Trí tuệ nhân tạo trong công nghệ giao hàng

    Quang Vũ,  

    Có nhiều lí do để tin rằng bây giờ là thời điểm chín muồi để áp dụng trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence (AI) cho lĩnh vực logistics.

    Người ta lần đầu tiên nhắc tới AI vào năm 1956 bởi một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth, Mỹ. Kể từ đó, trí tuệ nhân tạo luôn thường trực trong trí tưởng tượng và là chủ đề bàn luận sôi nổi của nhiều phòng thí nghiệm. AI đã đi những bước chập chững đầu tiên, từ chatbot đầu tiên được MIT phát minh vào năm 1964, đến Siri của Apple vào năm 2011 và gần đây robot AlphaGo của Google đã đánh bại kiện tướng cờ Go thế giới Lee Sedol năm 2016.

    AI có mặt rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày tới mức nhiều người thậm chí còn không nhận ra mình đang song hành với trí tuệ nhân tạo. Từ thuở AI sơ khai như các phần mềm chơi game với máy tính, đến các dạng AI cấp tiến hơn như nhận diện khuôn mặt trên mạng xã hội, con người đang tiến dần đến một tương lai tiện lợi và phong phú hơn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Dần dần, từ việc đáp ứng các nhu cầu tiêu khiển đơn giản, AI đi vào các công xưởng và đang tiến tới việc phục vụ sản xuất của con người.

    Trí tuệ nhân tạo trong công nghệ giao hàng - Ảnh 1.

    Trí tuệ nhân tạo có mặt rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày (Nguồn: Internet)

    Giống như nhiều ngành dịch vụ khác, có rất nhiều lí do để tin rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để ngành vận tải giao hàng nắm lấy AI. Chưa bao giờ công nghệ này lại dễ tiếp cận với giá cả phải chăng như vậy. Điều này khiến AI không còn là điều gì xa vời của thế giới, đây là công nghệ đã và đang được thực hiện tại Việt Nam.

    Lĩnh vực giao hàng với đặc thù vận hành dựa trên một mạng lưới thông tin khổng lồ, là một lĩnh vực lý tưởng cho việc phát triển và nhân rộng AI. Sự sống còn của công ty logistics phụ thuộc vào mạng lưới thông tin này, dưới vô số áp lực về lợi nhuận, sử dụng vốn hợp lý và thời gian xử lý hạn hẹp. Trí tuệ nhân tạo có thể tổng hoà và điều phối mạng lưới này một cách nhịp nhàng đến một mức độ hiệu quả không thể đạt được chỉ bằng suy nghĩ con người. Với AI, ngành công nghiệp logistics có khả năng định vị lại hành vi tiêu dùng, tăng năng suất dây chuyền, dự báo xu hướng thị trường, và trên hết, đưa dịch vụ chuẩn hoá lên một nấc thang mới – được tùy chỉnh hợp lý cho mỗi khách hàng.

    Theo đánh giá của báo cáo năm 2018 về áp dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành logistics của IBM và DHL, AI có thể được ứng dụng trong hầu hết các khía cạnh của một chuỗi cung ứng – từ xử lý và khai thác dữ liệu, phân tích hệ thống đến tự động hoá dây chuyền. Báo cáo này cũng cho hay, trong tương lai các công ty quyết định không áp dụng AI sẽ có nguy cơ lỗi thời, khi các đối thủ cạnh tranh đã kịp nắm bắt và sử dụng hiệu quả AI trong kinh doanh của họ.

    Ở Việt Nam, Ship60 là một trong số ít đơn vị hiện đang áp dụng trí tuệ nhân tạo vào dịch vụ giao hàng. Startup giao hàng công nghệ này được xây dựng bởi các kĩ sư Việt Nam từng có thời gian làm việc lâu năm với các công ty logistics lớn trên thế giới. Ship60 đang áp dụng AI ở nhiều khâu quan trọng như phân tích lộ trình vận chuyển và kiểm soát hệ thống thông tin. Với AI và sự hỗ trợ của Big Data, ứng dụng giao hàng của Ship60 có khả năng phân tích và gợi ý lộ trình vận chuyển tối ưu nhất, tiết kiệm thời gian cho shipper và khách hàng. Theo ông Trần Huỳnh Huy Phương – Giám đốc sản phẩm của Ship60 cho biết: "Điều này có thể đạt được qua việc xây dựng thuật toán AI, dữ liệu đầu vào là các quy trình vận hành đã được chuẩn hóa bằng kinh nghiệm và trí óc con người, các dữ liệu về thời tiết, tình trạng giao thông, v.v."

    Sau mỗi gói hàng được vận chuyển đến tay người nhận, toàn bộ dữ liệu của việc vận chuyển gói hàng như lộ trình, thời gian giao hàng, thời tiết hay tình trạng giao thông lại được ghi nhận vào hệ thống. So với mô hình giao hàng truyền thống, sử dụng AI tiết kiệm được một lượng thời gian vô cùng lớn – nhờ đó mà Ship60 cũng là một trong những startup đầu tiên tự tin với con số 60 phút – một con số giao hàng thần tốc trong hai năm trở lại đây khi nhiều dịch vụ giao hàng chỉ mới dừng lại ở giao hàng trong ngày.

    Với mô hình truyền thống, nhân lực của 100, hay 1000 người cũng sẽ không đủ hiệu quả để xây dựng dịch vụ riêng cho từng khách hàng. Ứng dụng AI và Big Data, doanh nghiệp giao hàng công nghệ như Ship60 có thể xây dựng một mô hình ‘tailor-made’, may đo cho mỗi khách hàng – và đó cũng là đích đến được dự báo cho ngành công nghiệp logistics, khi dịch vụ không dừng lại ở việc áp dụng hàng loạt cho số đông mà tiến tới dịch vụ cao cấp, phục vụ cho từng cá nhân – ông Phương kết luận.

    Trí tuệ nhân tạo trong công nghệ giao hàng - Ảnh 2.

    Ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp giao hàng (Nguồn: Ship60)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ