13 sản phẩm công nghệ khuynh đảo thế giới một thời mà thế hệ 8X chưa chắc đã biết
Cùng nhìn lại thời hoàng kim của những đồ vật "cố lỗ sĩ" ngày nay như Sony Walkman, điện thoại "cục gạch" hay đầu máy video,...
Nếu các thiết bị này xuất hiện ở thời hiện tại, chắc chắn chúng sẽ bị chê là cồng kềnh và thiếu thực tiễn.
1. Sony Walkman
Chiếc máy nghe nhạc Sony Walkman đầu tiên được sản xuất tại Nhật Bản năm 1979, bước đầu tấn công thị trường Mỹ chỉ một năm sau đó. Hiện nay, giá chiếc máy này dao động khoảng 200 – 600 USD sau từng ấy năm lạm phát gia tăng. Chỉ trong vòng một thập kỷ, 50 triệu chiếc máy nghe nhạc vỏ kim loại xanh bạc đã được bán ra.
Không lâu sau, các đối thủ cạnh tranh bắt đầu “ăn theo” thành công của sản phẩm này, tuy nhiên cụm từ “Walkman” trở nên phổ biến đến nỗi người ta quên mất rằng đây là tên một thương hiệu, nó đã được bổ sung vào từ điển Oxford, giống như trường hợp của Band-Aid (nhãn hiệu băng keo y tế) và Q-tip (nhãn hiệu bông ngoáy tai).
Thời gian gần đây, Sony đã và đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang bằng việc gây dựng lại thương hiệu cho dòng thiết bị MP3 tuy nhiên không mấy hiệu quả.
2. Đầu máy video (VCR)
Ra mắt lần đầu vào những năm 70 thế kỷ trước nhưng mãi cho tới thập niên tiếp theo đầu máy video mới trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình. Những cửa hàng mua bán và cho thuê băng đĩa dần mọc lên như nấm. Nếu chẳng may có lỡ tay làm rối, bạn sẽ phải mất thêm 0.5 USD khi trả tiền thuê băng.
Nhờ có thiết bị này, các bà các mẹ không phải mòn mỏi chờ đợi chương trình yêu thích của mình trình chiếu trên TV chỉ những dịp đặc biệt trong năm. Cánh đàn ông cũng có thể theo dõi hài kịch và các chương trình thời sự của mình.
Thế nhưng, những bộ sưu tập băng VHS giờ chỉ dành cho dĩ vãng. Công nghệ DVD thay thế loại đầu máy này, như một quy luật, kể cả những chiếc đĩa DVD rồi cũng trở nên lạc hậu so với các dịch vụ thu phát và lưu trữ DVR.
3. Nintendo Entertainment System (NES)
Máy chơi game Nintendo (NES) bắt đầu xâm nhập vào thị trường vốn đã bão hòa vào khoảng 30 năm trước. Thời điểm đó, bỏ ngoài tai những gì đang diễn ra với loại game video ở Mỹ, máy chơi game 8-bit đến từ Nhật Bản đánh dấu sự hiện diện của mình tại xứ cờ hoa vào năm 85.
Những tựa game nổi tiếng như “Super Mario Bros”, “The Legend of Zelda” và “Mike Tyson’s Punch-Out!!” đều ra lò dưới hình dáng cuốn băng nhựa dày cộp. Đừng nói là bạn không nhớ gì về hành động thổi phù đám bụi khỏi cuốn băng nếu tự nhiên nó không chạy bình thường nhé!
Năm 1995, NES chính thức bị ngừng sản xuất, tuy nhiên lượng fan trung thành của máy chơi game này vẫn rất đông đảo và tiếp tục duy trì những bộ sưu tập tựa game yêu thích đến ngày nay.
4. Điện thoại “cục gạch”
Thập niên 80 chứng kiến sự kiện chiếc điện thoại di động đầu tiên có mặt trên thị trường mang hình dáng thô kệch, nặng nề, có giá tương đương 4000 – 9000 USD hiện nay dù cuộc gọi lần đầu được thực hiện khoảng chục năm trước đó.
Để có được tối đa 30 phút thoại, bạn phải mất đến 10 giờ để sạc đầy. Mọi người thường gọi vui chiếc điện thoại di động đời đầu này là điện thoại “cục gạch”, tuy nhiên chính những chiếc điện thoại này là nền móng cho những chiếc iPhone hay Android ngày nay - những thiết bị không đơn thuần là điện thoại mà là một dạng máy tính thu nhỏ mang hình thù của một chiếc điện thoại.
Bên cạnh đó, điện thoại "cục gạch" còn góp phần hoàn thiện hầu hết các lĩnh vực công nghệ được đề cập trong bài viết này. Này, bạn cũng nên nhìn lại mình đi chứ!
5. Máy tính Commodore 64
Chiếc máy tính dành cho hộ gia đình đầu tiên có giá phải chăng 595 USD (khoảng 1,500 USD hiện nay) sản xuất năm 1982 trở nên thịnh hành đến nỗi trong vòng 12 năm có mặt trên thị trường, 17 triệu chiếc máy đã được bán ra. Có tích hợp trò chơi điện tử, trang bị chip âm thanh phức tạp, RAM 64k và bộ xử lý 1 MHz ngay phía ngoài hộp, máy tính c64 gần như không đối thủ trong thời điểm đó.
6. Máy tính McIntosh 128k
Năm 1984, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của Apple ra đời trong sự quan tâm của dư luận với mức giá 2,495 USD (khoảng 5,600 USD hiện nay). Tương xứng với số tiền bỏ ra, người dùng được trải nghiệm gói đồ họa “không đối thủ” trong lịch sử và bộ xử lý 7.8336 MHz kết nối với RAM 128k. Sản phẩm này đánh dấu bước đầu phát triển dòng máy tính chất lượng cao của Apple thời gian sau đó.
7. Máy đọc đĩa compact/CD
Máy đọc đĩa CD lần đầu xuất hiện phiên bản thương mại vào năm 1982 với giá khoảng 700 USD (tương đương với 1.600 USD năm 2015). Chỉ trong vòng 5 năm, đĩa CD này đã soán ngôi đĩa than trên thị trường băng đĩa. Thời điểm bấy giờ, đối với nhiều người, sản phẩm này đánh dấu cuộc xâm nhập đầu tiên vào thời đại công nghệ số.
Vẫn có người chưa nhận ra rằng thứ mà họ vừa mua chính là sự kết hợp công nghệ của các tia sáng laser và hệ thống máy tính số. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: Đĩa CD bán lẻ đầu tiên có giá 15 USD và giờ nó VẪN có giá 15 USD; album đầu tiên được tung ra dưới dạng đĩa CD thuộc về Billy Joel mang tên 52nd Street; CD đầu tiên bán được một triệu bản thuộc về bản thu âm ca khúc Dire Straits - Brothers in Arms.
David Bowie là nghệ sĩ đầu tiên sở hữu toàn bộ sản phẩm âm nhạc của mình dưới dạng CD và Sony và Philips đã cùng bắt tay ra mắt máy đọc đĩa CD đầu tiên dựa trên hiện tượng ma sát và chỉ chạy những loại đĩa có đường kính 11.5 – 12 cm (sau này kích thước này được coi là tiêu chuẩn cho mọi loại đĩa) với lý do chỉ có loại đĩa kích thước này mới có thể lưu trữ đầy đủ Bản giao hưởng số 9 của Beethoven.
8. Truyền hình cáp
Thập kỷ 80 đánh dấu kỷ nguyên của 3 nhà đài ABC, CBS và NBC. Trước đó, HBO đã lên sóng lần đầu vào cuối những năm 70, chỉ vài năm sau, CNN cũng tiếp bước lên sóng năm 1980 (Time Warner chính là công ty mẹ quản lý 3 kênh CNN, HBO và HLN).
Ngày càng nhiều các kênh giải trí xuất hiện trên tivi như MTV và Nickelodeon, tần suất các thành viên trong gia đình cùng ngồi xem tivi ngày càng ít đi. Bởi lẽ lựa chọn ngày càng phong phú, mỗi người đều có kênh yêu thích cho riêng mình, thậm chí mỗi người còn sở hữu một chiếc tivi cho bản thân.
9. Tivi cầm tay Sony Watchman
Chỉ 2 năm sau khi ra mắt thiết bị nghe nhạc cầm tay Walkman, năm 1982 Sony đã trình làng sản phẩm công nghệ mới – tivi cầm tay Watchman. Với màn hình hiển thị trắng đen 2 inch và giá bán lẻ 350 USD (~ 850 USD thời điểm năm 2015), thiết bị này đã trải qua nhiều lần nâng cấp với gần 70 phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, cái bóng thành công của Walkman quá lớn khiến sản phẩm này không thực sự tạo được tiếng vang, một phần là do số lượng kênh truyền hình thời điểm bấy giờ quá ít. Năm 2000, Watchman chính thức vắng bóng trên thị trường công nghệ.
10. Đồ chơi Speak & Spell
Sắc đỏ cam cùng với tay cầm đặc trưng khiến món đồ chơi “học nói và đánh vần” Speak & Spell này không lẫn vào đâu được. Một trong những thiết bị giáo dục - máy đồ chơi Speak & Spell của Texas Instruments chính là hình mẫu của LeapPad (một loại máy tính bảng cho trẻ em) ngày nay. Ra mắt lần đầu năm 1978, loại đồ chơi này đã có những bước tiến đáng kinh ngạc ở những năm sau đó. Thừa thắng xông lên, đồ chơi Speak & Read và Speak & Math cũng lần lượt ra đời. Nếu một đứa trẻ thiên về khả năng giao tiếp, thành thạo nói, đọc và đánh vần nhưng không thể kết hợp khả năng nói và tính toán thì cũng không sao vì đã có Speak & Math. Những ai đã từng dùng dòng sản phẩm này hẳn không thể nào quên chức năng tích hợp âm thanh và giọng nói đã làm nên thương hiệu trong quá khứ.
11. Gấu Teddy Ruxpin
Seth MacFarlane chia sẻ rằng Teddy Ruxpin chính là nguồn cảm hứng chủ đạo cho “Ted” sau này. Teddy Ruxpin có khả năng ca hát và đọc truyện cho trẻ em qua hệ thống máy ghi âm và loa được gắn bên trong. Ngoài ra, mắt và miệng chủ gấu bông này còn có thể cử động được.
Không đơn thuần là một món đồ chơi, chú gấu sinh năm 1985 này đã góp phần làm giàu vốn từ vựng của nhiều đứa trẻ thời bấy giờ. Đến với thế giới của chú gấu Teddy Ruxpin, các bé như lạc vào một thế giới với những chuyến phiêu lưu cùng những người bạn như Newton Gimmick và Grubby. Một số hành trình phải kể đến như săn tìm kho báu, lạc trong rừng và tự thu nhỏ mình trong thế giới côn trùng.
12. Máy ảnh Kodak Fling
Năm 1987, Kodak trình làng dòng sản phẩm máy ảnh dùng 1 lần (disposable camera) với giá 7 USD. Loại máy ảnh sử dụng phim cuộn này chính là sản phẩm chủ lực giúp hãng trụ lại trên thị trường hơn 15 năm. Nếu như chẳng may đang trên đường tới sân bay và phát hiện ra mình quên mang chiếc máy ảnh, bạn vẫn có thể dừng xe lại mua vài cái khác.
Chắc chắn rằng đối với những ai tốt nghiệp trong khoảng những năm 80, 90 thế kỷ trước vẫn nhớ như in cảnh tượng trước mặt là cả đống máy ảnh vàng vàng xinh xắn với âm thanh đặc trưng và vị trí cuộn film đặt ngay chính giữa có thể dễ dàng quan sát thấy.
13. Máy cảm ứng vỗ tay The Clapper
Chúng ta thường thấy trên TV xuất hiện loại công tắc cảm ứng âm thanh và không nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ có mặt trong ngôi nhà của mình. Theo những gì quảng cáo, bạn chỉ cần hô lệnh rồi vỗ tay và chúng sẽ bật/tắt như ý.
Cách lắp đặt cũng đơn giản không kém: Cắm máy này vào ổ điện trên tường, cắm nhiều nhất 2 thiết bị vào ổ cắm trên máy và khi nghe tiếng vỗ tay thì nó sẽ tự động chuyển sang trạng thái bật/tắt. Thuận tiện thì ít mà để "ra oai" thì nhiều, nhưng ít ra bạn vẫn có thể sử dụng thiết bị này để bật/tắt đèn theo ý muốn thay vì phải đi lại mất công.
Tham khảo: HLNTV
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon