Đọc cuối tuần: Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2051, một khi phụ nữ không còn phải mang thai?
Phát triển những đứa trẻ bên ngoài tử cung người mẹ có thể khởi động một quá trình tiến hóa toàn toàn mới với con người.
Một đứa trẻ có thể được sinh ra mà không cần người mẹ mang thai hay không? Đó là câu hỏi thường trực trong đầu các nhà nghiên cứu Ectogenesis, một lĩnh vực khoa học mới nổi nhưng đã nhanh chóng vượt ra khỏi những ý tưởng trên giấy.
Công nghệ sinh sản, cụ thể là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đã phát triển đến độ giúp một đứa trẻ sinh ra mà không cần người cha thụ tinh trực tiếp. Nhưng IVF vẫn cần đến một người mẹ mang thai.
Ectogenesis, thuật ngữ đặt cho việc mang thai ngoài tử cung, là một bước tiến đột phá hơn nhiều, khi loại bỏ luôn vai trò mang thai của người mẹ. Nếu công nghệ này được phát triển thành công, con người chỉ cần đưa noãn bào và tinh trùng vào lồng ấp để tạo ra một đứa trẻ mới.
Hãy thử tưởng tượng đến một tương lai mà ở đó, những người phụ nữ không còn phải chịu đựng ốm nghén, không phải nghỉ thai sản và tất nhiên là không phải đau đớn và đôi khi mạo hiểm mạng sống để sinh con, mà vẫn có được những đứa trẻ bằng công nghệ Ectogenesis:
Một tương lai, khi những người phụ nữ không cần phải mang thai - Artez Product Design Arnhem.
Trong một tương lai giả định vào năm 2051, một cỗ máy có tên là Par-tu-ri-ent đã giúp cho cặp vợ chồng George và Martha mang thai đứa con đầu lòng của họ, Robin. Đó là một quá trình mang thai "rảnh tay", bởi đứa bé không thực sự ở trong bụng người mẹ. Như bạn có thể thấy, Martha vẫn có thể đi làm, sinh hoạt bình thường, thậm chí uống rượu.
Ý tưởng về một cỗ máy như Par-tu-ri-ent đã bắt đầu được nhen nhóm trong các ấn phẩm khoa học từ thập niên 1920. Tra ngược lại, thuật ngữ Ectogenesis - mang thai ngoài tử cung- lần đầu được đưa ra bởi John Burdon Sanderson Haldane, một nhà sinh lý và di truyền học người Ấn gốc Anh.
Haldane đề cập đến ý tưởng mang thai ngoài tử cung trong một tiểu luận có tên "Daedalus hay khoa học và tương lai". Từ năm 1923, ông ấy đã tự tin dự đoán con người sẽ phát triển thành công tử cung nhân tạo vào năm 2051. Đến năm 2073, tới 70% những đứa trẻ ở Anh sẽ được sinh ra nhờ công nghệ này.
Ý tưởng của Haldane trở thành một trong những nguồn cảm hứng để Aldous Huxley viết Brave New World vào năm 1932, kể về một thế giới tương lai phản địa đàng, trong đó những đứa trẻ giống hệt nhau được sinh ra từ một lò ấp tập thể siêu lớn giữa lòng London.
Hay một ví dụ gần gũi hơn là bộ phim Matrix của chị em nhà Wachowski năm 1999, kể về một thế giới bị trí thông minh nhân tạo kiểm soát. Trong thế giới ấy có những cánh đồng với hàng triệu tử cung dạng kén. Ngâm mình bên trong đó là những con người bị nhốt từ bé đến lớn, trong một thực tại ảo và chưa bao giờ thực sự được sinh ra.
Đến đây, bạn có thể nghĩ câu chuyện của chúng ta đã đi quá xa. Nhưng thực tế, tử cung nhân tạo không chỉ có trong các tác phẩm văn học và điện ảnh mang thiên hướng viễn tưởng. Công nghệ này đã và đang được hiện thực hóa ra khỏi những mảnh giấy nhàu nát của Haldane.
Sau gần một thế kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến đến một cột mốc gần nhất vào năm 2017, với 2 thí nghiệm nuôi thành công những con cừu sinh non trong một túi dịch sinh học gọi là EVE.
Túi EVE là một phiên bản tử cung nhân tạo đơn giản, chứa bên trong đó một loại dịch lỏng vô trùng tương tự như nước ối. EVE cho phép thai nhi, ở đây là những con cừu, hít thở qua dây rốn và hấp thụ được chất dinh dưỡng một cách tự nhiên.
Những con cừu sinh non ở ngày 105-115 của thai kỳ cừu - tương đương tuần thai thứ 23/39 của con người. Ở thời gian này, lẽ ra chúng không nên rời khỏi bụng mẹ khi chưa phát triển hoàn thiện hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng.
Điển hình là phổi, những con cừu non hoặc thai nhi quá bé không thể hít thở không khí một cách bình thường. Tới quá nửa chúng sẽ chết, và 90% những đứa trẻ sống sót thần kỳ sẽ lớn lên với những di chứng vĩnh viễn như bệnh phổi mạn tính.
EVE xuất hiện lúc này như một thiết bị hoàn hảo, giúp những con cừu hoàn thiện thai kỳ. Chúng được quan sát với những phát triển bình thường bên trong tử cung nhân tạo, có thể nuốt, cử động, mở mắt, mọc lông, và được sinh ra sau 1 tháng.
"Những em bé sinh non hiện nay rất cần một thiết bị, có vai trò trung gian giữa tử cung của người mẹ và thế giới bên ngoài", tiến sĩ Alan Flake, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bào thai tại Viện Nhi Philadelphia cho biết vào năm 2017.
"Hệ thống [tử cung nhân tạo] của chúng tôi có thể ngăn ngừa những bệnh nặng nguy hiểm mà trẻ sinh non phải đối mặt. Đây là một công nghệ y tế chưa từng có mặt ở thời điểm hiện tại".
Tiến sĩ Flake hứa trong vòng 5 năm, nhóm nghiên cứu sẽ tạo ra được một tử cung nhân tạo dành cho con người. Khi đó, nó sẽ được dùng để thay thế cho những chiếc lồng ấp, giúp cứu sống những đứa trẻ không may bị sinh non.
Hình ảnh con cừu non cựa quậy trong EVE khiến không ít người hình dung tới những chiếc kén trong Matrix. Thật vậy, thay thế những chiếc lồng ấp dành cho trẻ sinh non chỉ là một hướng phát triển của EVE.
Có một tranh luận cả về mặt y học, tâm lý lẫn đạo đức vào lúc này, đó là liệu chúng ta có nên phát triển công nghệ này thành những tử cung nhân tạo hoàn chỉnh hay không, để giúp một thai nhi ngay từ ban đầu đã không cần ở trong bụng một người mẹ.
Năm 2013, sau một năm hẹn hò trước khi cưới Kanye West, Kim Kardashian sinh cho chàng rapper da màu một cô con gái, North West. Trong thời gian mang thai đứa con đầu đời ở tuổi 33, các bác sĩ phát hiện ra Kim mắc chứng tiền sản giật và nhau cài răng lược - một tình trạng nguy hiểm xảy ra khi nhau thai xâm lấn và không thể tách khỏi thành tử cung.
Cả hai căn bệnh này đều có thể đe dọa tính mạng của Kim và đứa bé trong bụng. Tiền sản giật nếu không được theo dõi sẽ khiến huyết áp người mẹ tăng cao, co giật, suy giảm chức năng gan. Trong khi đó, nhau cài răng lược có thể dẫn đến băng huyết khi sinh với tỷ lệ tử vong không thể tránh khỏi (dù được chăm sóc y tế tốt nhất) là 7%.
Đó cũng là lý do mà North sinh thiếu tháng. Kim mô tả lại ngày cô chuyển dạ, gọi đó là trải nghiệm đau đớn nhất cuộc đời: "Các bác sĩ phải thò cả cánh tay vào người tôi, tách nhau thai ra bằng tay, cạo nó khỏi tử cung của tôi bằng móng tay của họ. Thật kinh khiếp và đau đớn! Mẹ tôi đã khóc, bà chưa bao giờ chứng kiến điều gì đó tương tự xảy ra với con gái mình".
Sau lần sinh North, Kim đã phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật nữa để loại bỏ các mô sẹo còn sót lại trong tử cung. Các bác sĩ cảnh báo cô ấy không nên mang thai nữa, nhưng tới năm 2015, Kim bất chấp, vẫn cố gắng sinh hạ cậu con trai Saint West.
Mặc dù đã được theo dõi y tế cẩn thận, tình trạng nhau cài răng lược một lần nữa gây ra biến chứng, nó khiến tử cung Kim bị thủng một lỗ. May mắn thay, cậu bé Saint đã chào đời khỏe mạnh. Có điều, khi các bác sĩ cố gắng phẫu thuật để làm lành tử cung cho Kim, họ thất bại.
Kim không thể mang thai đứa con tiếp theo được nữa, nhưng cả cô ấy và West đều muốn North và Saint có thêm những đứa em. Năm 2017, họ quyết định thụ tinh nhân tạo và đông lạnh phôi, một gái, một trai sau đó tìm người thích hợp để mang thai hộ.
Mang thai hộ là thủ tục cấy trứng đã thụ tinh của một cặp vợ chồng vào bên trong tử cung một người phụ nữ khác. Điều này cho phép đứa trẻ được sinh ra mang gen của cả bố lẫn mẹ, và chỉ "ở nhờ" 9 tháng trong bụng một người phụ nữ khác.
Thủ tục này hiện được chấp nhận ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, nếu mục đích mang thai hộ là nhân đạo. Nó cho phép những trường hợp như Kim có thể có con một cách an toàn, đảm bảo được cho tính mạng của cả người mẹ và đứa bé.
Năm 2018, Chicago, đứa con thứ ba của Kim và West đã ra đời nhờ mang thai hộ. Đầu tháng 5 năm nay, cặp vợ chồng cũng vừa chào đón đứa con út của mình, một bé gái tên Psalm cũng nhờ biện pháp này.
Sự thành công của phương pháp mang thai hộ đã chứng minh phần nào viễn cảnh vào năm 2051 của George và Martha. Một đứa con có thể được sinh ra bên ngoài cơ thể của người mẹ sinh học. Nó thực sự đã giúp West và Kim rảnh tay, vẫn có thể chạy show và tới các sự kiện trong quá trình Chicago và Psalm lớn lên trong bụng một người phụ nữ khác.
Nhưng điều quan trọng nhất mà kỹ thuật sinh sản này làm được, đó là nó đã cứu mạng sống của Kim và chính đứa bé, nếu cô ấy tiếp tục mang thai khi mắc tiền sản giật và nhau cài răng lược.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 29.000 ca tử vong vì tiền sản giật. Tổng hợp tất cả các biến chứng trong khi mang thai và chuyển dạ đẩy con số lên tới 350.000 - 500.000.
Những cái chết này mới chỉ tính riêng cho những người mẹ, chưa kể đứa trẻ có tử vong hay không, hoặc phải đối mặt với những tình trạng sức khỏe nào nếu sinh thiếu tháng.
Những nhà khoa học ủng hộ công nghệ tử cung nhân tạo Ectogenesis lập luận rằng, chúng ta có thể cải thiện tất cả những con số khủng khiếp này, nếu phát triển EVE - từ một bao nylon chứa dịch lỏng trở thành một cỗ máy sinh con thực sự.
Điều đó sẽ cho phép những cặp đôi như Kim và West trong tương lai không còn phải mạo hiểm sinh mạng của chính mình, hay đẩy nguy cơ đó sang một người phụ nữ khác để có con một cách chính đáng..
"Niềm tin xã hội trong tương lai sẽ tiến đến quan niệm: Mang thai - đặc biệt là quá trình chuyển dạ sinh con - là một hoạt động rất phức tạp và đầy tính rủi ro", Matt Chessen, một tác giả khoa học viết trên Wired.
"Tạo ra một đứa trẻ bên trong một con người khác là việc nguy hiểm. Sức khỏe của đứa trẻ bị phụ thuộc vào sự an toàn về thể chất của người mẹ, khi người mẹ ấy vẫn phải hoạt động trong thế giới của mình. Thai nhi dễ bị nhiễm trùng, không được chăm sóc dinh dưỡng và nhiều mối đe dọa khác".
Vậy giải pháp là gì, thay vì ký hợp đồng với một người phụ nữ đẻ thuê, tại sao không làm điều đó với một "nhà máy sản xuất em bé", với những lồng ấp và tử cung bằng máy có thể nuôi nấng phôi thai sẵn có của bạn, cho đến khi chúng trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh?
Những đứa bé sẽ được giữ trong bể nước ối trong suốt, với một ống cho ăn và cung cấp oxy qua rốn, các dây cáp để theo dõi mọi chỉ dấu sinh học trong cơ thể bé nhỏ ấy, đảm bảo nó phát triển một cách hoàn hảo.
Mọi nhịp đập trong tim, mọi cú đạp chân vào thành bể, mọi khoảnh khắc về sự sống của thai nhi đều được ghi lại cẩn thận, để chăm sóc đứa trẻ một cách tốt nhất, từ lúc nó còn là một hợp tử cho đến thời khắc chào đời.
Đặt sự an toàn và sức khỏe của thai nhi, cũng như của các bà mẹ lên hàng đầu - các bác sĩ có thể là những người đầu tiên vui mừng nếu công nghệ tử cung nhân tạo được phát triển thành công. Nhưng họ sẽ không phải người duy nhất.
Từ năm 1985, một số triết gia như Peter Singer đã bắt đầu nghĩ đến chuyện giải phóng những người phụ nữ khỏi áp lực sinh sản. "Tôi nghĩ phụ nữ sẽ được giúp đỡ, thay vì bị làm tổn thương, bởi sự phát triển của một công nghệ giúp họ có con mà không cần mang thai", ông ấy nói.
Tầm nhìn của Singer nhắc lại ý kiến của Shulamith Firestone, một nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ vào năm 1970: "Một khi chúng ta giải phóng được những người phụ nữ khỏi sự chuyên chế sinh học liên quan đến sinh đẻ, họ mới đạt tới được sự bình đẳng hoàn toàn so với nam giới".
Trong quá khứ, đàn ông đã từng thống trị đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và cả khoa học. Nhưng ngày nay, chúng ta đã bắt đầu có nhiều hơn những nữ bác sĩ, nữ luật sư, nhà khoa học, kỹ sư và cả chính trị gia là nữ giới.
Khi những người phụ nữ thông minh hơn, có trình độ học vấn tốt hơn và độc lập hơn, việc mang thai trở thành một chi phí cơ hội quá lớn (họ mất tiền lương, mất năng suất lao động, mất cơ hội học tập, thăng tiến). Hiếm khi những người phụ nữ đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp nếu họ vướng bận vào chuyện làm mẹ.
Tử cung nhân tạo rõ ràng có thể dẫn tới một sự bình đẳng giới tuyệt đối trong tương lai. Theo thời gian, công nghệ này có thể phá hủy hệ thống phân cấp giới tính trong xã hội hiện tại.
Chúng ta sẽ có những hội đồng quản trị, những đảng phái chính trị với tỷ lệ giới tương đương nhau, khi những người phụ nữ đặt được gánh nặng mang thai và sinh con vào một chiếc lồng ấp.
Ngay cả ở phía ngược lại, một số phụ nữ có thể khao khát có con trong thời điểm này nhưng không thể. Điều này cho thấy tử cung nhân tạo đang là một nghiệm chung cho rất nhiều bài toán.
Chúng ta đang nói đến những người phụ nữ chuyển giới hay các cặp đôi đồng tính nam, họ hoàn toàn có thể có con nếu có tử cung nhân tạo và chuyển được tế bào gốc phôi trong cơ thể thành tế bào trứng.
Một cỗ máy nuôi nấng những bào thai cũng sẽ là nghiệm cho bài toán nạo phá thai. Chúng ta công nhận quyền phá thai, cùng với luật pháp nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cho phép những bà mẹ chấm dứt thai kỳ của mình trước 22 tuần tuổi.
Nhưng nạo phá thai hiện đang làm nảy sinh những tranh luận về mặt đạo đức, tôn giáo và pháp lý dai dẳng, trong khi, 42 triệu trường hợp vẫn đang được thực hiện hàng năm trên thế giới. Sẽ là tốt đẹp hơn, nếu những thai nhi bé nhỏ bị từ bỏ này được rút ra lành lặn khỏi tử cung người mẹ, để đặt vào một cỗ máy có thể nuôi nấng chúng thành người?
Vậy là một cỗ máy chứa tử cung nhân tạo sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề: giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có con, kể cả những cặp đồng tính nam và người chuyển giới; cứu sống nửa triệu bà mẹ tử vong mỗi năm trong quá trình mang thai và sinh con; 42 triệu trẻ sơ sinh bị nạo phá trước khi chào đời; đem đến sự bình đẳng nam-nữ một cách tuyệt đối…
Nhưng cũng giống như khi bạn lo sợ về một tương lai như Matrix, những cỗ máy sinh con cũng đặt ra nhiều bài toán mới và phức tạp. Điều đáng lo ngại đầu tiên là liệu công nghệ này có phá hoại tình mẫu tử, thứ dường như đã bắt đầu từ quá trình mang thai hay không?
Charles Krauthammer, một nhà báo người Mỹ từng nêu vấn đề này trong một Hội nghị về Đạo đức sinh học:
"Tại sao chúng ta muốn và sẽ muốn một phôi thai phải được đặt vào bụng người mẹ? Một trong những lý do, đó là điều này sẽ tạo ra một kết nối bẩm sinh giữa đứa trẻ và người mẹ, người mẹ khi đó trở thành một người gắn bó và bảo bọc độc nhất cho đứa bé. Đó là bản chất của con người. Thậm chí nó còn là bản chất của tất cả động vật".
Một công nghệ như tử cung nhân tạo có thể cắt đứt tình mẫu tử, trong quan niệm của Krauthammer: "Một khi bạn đưa bào thai vào một cỗ máy trong tương lai, bạn sẽ tạo ra một sinh vật hoàn toàn độc lập và không được bảo vệ, mở ra con đường cho một thế giới mà chúng ta không muốn thấy với những con người bạo ngược, thiếu tự chủ và độc đoán".
Giáo sư Rosemarie Tong, một nhà đạo đức học hàng đầu tại Đại học Bắc Carolina đồng ý với điều đó: "Tôi nghĩ tử cung nhân tạo có thể biến toàn bộ quá trình mang thai thành một ngành hàng hóa. Khi chúng ta đem trải nghiệm mang thai ra khỏi cơ thể, những đứa trẻ sẽ lớn lên như một đồ vật".
Tử cung nhân tạo có thể làm suy yếu mối liên kết giữa cha mẹ và con cái nói chung. Bản chất của quá trình mang thai mang đến sự kết nối với thế hệ tiếp theo. Khi quá trình đó không xảy ra bên trong cơ thể người, sự gắn kết giữa các thế hệ sẽ trở nên mơ hồ và mong manh hơn rất nhiều.
Những gì giáo sư Tong lo ngại không chỉ dừng lại ở đó. Ông còn cho rằng việc mang các bào thai ra khỏi cơ thể người mẹ, nhìn thấy chúng trực tiếp trong lồng kính, sẽ thôi thúc khao khát tác động và cải tiến các thai nhi này.
Bản thân việc lựa chọn phôi để đưa vào những tử cung nhân tạo đã cho phép chúng ta lựa chọn được giới tính cho chúng. Ngày nay, các thao tác phẫu thuật tinh vi còn cho phép chúng ta thực hiện các thủ thuật ngay trên thai nhi còn ở trong bụng mẹ.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, khi những đứa trẻ ở ngay trước mặt chúng ta, chỉ cách qua một lớp kính? Liệu có một nơi nào đó, trong một lúc nào đó, sẽ có một nhà khoa học bị cám dỗ và muốn làm điều gì đó với đứa trẻ, biến nó thành siêu nhân bằng chỉnh sửa gen chẳng hạn?
Bản thân việc đưa một đứa trẻ ra khỏi bụng người mẹ đã có thể thay đổi toàn bộ cách loài người tiến hóa. Chúng ta biết rằng tử cung và xương chậu của người mẹ đã kìm hãm kích thước hộp sọ của chúng ta.
Trong một vài thế kỷ qua, khi kỹ thuật đẻ mổ được thực hiện nhiều và thường xuyên hơn, các nhà khoa học đã thực sự quan sát thấy hiện tượng tăng kích thước hộp sọ của thai nhi. Điều tương tự sẽ xảy ra nếu những đứa trẻ được phát triển trong một tử cung nhân tạo, và còn cả những hiện tượng nào thêm nữa? Chúng ta chưa biết chắc!
Không giống với hai đứa trẻ biến đổi gen đã thực sự ra đời ở Trung Quốc năm 2018, cho đến tận giờ phút này, chưa có một đứa trẻ nào có thể sống và được sinh ra đời từ một tử cung nhân tạo.
Nhưng có vẻ cũng giống như công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà khoa học đang lo ngại tử cung nhân tạo có thể ra đời sớm hơn dự định và làm bất ngờ nhân loại. Tiến sĩ Carlo Bulletti, một phó giáo sư sản phụ khoa đến từ Đại học Yale dự đoán: Một thiết bị đầy đủ chức năng để nuôi lớn những phôi thai sẽ xuất hiện trong vòng 10 năm tới.
Đó sẽ là một lồng kính có khả năng chống tia UV, chứa chất lỏng protein gelatin. Thai nhi sẽ sống trong tử cung nhân tạo này nhờ nguồn máu trích xuất từ chính người mẹ, được cung cấp oxy từ phổi nhân tạo và tuần hoàn bằng một quả tim máy, cũng như lọc máu với thận nhân tạo.
Tiến sĩ Bulletti cho biết cỗ máy này trước tiên sẽ được thử nghiệm với một động vật có kích thước thai nhi tương tự con người.
Trong khi tiến sĩ Alan Flake, người đã phát triển thiết bị EVE dành cho những con cừu, cho biết nhóm của ông đang tiến đến một thử nghiệm trên người vào năm 2023 hoặc 2024, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge đã có thể duy trì các phôi thai người sống trong ống nghiệm đến ngày thứ 13, thậm chí có thể lâu hơn nữa, nếu họ không chủ động phá hủy phôi thai này vì luật pháp không cho phép nuôi phôi người đến ngày thứ 14.
Từ bây giờ cho đến khi công nghệ tử cung nhân tạo được hoàn thiện, các nhà khoa học, đạo đức học và cả các nhà lập pháp sẽ phải tranh luận rất kịch liệt để giải quyết một loạt các câu hỏi:
Liệu tử cung nhân tạo có thể làm thay vai trò mang thai của người mẹ được hay không? Liệu nó có giúp phụ nữ đạt tới sự bình đẳng tuyệt đối so với đàn ông, hay ngược lại, khiến vai trò của họ trong xã hội bị lung lay?
Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ sinh ra từ một cỗ máy chứ không phải một người mẹ? Nếu trong quá trình chạy cỗ máy đó, một cặp vợ chồng ly hôn thì ai sẽ được quyền giữ đứa trẻ?
Liệu con người có phải đối mặt với những tương lai như Brave New World hay Matrix? Công nghệ tử cung nhân tạo có ảnh hưởng đến sự tiến hóa của chúng ta hay không?
Hơn 40 năm về trước, chúng ta cũng đã từng phải đặt những câu hỏi tương tự với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Từ đó đến giờ, hơn 5 triệu đứa trẻ đã được ra đời bằng công nghệ sinh sản này.
Vậy điều gì có thể xảy ra vào 40 năm nữa? Biết đâu dự đoán của Haldane lại thành hiện thực, chúng ta sẽ có 5 triệu đứa trẻ được sinh ra bên ngoài cơ thể những người phụ nữ vào những thập niên 60 và 70 của thể kỷ này?
Không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra ở một xã hội như vậy, nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ phải chuẩn bị trước cho rất nhiều xáo trộn sẽ xảy ra trong thời đại đó, khi những đứa trẻ không còn sinh ra từ bụng mẹ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hết đứng đầu ngành công nghệ và khám phá vũ trụ, Elon Musk giờ còn là game thủ Diablo IV số 1 thế giới!
Việc Elon Musk dành thời gian để phá kỷ lục trong một trò chơi như Diablo IV không phải là điều ngẫu nhiên
Trải nghiệm JBL Tour Pro 3 mới: Quá nhiều tính năng, hộp sạc cảm ứng tiện lợi hơn, đắt nhưng xắt ra miếng