Sao chổi Lovejoy vừa bay, vừa "nhả" rượu và đường

    Nova,  

    Khi sao chổi Lovejoy bay đến gần Trái Đất vào tháng 1/2015, các nhà khoa học ở Đài Thiên văn Paris, Pháp, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nó có chứa C2H5OH - ethyl alcohol và CH2OHCHO - glycolaldehyde, hai thành phần của rượu và đường.

    Nếu con người có thể hạ cánh và sinh sống trên sao chổi thì Lovejoy (số hiệu C/2014 Q2) sẽ là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khi các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngôi sao này giải phóng một lượng rất lớn cồn và đường trong quá trình di chuyển của nó. Khi sao chổi Lovejoy bay đến gần Trái Đất vào tháng 1/2015, các nhà khoa học ở Đài Thiên văn Paris, Pháp, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nó có chứa C2H5OH - ethyl alcohol và CH2OHCHO - glycolaldehyde, hai thành phần của rượu và đường.

     HÌnh ảnh của sao chổi Lovejoy C/H2014 Q2 vào tháng 2/2015.

    HÌnh ảnh của sao chổi Lovejoy C/H2014 Q2 vào tháng 2/2015.

    Công trình nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học Nicolas Biver được công bố hôm 23/10, trong đó liệt kê 21 phân tử hữu cơ được tìm thấy trên sao chổi Lovejoy. Đường và rượu là những phân tử chưa hề được phát hiện trên bất cứ sao chổi nào trước đây. "Chúng tôi phát hiện ra rằng sao chổi Lovejoy giải phóng lượng rượu tương đương 500 chai mỗi giây trong giai đoạn hoạt động mạnh nhất", ông Biver cho biết. Tại thời điểm đó, Lovejoy đang giải phóng nước với tốc độ 20 tấn/giây, NASA cho biết. Vị trí tương đối gần Mặt Trời khiến cho ngôi sao chổi bị đốt nóng này giải phóng nhiều loại khí khác nhau. Các nhà khoa học đã tận dụng cơ hội này để tìm hiểu xem trong đó có những phân tử nào.

    Sao chổi là tàn tích của các ngôi sao và hành tinh hình thành từ hàng tỷ năm trước đây, khi hệ Mặt Trời mới xuất hiện. Bởi vậy, các nhà khoa học cho rằng những sao chổi này là bằng chứng về lịch sử sơ khai của hệ Mặt Trời. Theo các nhà khoa học, những sao chổi lang thang trong vũ trụ có chứa nhiều phân tử hữu cơ phức tạp. Họ đưa ra giả thuyết rằng chúng đã mang những phân tử này xuống hành tinh của chúng ta khi va chạm với Trái Đất hàng tỷ năm trước.

     Nicolas Biver - người phát hiện sao chổi Lovejoy chả khác gì 1 quán bar với hàng trăm lít rượu vang.

    Nicolas Biver - người phát hiện sao chổi Lovejoy chả khác gì 1 quán bar với hàng trăm lít rượu vang.

    "Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng sao chổi chứa những thành phần hóa học phức tạp. Khoảng 3,8 tỷ năm trước, khi nhiều sao chổi và thiên thạch đang oanh tạc Trái Đất và những đại dương đầu tiên xuất hiện, sự sống không thể khởi đầu một cách đơn giản với những phân tử như nước, khí CO hay N2O. Thay vào đó, sự sống phải là thứ gì đó phức tạp hơn ở cấp độ phân tử", nhà khoa học Stefanie Milam đến từ Trung tâm Phi hành Vũ trụ Goddard của NASA, đồng tác giả công trình nghiên cứu, nói.

    Những phân tử hữu cơ này là nền móng cho sự sống, nên việc phát hiện chúng trên sao chổi là một dấu hiệu đáng chú ý cho thấy sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ ngoài vũ trụ. Sao chổi Lovejoy sẽ tiếp tục hành trình trong vũ trụ và sẽ đến gần Trái Đất vào khoảng 8.000 năm sau. Sao chổi Lovejoy C/2014 Q2 được phát hiện bởi nhà thiên văn học nghiệp dư Terry Lovejoy vào ngày 17/8/2014, đây chỉ là 1 trong số 5 sao chổi khác nhau được anh phát hiện từ năm 2007. Tất cả đều được đặt tên là sao chổi Lovejoy và có số hiệu khác nhau.

     Terry Lovejoy, người phát hiện ra 5 sao chổi kể từ năm 2007.

    Terry Lovejoy, người phát hiện ra 5 sao chổi kể từ năm 2007.

    Sao chổi là một thiên thể bay ngoài không gian, nó gần như một tiểu hành tinh, nhưng không được cấu tạo từ đất đá mà chủ yếu là từ băng. Sở dĩ chúng có tên là sao chổi vì thường có hình thù kỳ dị, đầu nhọn, đuôi to giống một chiếc chổi quét nhà. Các nhà khoa học đã mô tả nó giống như “một quả bóng tuyết bẩn” vì nó chứa carbonic, metan, nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất. Một học thuyết nữa đặt ra đã bác bỏ thuyết gọi sao chổi là “sao” vì người ta cho rằng nó chỉ là một khối khí lạnh trong đó chứa đầy các mảnh vụn và bụi vũ trụ. Nó là “mẹ” của những vì sao băng rực sáng trên bầu trời, vì khi bị vỡ ra, nó sẽ tạo thành từng đám sao băng và bụi vũ trụ rơi vào khoảng không. Tùy thời điểm và vị trí bị vỡ của sao chổi, người ta có thể quan sát được những đám sao băng từ Trái Đất.

    Nghiên cứu của Cơ quan hàng không Châu Âu (ESA) cho rằng, sao chổi bắt nguồn từ đám mây Oort bên ngoài hệ mặt trời và là ranh giới giữa hệ mặt trời với các hệ hành tinh khác. Sao chổi chứa đựng các vật chất của thời kỳ khai sinh hệ mặt trời, do vậy chúng trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học để trả lời câu hỏi về quá trình tiến hóa của hệ mặt trời cũng như các hệ hành tinh khác trong vũ trụ. Đa phần các sao chổi có quỹ đạo elip rất dẹt, phân bố ngẫu nhiên ngoài không gian. Đuôi của sao chổi có được là do khi đi qua mặt trời (quỹ đạo hình elip của sao chổi có tâm là mặt trời), băng của sao chổi tan chảy tạo thành chiếc đuôi, nhưng cũng vì những chuyến ghé thăm rất gần mặt trời đó mà đuôi của sao chổi ngày càng ngắn đi do băng bị thất thoát.

    Không một hành tinh nào trong hệ mặt trời so sánh được với sao chổi về mặt thể tích. Nó gồm 3 phần: lõi chổi, sợi chổi và đuôi chổi. Lõi chổi cấu tạo bằng những hạt thể rắn đậm đặc, ánh sáng tỏa xung quanh là các sợi chổi. Lõi kết hợp với sợi tạo thành đầu chổi, còn đuôi không phải có ngay từ lúc hình thành sao chổi mà có được khi nó đi ngang qua mặt trời. Những cơn gió mặt trời đã thổi bạt các phân tử của sao chổi và tạo thành chiếc đuôi rực sáng phía sau, thậm chí có chiếc đuôi của sao chổi kéo dài hàng triệu km.

    Tham khảo Space, WashingtonPost, CNN, SmithsonianMagazine

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ