Họ không biết rằng, cái bã mà họ vứt ra 10.000 năm sau lại có thể cho chúng ta phục dựng lại sự sống và làn sóng di cư của xã hội tiền sử sau Kỷ băng hà.
Huswise-Kiev là một vùng đất ở phía tây Thụy Điển. Khoảng 10.000 năm trước, vùng đất này bị chiếm đóng bởi bộ tộc người sống chủ yếu bằng hoạt động săn bắn và câu cá. Không một ai biết những người tiền sử này là ai, họ đến từ đâu và sinh sống như thế nào, khi lớp băng dày 4km của Kỷ băng hà bắt đầu tan đi.
Năm 1990, các nhà khảo cổ học nhặt được một vài bã kẹo cao su từng nằm trên những lớp băng vĩnh cửu đang tan ở Huswise-Kiev. Tất nhiên đó không phải bã kẹo Doublemint, mà là một loại kẹo cao su làm từ vỏ cây bạch dương, thứ mà có lẽ những người sống ở thời đồ đá giữa từng rất thích.
Điểm đặc biệt trên bã kẹo mà các nhà khoa học tìm thấy, đó là nó vẫn còn in lại rõ ràng dấu vân tay, dấu răng và có lẽ cả phân tử nước bọt của họ. Từ những bằng chứng còn sót lại, nhà khảo cổ học Natalija Kashuba đến từ Đại học Uppsala gần đây đã phục hồi được mẫu DNA trên bã kẹo.
Bây giờ, chúng ta biết rằng khoảng 10.000 năm về trước, đã có hai người phụ nữ và một người đàn ông ngồi trên bãi biển Thụy Điển cổ đại nhai kẹo cao su. Họ bận rộn với cuộc sống đến nỗi không biết rằng, cái bã mà họ vứt ra 10.000 năm sau, lại có thể cho chúng ta một cánh cửa sổ để phục dựng lại sự sống và làn sóng di cư của xã hội tiền sử sau Kỷ băng hà.
Các nhà khoa học tìm thấy 3 bã kẹo cao su của người tiền sử
Hai nhóm người săn bắn hái lượm gặp nhau ở Thụy Điển
Vỏ cây bạch dương, giống như sáp và nhựa chảy ra từ nhiều loại cây khác nhau trên thế giới, tạo ra một loại kẹo cao su được những người tiền sử ưu thích. Khi được nhai kỹ, chúng sẽ mềm ra và có vị ngọt. Người tiền sử cũng biết cách tận dụng bã kẹo sau thú vui của mình, như một loại keo dán để sửa chữa đồ gốm bị nứt, dính xương và đá để tạo thành công cụ hữu ích.
Dường như đây chính là điều mà người ở Huswise-Kiev đã làm. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Thụy Điển nhiều công cụ dính bằng vỏ cây bạch dương bị bỏ lại. Nhưng chúng dường như có phong cách thiết kế khác nhau, thuộc về 2 bộ tộc người khác nhau.
Có vẻ như hai nhóm người di cư đã hội tụ ở bán đảo Scandinavia khi Kỷ băng hà kết thúc . Một nhóm di cư từ Tây Âu về phía Bắc, trong khi nhóm còn lại di cư từ vùng đồng bằng của nước Nga ngày nay về phía tây nam.
Hai nhóm người có cách chế tạo công cụ bằng đá độc đáo của riêng họ. Các dấu vết của những công cụ còn sót lại này đã cho phép các nhà khảo cổ tái hiện lại được con đường đi, đồng thời phân biệt các đặc điểm khác nhau của họ.
Ví dụ, những người đến từ Nga đã mang đến một công nghệ gọi là "đẽo áp lực", sử dụng một cây gậy nhọn hoặc xương để đẽo phần rìa một viên đá nhằm tạo ra một lưỡi rìu sắc bén. Theo thời gian, công nghệ đẽo áp lực của nhóm người phía đông đã được nhóm người phía tây học tập và bắt chước lại.
Không biết khi hai quần thể săn bắn hái lượm này gặp nhau ở Scandinavia, họ có chiến đấu để chống lại nhau hay không. Nhưng cuối cùng, bằng chứng cho thấy cả hai đã sống hòa hợp, họ kết hôn và sinh con với nhau, tạo ra sự pha trộn giữa các nhóm gen trong quần thể mới được các nhà nhân chủng học gọi là Scandinavian Hunter-Gatherers.
Bức tranh toàn cảnh này vẫn còn in lại mờ nhạt trong DNA của những người tiền sử sống ở Huswise-Kiev, khoảng vài trăm năm sau khi hai tộc người hội tụ tại đây. DNA được tìm thấy trong bã kẹo cao su là mẫu DNA lâu đời nhất tại Scandinavia, và nó sẽ làm sáng tỏ điều gì xảy ra trong quãng thời gian khi những quần thể này lần đầu tiên chạm trán nhau.
Cách những người Scandinavia dùng kẹo cao su từ vỏ bạch dương để làm công cụ
Tái hiện lại cuộc sống của tổ tiên, từ những mẩu bã kẹo
Khi Kashuba và các đồng nghiệp của cô so sánh DNA từ ba mẩu kẹo cao su mà họ tìm được, với cơ sở dữ liệu DNA cổ từ các địa điểm khác ở Châu Âu, hóa ra hai người phụ nữ và người đàn ông đã ăn kẹo cao su ở Huswise-Kiev có liên quan mật thiết với nhóm người săn bắn hái lượm Scandinavi, nhưng bộ gen của họ lại giống người Mesolithic từ Tây Âu hơn là từ Nga.
Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy DNA những người săn hái lượm ở Scandinavia, trong mối liên kết rõ ràng với các công cụ bằng đá mới. Nó cho thấy rằng người dân ở Scandinavia 10.000 năm trước đã sử dụng phương pháp đẽo đá hiện đại hơn rất nhiều so với quần thể còn lại ở Đông Âu.
Nó cũng cho thấy rằng Châu Âu không phải cái nôi duy nhất của công nghệ thời đồ đá. Khi những người tiền sử di cư từ phương đông, cụ thể là từ Nga sang, họ cũng sở hữu những công nghệ tuyệt vời. Hai nhóm người gặp nhau không chỉ trao đổi gen với nhau, mà còn cả những công nghệ giúp cuộc sống của họ cùng phát triển.
Ở quy mô nhỏ hơn, các mẫu DNA trong 3 bã kẹo còn tiết lộ một số điều về cuộc sống và văn hóa của con người ở thời điểm 10.000 năm trước. Dấu răng trong bã kẹo là răng sữa, cho thấy việc chế tạo công cụ bằng đá không hoàn toàn là công việc của người lớn. Hai trong số 3 mẫu gen là của phụ nữ, cho thấy việc chế tạo công cụ cũng không phải là một công việc của riêng nam giới.
Nơi bã kẹo cao su của người Scandinavi tiền sử được tìm thấy
Trong dòng chảy phát triển của công nghệ giải trình tự DNA, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy gen của người cổ xưa ở nhiều địa điểm đáng ngạc nhiên. Đầu năm nay, một ống đất sét dùng để hút thuốc cũng đã tiết lộ bộ gen của một người phụ nữ nô lệ từng sống ở Maryland.
Kashuba và các đồng nghiệp của cô nói rằng kẹo cao su, nhựa cây và các vật liệu tương tự có ở khắp nơi trên thế giới là một nguồn DNA người tiền sử được bảo tồn tốt, ngay cả ở những nơi xương của họ không còn tồn tại.
Đó sẽ là những bằng chứng vô giá cho chúng ta, những người hiện đại nhìn vào để phục dựng lại cuộc sống đã từng diễn ra của tổ tiên mình.
Tham khảo Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Bị chê mặt già hốc hác, triệu phú 47 tuổi tiêm mỡ lên mặt để trẻ lại tuổi 18 và cái kết không còn ai nhận ra
Cuối cùng, các bác sĩ đã tư vấn cho anh ấy một "liệu pháp" đơn giản hơn, đó là ăn nhiều để béo lên.
Trải nghiệm JBL Tour Pro 3 mới: Quá nhiều tính năng, hộp sạc cảm ứng tiện lợi hơn, đắt nhưng xắt ra miếng