Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa "Đại hồng thủy" của Michelangelo, đến bây giờ mới được phát hiện

    Thanh Long,  

    Một nhà khoa học đã soi kỹ hai bên bầu ngực của người phụ nữ trong bức "Đại hồng thủy" của Michelangelo, và phát hiện ra một ẩn ý của đại danh họa thời kỳ Phục Hưng, mà suốt 500 năm không ai để ý.

    Nếu từng có dịp đến thăm nhà nguyện Sistine ở Thành Vatican, chắc hẳn, bạn sẽ phải ấn tượng với bức bích họa khổng lồ trên trần nhà đó. Nó đã được danh họa người Ý Michelangelo sống ở thế kỷ 16 đích thân vẽ theo lệnh của Giáo hoàng Julius II.

    Michelangelo đã phải mất 4 năm, từ năm 1508 đến năm 1512 mới hoàn thành được đại tác phẩm này của mình.

    Trần nhà nguyện Sistine tái hiện lại tổng cộng 9 câu chuyện và 300 nhân vật trong Sách Khải huyền, từ Chúa tạo ra Adam, Adam và Eva, Vườn Địa Đàng cho đến trận Đại hồng thủy và con thuyền Noah.

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Có thể bạn đã biết đến bức họa này "Chúa tạo ra con người" của Michelangelo

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Nhưng đó chỉ là một trong số các phân cảnh của đại tác phẩm của Michelangelo, trên trần nhà nguyện Sistine.

    Trong suốt 500 năm qua, Trần nhà nguyện Sistine đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới và các nhà khoa học vẫn đang mổ xẻ vô vàn bí ẩn bên trong đại kiệt tác để đời của Michelangelo.

    Từng chi tiết của bức họa như cái chạm tay của Chúa, trái cấm của Eva, sự trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng đã được các nhà khoa học mang ra bàn luận về ý nghĩa triết học và tôn giáo có bên trong đó.

    Nhưng cũng vì quá tập trung vào hai khía cạnh này, mà họ đã bỏ quên một góc nhìn đặc biệt khác mà Michelangelo đã gửi gắm tinh tế trong bức họa. Đó chính là những kiến thức y học.

    Có một người phụ nữ vô danh đang hấp hối, cô ấy đã mắc phải bệnh gì?

    Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Breast, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Paris-Saclay, Pháp cho biết họ đã phát hiện ra một bí ẩn tồn tại trong suốt 500 năm trên Trần nhà nguyện Sistine mà không ai nhận ra.

    Đó là về một phụ nữ vô danh đang hấp hối, xuất hiện ở phía góc dưới bên trái của bức "Đại hồng thủy".

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Người phụ nữ ở góc trái bên dưới bức Đại hồng thủy này đang nắm giữ một bí mật.

    Người phụ nữ không mặc quần áo, ngồi bật trên mặt đất và chỉ trùm một mảnh vải xanh trên đầu – một biểu tượng cho sự ngoan đạo và cô ấy đã kết hôn. Giữa khung cảnh của trận Đại hồng thủy – khi hầu hết những người khác trong bức tranh đều khỏa thân – việc người phụ nữ được khắc họa như vậy không có gì đáng để chú ý đến.

    Thế nhưng, có một chi tiết mà các nhà khoa học ở Paris-Saclay đã để ý. Đó là hai bầu ngực của cô ấy được vẽ không đều. Đây không phải là một lỗi, mà thực sự là chủ đích của Michelangelo.

    "Sự tương phản của bầu ngực trái so với bầu ngực phải là rất rõ ràng", giáo sư Andreas G Nerlich, tác giả nghiên cứu, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử bệnh tật qua hội họa cho biết.

    "Mặc dù đã được cánh tay phải người phụ nữ nâng lên một chút, nhưng núm vú bên trái của người phụ nữ này lại thụt vào và biến dạng đáng kể. Da quầng vú của cô ấy cũng bị co lại, trong khi phần giữa có vẻ lõm vào.

    Da đầu vú bị lõm sâu và để lại một vết co giống như sẹo. Mặc dù không có vết loét nào được vẽ, nhưng ở góc phần tư phía trên đã có những vết lồi nhẹ trông giống như những cục u".

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Các nhà khoa học đã quan sát thấy sự bất thường khi nhìn vào hai bên bầu ngực của người phụ nữ.

    Đó là bằng chứng của bệnh ung thư

    Quay trở lại 500 năm về trước, Châu Âu thời kỳ Phục Hưng vốn là nạn nhân của rất nhiều dịch bệnh lớn nhỏ, mà hầu hết đã bị xóa sổ trong thế giới hiện đại ngày nay.

    Một trong số đó là bệnh lao hạch. Lao hạch đặc trưng bởi các khối u ở nách và đôi khi là cả ở vú của bệnh nhân, khi vi khuẩn lao lây lan ra khỏi phổi và tấn công mô vú qua đường máu hoặc hạch bạch huyết.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng trong trường hợp này, người phụ nữ không phải mắc lao vú. Vì bệnh nhân lao thường bị sút cân nghiêm trọng còn người phụ nữ trong ảnh trông không có vẻ gì là gầy gò.

    Thêm vào đó, các biểu hiện về khối u, vết sẹo và núm vú cho thấy đặc trưng của một căn bệnh khác nguy hiểm hơn, đó là ung thư vú.

    Giáo sư Nerlich cho biết bệnh ung thư vú đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử của không chỉ con người, mà cả các loài động vật có vú khác. Các mô bệnh phẩm ung thư vú sớm nhất đã được tìm thấy trên động vật sống từ kỷ Trias, nghĩa là cách chúng ta 200-250 triệu năm.

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Trong các tác phẩm khác của Michelangelo (1E 1F)), bầu ngực được mô tả một cách tròn trịa, đều đặn và khỏe mạnh.

    Mặc dù vậy, trong phần lớn lịch sử của loài người cho đến tận thời Phục Hưng, căn bệnh này đã bị lu mờ bởi các bệnh truyền nhiễm lây lan và giết người nhanh chóng hơn.

    Phải cho tới thời hiện đại, khi các tiến bộ y học của loài người, đặc biệt là việc phát hiện ra vi khuẩn, vắc-xin và các biện pháp vệ sinh dịch tễ, bệnh truyền nhiễm bị đẩy lùi thì con người mới chú ý đến nhiều hơn các bệnh không truyền nhiễm bao gồm ung thư.

    Mặt khác, bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh trong quá khứ cũng khiến tuổi thọ trung bình của con người cho đến thời kỳ Phục Hưng chỉ dừng lại ở dưới 40 tuổi. Nhiều người thường không sống đến tuổi để ung thư phát triển, nên những căn bệnh này thường hiếm khi được chú ý.

    Nhưng Michelangelo thì khác, ông đã có những quan sát rất tỷ mỉ về ung thư vú

    Các bằng chứng cho thấy Michelangelo đã biết tới sự tồn tại của ung thư vú từ rất sớm. Ngay từ năm 17 tuổi, ông đã theo các bác sĩ học về giải phẫu – thứ sau này giúp ông thể hiện được hình thể người một cách hoàn hảo trên những bức tượng, tác phẩm điêu khắc và hội họa của mình.

    Giáo sư Nerlich cho biết có thể trong khoảng thời gian học về giải phẫu này, Michelangelo đã gặp phải những bệnh nhân ung thư vú và bị ám ảnh bởi căn bệnh.

    Ung thư vú thông thường chỉ xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi, khác với vẻ ngoài trẻ trung của người phụ nữ trong bức Đại hồng thủy. Tuy nhiên ở vùng Tuscany ở Ý, nơi Michelangelo được sinh ra, các nhà khoa học đã tìm thấy một gen di truyền gọi là BRCA1 có thể khiến căn bệnh khởi phát sớm hơn, ngay cả ở phụ nữ trẻ.

    Trong một tác phẩm khác trước đó của mình, The Night, Michelangelo cũng từng điêu khắc một người phụ nữ với bầu ngực bị méo.

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Bức The Night của Michelangelo.

    Nhiều người khi nhìn vào đó cho rằng đây là một lỗi kỹ thuật của Michelangelo. Nhưng với trình độ của ông ấy, các nhà khoa học nghĩ rằng Michelangelo đã cố tình mô tả bộ ngực của một người phụ nữ ung thư vú.

    Người phụ nữ nằm khỏa thân trong tư thế đang ngủ, với một tấm vải che trên đùi, đội vương miện có hình trăng lưỡi liềm và một ngôi sao trên trán. Mặt cô ấy có che mạng, mái tóc rẽ ngôi phía trên và phía dưới được tết lại thành bím thả trên ngực.

    Gần cánh tay của cô ấy là một chiếc mặt nạ tượng trưng cho những giấc mơ lừa dối. Có một con cú dưới chân đang nhìn ra khoảng không biểu tượng cho màn đêm và một bó thuốc phiện ám chỉ giấc ngủ.

    Thêm vào đó, khuôn ngực không đều thể hiện cô gái bị ung thư vú và số phận hẩm hiu mà cô ấy phải chấp nhận.

    Ám chỉ đến 7 đại tội của loài người

    Có thể thấy, các tác phẩm nghệ thuật của thời kỳ Phục Hưng thường được "nhồi nhét" rất nhiều chi tiết. Nhưng bất kỳ một chi tiết nào được vẽ hoặc điêu khắc ra cũng thường mang một ý nghĩa ẩn dụ nào đó.

    Quay trở lại bức Đại hồng thủy, các nhân vật của Michelangelo cũng được vẽ để ám chỉ đến 7 đại tội mà loài người đang mắc phải, khiến Thiên Chúa tạo ra một cơn lũ để trừng phạt họ.

    Người đàn ông cầm chiếc thùng đại diện cho tội tham ăn và lười biếng, những người đánh nhau trên thuyền đại diện cho tội phẫn nộ, người phụ nữ mang theo nhiều của cải đại diện cho tội tham lam.

    Ngoài ra còn có các tội đố kỵ, kiêu ngạo và dâm dục.

    Bí ẩn tồn tại 500 năm trong bức họa

    Đại cảnh đầy đủ của bức Đại hồng thủy.

    Theo thông lệ trong hội họa thời Trung cổ, những kẻ bị mắc tội và bị trừng phạt thường được khắc họa một cách méo mó và dị dạng. Điều đó có vẻ cũng đúng trong trường hợp của người phụ nữ này.

    Michelangelo đã cố tình vẽ cô ấy với bệnh ung thư vú. Và các nhà nghiên cứu cho rằng chi tiết này là biểu thị ý đồ của tội dâm dục.

    "Ung thư vú có lẽ tượng trưng cho sự trừng phạt đối với ham muốn tình dục", giáo sư Nerlich phân tích. Nó cũng có thể là biểu hiện của khái niệm cái chết mà Michelangelo muốn truyền tải.

    Ông vốn được biết đến là một người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tân Platon, trường phái cuối cùng của triết học Hy Lạp. Trong chủ nghĩa này, sự bất tử được biểu thị bằng cái đẹp và sự hài hòa. Ngược lại, sự méo mó và biến dạng đại diện cho cái chết không thể tránh khỏi.

    Câu hỏi đặt ra lúc này là: Nếu người phụ nữ trong bức Đại hồng thủy đúng là biểu tượng của đại tội dâm dục, vẫn còn 2 đại tội nữa là kiêu ngạo và đố kỵ chưa được tìm thấy trong bức họa của Michelangelo.

    Những nhân vật nào liệu đang đại diện cho các đại tội còn lại của loài người? Đó vẫn còn là một bí ẩn.

    Nguồn: Sciencealert, Iflscience, Medicalxpress
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ