10.000 năm trước, con người biết cách nấu chín đồ ăn và điều đó đã giúp chúng ta tiến hóa cao hơn bất cứ loài động vật nào khác
Trái ngược với những gì từng phát hiện, nghiên cứu mới đây cho thấy, người cổ đại chủ yếu ăn các loại trái cây, ngũ cốc và cỏ, lá thay vì thịt thà cá mú như bây giờ.
Thời kỳ đồ đá, con người chủ yếu sống nhờ vào săn bắn thú rừng và hái lượm. Vậy nên, chúng ta đều mường tượng trong đầu về bữa cơm của người cổ đại lúc nào cũng có thịt nướng trên bếp.
Giới khảo cổ học phát hiện các loại ngũ cốc, rau củ quả chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn của người cổ đại sống ở sa mạc Sahara.
Nhưng sự thật lại không như vậy. 10.000 năm trước, tổ tiên của chúng ta chủ yếu ăn rau quả và ngũ cốc, từ đó góp phần làm thay đổi nền văn minh nhân loại. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều lý thú này dựa vào kết quả phân tích hóa học của khoảng 110 mảnh gốm được tìm thấy ở sa mạc Sahara, khu vực thuộc địa phận của Libya. Nơi đây từng có khí hậu ẩm ướt với đầy đủ hồ nước, động vật đa dạng và thảm thực vật tươi tốt.
Địa điểm khai quật số đồ gốm kể trên là hang động Uan Afuda và một khu vực bằng đá có tên Takarkori. Cả hai từng xuất hiện dấu vết của con người vào khoảng thời gian từ 8.200 - 6.400 trước Công nguyên, sau khi gốm chịu nhiệt được phát minh tại châu Phi (10.000 năm trước, người châu Á cũng độc lập phát minh ra gốm 4.000 năm trước). Từ những gì thu thập được, chúng ta phát hiện ra sự thay đổi quan trọng liên quan tới việc nấu ăn và chế biến rau bằng vật dụng làm bằng đất sét.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Nature Plants, nhóm nghiên cứu cho biết, 54% nguồn thức ăn của người cổ tại đây có nguồn gốc thực vật, phần còn lại bao gồm chất béo động vật hoặc sản phẩm hỗn hợp gồm cả thực vật lẫn động vật.
Đây là lần đầu tiên, thế giới phát hiện ra lượng thực vật chiếm áp đảo trong khẩu phần ăn của người cổ từ những đồ gốm khai quật được. Nhóm nghiên cứu tìm thấy các loại ngũ cốc, trái cây, cả lá và thân cây. Dường như phần lớn chúng được thu lượm từ các con sông, ao hồ, một số khác là loại sống trên đất khô.
Phát hiện thú vị nữa là, người cổ đã sử dụng đồ gốm vào nhiều mục đích khác nhau, từ đựng ngũ cốc để chế biến cho tới việc nấu nướng. Món ăn cũng khá đa dạng, như bánh mì, món hầm, thậm chí cả xirô.
Ảnh vẽ trên hang đá ở châu Phi cảnh người cổ đi hái lượm các loại cây, lá
Nhà khảo cổ học Rana Özbal từ trường Đại học Koc (người không tham gia vào nghiên cứu) cho biết, tổ tiên chúng ta thời kỳ đồ đá đã biết thả những viên đá nhiệt độ nóng vào nồi gốm để làm ấm thức ăn. Nhà bếp được làm hoàn toàn bằng gốm chịu nhiệt. Điều này cho phép con người đa dạng hóa nguồn thực phẩm, bao gồm những thứ không thể ăn trực tiếp.
Người cổ sống ở sa mạc Sahara đại diện cho sự thay đổi lớn của nhân loại. Khi có thể ăn nhiều loại thực vật, con người có thể định cư ở một nơi và bắt đầu hướng tới chăn nuôi. Cuộc sống đỡ bấp bênh, phụ nữ có điều kiện sinh thêm nhiều con cái vì chúng được cai sữa sớm nhờ thức ăn nấu chín và khả năng sống sót của chúng cao hơn.
Lối sống ít vận động mà hầu hết chúng ta đang thực hiện ngày nay đã bắt đầu từ các hang động như ở Uan Afuda nhờ kỹ thuật nấu ăn mới. Nói cách khác, việc có thể ăn nhiều loại rau trở thành nền tảng để phát triển nền văn minh nhân loại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon