Phát hiện đáng chú ý: hành tinh giống Trái Đất đang quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời

    Dink,  

    Ứng cử viên cho sự sống phát triển này đặc biệt hơn những ngoại hành tinh đã được phát hiện ra trước đây ở nhiều điểm.

    Cách Trái Đất ba ngàn năm ánh sáng là Kepler-160, một ngôi sao giống Mặt Trời từng được cho là sở hữu 3 hành tinh nhỏ bay quanh quỹ đạo của nó. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học vừa chỉ ra khả năng tồn tại một hành tinh thứ tư nữa, và họ đặt tên cho nó là KOI-456.04.

    Hành tinh mới này có kích cỡ tương đương Trái Đất và bay quanh Kepler-160 với quỹ đạo tương tự khoảng cách giữa ta và Mặt Trời, điều đó khiến các nhà khoa học hy vọng đây lại là một ứng cử viên nữa trong danh sách những hành tinh có thể hỗ trợ sự sống. 

    Phát hiện đáng chú ý: hành tinh giống Trái Đất đang quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời - Ảnh 1.

    KOI-456.04 cho chúng ta lý do tìm kiếm những hành tinh có thể hỗ trợ sự sống quanh các ngôi sao giống Mặt Trời.

    Đa số những ngoại hành tinh (exoplanet - hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) ta đã khám phá ra xoay quanh sao lùn đỏ. Điều này không khiến khoa học ngạc nhiên, bởi lẽ sao lùn đỏ là những tinh cầu thường thấy trong Vũ trụ. Bên cạnh đó, cách thức phát hiện ngoại hành tinh của chúng ta xoay quanh việc phát hiện đường bay của hành tinh ngang ngôi sao - khi hành tinh bay qua mặt sao, lượng ánh sáng phát ra sẽ giảm đôi chút và từ đó, các nhà khoa học xác định được kích cỡ, quỹ đạo và nhiều thông tin khác về ngoại hành tinh đó. 

    Sao lùn đỏ không quá sáng, phát ra ít năng lượng và bức xạ hơn những ngôi sao khác, nên việc phát hiện hành tinh bay ngang dễ hơn đôi phần. Ngôi sao lùn đỏ nổi tiếng nhất có lẽ là Proxima Centauri (thuộc hệ Alpha Centauri cùng cặp sao Alpha Centauri A và Alpha Centauri B, Proxima Centauri cũng là ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất, cách ta chỉ 4,243 năm ánh sáng); quay quanh Proxima Centauri là một ngoại hành tinh có tên Proxima b, có tiềm năng duy trì sự sống.

    Tiếp tục nói về phát hiện mới. Trong báo cáo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Thiên văn và Vật lý Thiên văn hôm thứ Năm tuần trước, dữ liệu về ngoại hành tinh đang bay quanh Kepler-160 có những điểm đáng chú ý riêng. 

    Từ những gì các nhà thiên văn học quan sát được, KOI 456.04 lớn gần gấp đôi kích cỡ Trái Đất, bay quanh Kepler-160 ở khoảng cách tương tự Trái Đất với Mặt Trời, và hoàn thành quỹ đạo trong 378 ngày. Đây là điểm quan trọng nhất: KOI 456.04 nhận được khoảng 93% lượng ánh nắng mà Trái Đất nhận từ Mặt Trời, nằm trong khoảng cách đủ xa khỏi ngôi sao trung tâm để nước dưới dạng lỏng tồn tại trên bề mặt.

    Phát hiện đáng chú ý: hành tinh giống Trái Đất đang quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời - Ảnh 2.

    Nếu như Koi-456.047 có khí quyển tương tự Trái Đất, nhiệt độ bề mặt của nó sẽ khoảng 5 độ C; nhiệt độ không khí trung bình trên bề mặt Trái Đất là khoảng gần 15 độ C.

    Dữ liệu này rất đáng chú ý, bởi lẽ một trong những lý do khiến một ngôi sao lùn đỏ không hỗ trợ sự sống là lượng bức xạ tỏa ra từ nó, thứ có khả năng nướng chín bất cứ sự sống nào nhen nhóm hình thành cũng như bản thân hành tinh hứng chiu. Ngược lại, một ngôi sao tương đối lành như Mặt Trời - trên lý thuyết, cả ngôi sao Kepler-160 nữa - ổn định hơn nhiều, có tiềm năng hỗ trợ sự sống phát triển.

    Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra KOI-456.04 thông qua phân tích dữ liệu cũ có được nhờ kính viễn vọng Kepler. Họ áp dụng hai thuật toán mới để phân tích độ sáng phát ra từ Kepler-140, và nhờ đó xác định được ngoại hành tinh mới.

    Ở thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu cho rằng có 85% khả năng KOI-456.04 là một hành tinh thực thụ - một thiên thể phải đạt trên 99% khả năng mới được công nhận là một ngoại hành tinh. Để có được khẳng định 99% đó, các nhà thiên văn học cần tiếp tục theo dõi hệ sao này, và khi hai kính viễn vọng James Webb của NASA (dự kiến phóng vào 2021) và PLATO (dự kiến lên không vào 2026) chính thức đi vào hoạt động, ta sẽ có thể khẳng định KOI-456.04 có phải “anh em” với Trái Đất hay không.

    Tham khảo MIT Technology Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ