp nhất thời. Chẳng hạn như những ổ đĩa quang CD/DVD/Blu-ray. Quên chúng đi. Bộ hỗ trợ kết nối Wi-Fi ư? Quá nhảm nhí, mà hãy đầu tư vào chất lượng kết nối Ethernet cố định giúp cho trải nghiệm tối ưu không bị ngắt quãng mỗi khi chơi game online. Tất nhiên là cả những phụ kiện đèn led bắt mắt nữa, đừng nghĩ rằng chúng được thiết kế miễn phí cho bạn vì các nhà phân phối luôn dành một phần phụ phí đi kèm cho chúng.

    Lưu ý: Bỏ qua càng nhiều linh kiện và chi tiết không cần thiết càng tốt, thay vào đó, đảm bảo bạn có trong tay những linh kiện như CPU, GPU, RAM… chất lượng bền vững.


    6. Sở hữu cả APU và GPU

    Trước hết chúng ta cần phải hiểu APU là gì. APU viết tắt cho Accelerated Processing Unit, nói nôm na là nó tích hợp cả CPU và GPU bên trong. Dù nói đó là một lựa chọn tốt hay xấu cho PC Gaming thì cũng không hẳn đúng. Mục đích của nó được tạo ra để tối giản hóa thiết kế phức tạp, giúp cho việc xây dựng một dàn máy cấu hình khủng chơi game bớt cồng kềnh đi. Tuy nhiên GPU tích hợp sẵn trong đó sẽ không thể mạnh mẽ như một chiếc card đồ họa thực thụ lắp rời. Tùy nhu cầu của bạn mà lựa chọn, chỉ cần nhớ đừng ngớ ngẩn lắp đặt cả APU và GPU trên một dàn máy. CPU kết hợp GPU, hoặc chỉ APU mà thôi. Nếu lỡ chọn APU và GPU cùng xuất hiện trên máy và bạn chắc chắn sẽ chọn chạy bằng GPU rời kia, nửa phần GPU tích hợp trong chip xử lý sẽ bị lãng phí không dùng đến, đi kèm với cả một số tiền đáng kể so với khi mua CPU thông thường.

    Lưu ý: Chip AMD A10 và Nvidia GTX 1080 là một lựa chọn không tồi, và được khá nhiều người khuyên dùng.


    7. Càng nhiều RAM càng tốt?

    Đúng, trò chơi điện tử ngày nay cần một lượng RAM đáng kể để có thể vận hành mượt mà trên máy tính, nhưng thực chất không hề nghiêm trọng như bạn tưởng. Đảm bảo bộ nhớ RAM đủ cho mọi nhu cầu của bạn, nhưng đừng nghĩ quá lên và lắp đầy hết những khe cắm RAM trên bo mạch chủ. Hardware Secrets đã chứng minh rằng lượng RAM thừa ra so với yêu cầu không giúp cho độ mượt mà của game tăng lên. Thay vào đó, hãy đầu tư vào một chiếc card đồ họa có dung lượng VRAM lớn hơn, cho phép xử lý cơ cấu game ở độ phân giải cao và chi tiết sắc nét hơn đáng kể.

    Lưu ý: Star Wars Battlefront yêu cầu 16GB RAM. Đừng bao giờ nghĩ rằng lắp 32GB RAM để game chạy mượt hơn nhé.


    8. Hệ điều hành “trọn gói” bản quyền theo máy?

    Một khi chấp nhận tự xây dựng case máy tính Gaming thì hãy sẵn sàng bỏ thêm một khoản tiền cho Windows bản quyền. Không phải cứ mua một đống linh kiện cao cấp là sẽ được tặng theo hệ điều hành có sẵn trên máy tính đâu. Chi phí trung bình dành cho khía cạnh này có thể lên đến 70 USD, hoặc nếu mua một dàn máy lắp sẵn, hãy đảm bảo nó được cài đặt trước hệ điều hành rồi, vì một vài nhà phân phối chỉ bán phiên bản dùng thử đi kèm thôi.

    Lưu ý: Nếu tự tay tìm mua linh kiện để lắp đặt, chắc chắn bạn cần tìm thêm một phiên bản hệ điều hành.


    9. Linux cũng “chiến” được hết các game như thông thường?

    Sau khi cân nhắc một hồi, một vài người cho rằng có thể bỏ qua Windows và đồng hành với Linux vì đơn giản nó hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên vẫn có những game hỗ trợ Linux, nhưng số lượng game không hỗ trợ thì còn nhiều hơn thế, đặc biệt phần lớn lại là những game phổ biến, hấp dẫn. Nếu đã xác định build dàn máy thì mục tiêu của bạn là để trải nghiệm game tốt nhất có thể, không phải lên mạng lướt web và trầm trồ xuýt xoa trước những hình ảnh giới thiệu game đó.

    Lưu ý: Chỉ cần nhìn vào lượng game thủ đang ngày đêm đau đầu vì Overwatch không hỗ trợ chạy trên Linux thôi cũng đủ là lời giải đáp xứng đáng cho câu hỏi trên rồi.


    10. Đầu tư vào dàn máy Steam Machine

    Nếu đó là lựa chọn của bạn thì chẳng ai cấm được cả, chỉ cần mua và nó sẽ sẵn sàng để chơi game ngay khi lắp đặt hoàn thiện tại nhà. Đôi khi sự nhanh chóng tiện lợi như vậy cũng là một ưu điểm đáng cân nhắc, vốn là yếu tố khiến cho các máy chơi game console thành công được như ngày hôm nay. Steam Machine là một nỗ lực cụ thể trong việc cố gắng mô phỏng, học tập lại điều đó bằng cách cấu tạo từ nền tảng gốc có phần giống máy console, chạy trên hệ điều hành được thiết kế riêng để chơi game và kết nối đa phương tiện cũng giống giao diện console nữa.

    Tuy vậy, vấn đề thực sự ở đây là khả năng hỗ trợ nâng cấp – ưu điểm không thể bàn cãi của những chiếc PC Gaming đơn thuần. Kích thước nhỏ gọn của Steam Machine sẽ cản trở quá trình đó, vì khoảng trống tác động rất nhiều đến việc thêm thắt và nâng cấp linh kiện. Ngoài ra, hệ điều hành Steam OS lại là một nhánh phát triển từ gốc Linux, và mọi đặc điểm trên Linux về game như đã đề cập bên trên cũng được kế thừa lên đây, ít nhiều gây nên những hạn chế cho game thủ.

    Lưu ý: Vẫn có những phần trong Steam Machine có thể nâng cấp, nhưng đáng tiếc là card đồ họa lại không nằm trong số đó.


    11. Màn hình và độ tương thích

    Có lẽ không cần phải kể đến độ quan trọng của màn hình trong trải nghiệm chơi game nói chung nữa. Phải luôn nhớ để dành ra một phần quỹ cho một sản phẩm màn hình tốt, đã được kiểm chứng bởi người có kinh nghiệm, đặc biệt là dành cho nhu cầu chơi game. Để tối ưu hóa chất lượng, hãy để tâm đến độ trễ (input lag) và tốc độ xử lý nhạy bén. Màn hình có độ lag dưới 10ms là tốt và khá dễ tìm, giúp chuyển động trong game mượt mà hơn. Nếu không may mắn, 40ms là mức tiêu chuẩn nên hãy tìm sản phẩm nào có thông số dưới mức ấy để mang lại trải nghiệm tương tác ổn định nhất.

    Ngoài ra, giao thức kết nối phải tương thích với GPU của bạn, nếu không mọi công sức sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Chẳng hạn nếu GPU không hỗ trợ đầu xuất HDMI, đừng tìm mua màn hình có đầu cắm HDMI; hoặc nếu màn hình có độ phân giải và tần số quét cao vượt trội so với thông thường, 4K và 144Hz ví dụ, thì hãy chắc chắn rằng GPU cũng có cấu hình tương thích, và thêm một đoạn cáp riêng nữa.

    Lưu ý: MSI GTX 960 không có khả năng hỗ trợ độ phân giải 4K ở tần số quét cao hơn 60Hz, vì vậy mua màn hình 4K 120Hz sẽ là lựa chọn không khôn ngoan một chút nào.


    12. Nghĩ rằng có thể chơi game PC cùng bạn bè là game thủ console

    Về lý thuyết, bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó, nhưng chỉ khi… đến thẳng nhà người khác và chơi cùng họ trên cùng một máy Xbox hoặc PlayStation (PS). Hầu như mọi tựa game đều không hỗ trợ game thủ PC và máy console tương tác với nhau, cũng giống như việc Xbox và PS không hỗ trợ kết nối nào để cùng chơi vậy. Vẫn có một vài game hiếm hỗ trợ khả năng này, nhưng thực sự không đủ để làm nên điều khác biệt. Do đó, nếu bạn bè xung quanh muốn gắn bó với Xbox/PS nhưng bạn lại yêu thích chơi game với tầm kết nối và quy mô rộng rãi, không ngại người lạ thì PC sẽ là một lựa chọn đúng đắn.

    Lưu ý: Có những game như Rainbow Six Siege đều ra mắt phiên bản cho cả PC và máy console như Xbox, nhưng nếu muốn gặp gỡ bạn bè của mình trên đó thì chỉ PC mới là phương thức tối ưu nhất.


    13. So sánh rằng PC Gaming tốt hơn Console Gaming

    Nhưng đặc trưng của PC Gaming không phải là yếu tố cố định nên rất khó để đem ra đánh giá, suy xét. Những linh kiện cấu thành luôn được nâng cấp và cải tiến liên tục để mang đến chất lượng và trải nghiệm tốt nhất có thể trên PC, trong khi máy console thì lại không may mắn như vậy. Chuột và bàn phím là những món đồ không thể thiếu cho PC, nhưng đặc biệt là cả tay cầm chơi game cũng có thể được sử dụng. Vậy đó có được cho là bằng chứng rõ rệt nhất của việc game thủ PC hoàn toàn vượt trội hơn so với game thủ Console?

    Không! Trước hết, máy console rất gọn nhẹ và được tối giản hóa, vì vậy nếu đã có tên trong danh sách hỗ trợ thì không phải lo sợ nhiều về việc game này có chơi được trên máy hay xảy ra lỗi gì không. Bên cạnh đó, cộng đồng console game online rất đông đảo và lớn hơn nhiều nếu xét trên quy mô một tựa game nhất định. Cuối cùng, chi phí cho một máy console thường rẻ hơn so với khi tự lắp dàn PC. Thực tế, chúng ta có thể lắp một dàn PC mượt mà nhưng vẫn rẻ hơn console là điều khả thi, nhưng chắc hẳn không phải ai cũng làm được như vậy.

    Tham khảo: Cheetsheet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày